Theo đó, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm, không cho bốn bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh hưởng án treo; đồng thời giữ nguyên án sơ thẩm đối với các bị cáo còn lại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Cụ thể, theo đại diện Viện Kiểm sát, các bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh là đồng phạm giúp sức bị cáo Danh gây thiệt hại trong cả hai giai đoạn của vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB – nay là CB). Trong vụ án VNCB giai đoạn 1 (được đưa ra xét xử vào năm 2016), cả bốn bị cáo đều được tuyên hưởng án treo, nay tiếp tục bị xét xử về một tội danh khác nhưng vẫn được Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm áp dụng án treo là vi phạm điều 3 Nghị quyết 02/2018 của Hội đồng thẩm phán, rằng “không cho hưởng án treo đối với người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội khác thực hiện trước khi được hưởng án treo”. Vì vậy, đại diện Viện Kiểm sát giữ nguyên yêu cầu kháng nghị, đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không chấp nhận cho bốn bị cáo này được hưởng án treo.
Đối với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo khác, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng không có cơ sở vì mức án cấp sơ thẩm tuyên đã tương xứng với vai trò, hành vi phạm tội của từng bị cáo. Riêng bị cáo Trần Hiệp bị án sơ thẩm tuyên phạt 3 năm tù, nhưng hiện nay bị cáo này đang bị ung thư giai đoạn 4, có hồ sơ bệnh án nên đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.
Về trách nhiệm dân sự và xử lý vật chứng, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị sửa án sơ thẩm theo hướng không thu hồi 4.500 tỷ đồng từ Ngân hàng CB để trả lại và khấu trừ hậu quả cho bị cáo Phạm Công Danh. Đại diện Viện Kiểm sát nhận định, số tiền 4.500 tỷ để tăng vốn điều lệ là bị cáo Phạm Công Danh có được từ hành vi trái pháp luật, có nguồn gốc bất hợp pháp. Bên cạnh đó, số tiền này cũng chưa được hạch toán tăng vốn điều lệ cho VNCB vì Ngân hàng Nhà nước không chấp nhận việc dùng tiền vay để tăng vốn điều lệ nên không có cơ sở pháp lý buộc Ngân hàng CB trả lại số tiền này cho Phạm Công Danh. Đại diện Viện Kiểm sát cũng cho rằng số tiền 4.500 tỷ đồng không phải là đối tượng giải quyết của vụ án và không phải vật chứng của vụ án như án sơ thẩm nhận định nên không có cơ sở thu hồi.
Đối với thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng của vụ án, bản án sơ thẩm đã xác định hành vi Phạm Công Danh là sử dụng 29 công ty “sân sau” vay tiền tại ba Ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV rồi dùng tiền của VNCB gửi tại ba ngân hàng này bảo lãnh cho các khoản vay. Hành vi của Phạm Công Danh và đồng phạm đã gây thiệt hại khi 29 công ty không có khả năng trả nợ. Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã tuyên thu hồi từ ba ngân hàng và từ những các nhân, tổ chức đã nhận tiền từ Phạm Công Danh trả lại cho Ngân hàng CB nhằm khắc phục hậu quả vụ án. Sau bản án sơ thẩm, một số cá nhân, tổ chức kháng cáo không đồng ý bị thu hồi tiền để trả lại cho Ngân hàng CB, trong đó đáng chú ý như: Ngân hàng BIDV kháng cáo không đồng ý bị thu hồi hơn 1.500 tỷ đồng, ông Trần Quý Thanh (Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Hiệp Phát) không đồng ý bị thu hồi 194 tỷ đồng…
Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc, xem xét theo hướng có lợi nhất để khắc phục hậu quả vụ án. Trong trường hợp giữ nguyên như án sơ thẩm, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao làm rõ trách nhiệm các cá nhân tại Ngân hàng BIDV trong việc để xảy ra hậu quả từ việc thu hồi hơn 1.500 tỷ đồng, gây thiệt hại cho BIDV.
Dự kiến, phiên tòa kết thúc vào ngày 25/12.