Quang cảnh phiên tranh tụng. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Tranh luận về chứng cứ kết tội “Tham ô tài sản” Nhằm gỡ tội cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC), các luật sư đã phân tích, tranh luận xoay quanh các chứng cứ kết tội “Tham ô tài sản”. Luật sư Ngô Thị Thu Hằng cho rằng bị cáo Trịnh Xuân Thanh không có quyền quyết định trong việc PVP Land chuyển nhượng cổ phần, mà thẩm quyền của việc này thuộc về PVP Land.
Theo luật sư, việc chuyển nhượng cổ phần hay thoái vốn của PVP Land tại Dự án Nam Đàn Plaza nhất thiết phải lấy ý kiến của tất cả các thành viên Hội đồng quản trị PVP Land. Về việc lấy ý kiến thành viên Hội đồng quản trị PVP Land, bị cáo Đào Duy Phong (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVP Land) đã ký phiếu xin ý kiến và có 4/5 thành viên Hội đồng quản trị đồng ý phương án bán cổ phần. Ngày 12/4/2010, bị cáo Đào Duy Phong ký Quyết định số 18 PVPL/QĐ-HĐQT phê duyệt cho chuyển nhượng 12.120.000 cổ phần chưa thanh toán của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá không thấp hơn 13.500 đồng/cổ phần, giao cho bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên Tổng Giám đốc PVP Land) thực hiện.
Dẫn chứng PVC chỉ sở hữu 28% vốn điều lệ của PVP Land và với 2 thành viên trong Hội đồng quản trị là người đại diện phần vốn góp, luật sư Ngô Thị Thu Hằng cho rằng không đủ điều kiện để phủ quyết các quyết định của Hội đồng quản trị. Trong hồ sơ tài liệu và lời khai của các bị cáo tại phiên tòa cũng đã chứng minh bị cáo Trịnh Xuân Thanh không có quyền trong việc quyết định bán hay không bán, giá cả thế nào trong việc chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại Dự án Nam Đàn Plaza.
Dựa trên lời khai của bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh tại phiên tòa khẳng định việc bán đất là do lãnh đạo PVP Land quyết định, luật sư Hằng phân tích vai trò người đại diện phần vốn của PVC tại PVP Land hoàn toàn được quyền quyết định việc chuyển nhượng cổ phần chứ không cần có ý kiến của PVC hay ý kiến chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh cũng khai, PVP Land là công ty cổ phần, hoạt động hoàn toàn độc lập theo Luật Doanh nghiệp, không phải công ty con của PVC, PVC không chi phối vốn. Do đó, nếu PVC không đồng ý thì PVP Land vẫn có thể thoái vốn được theo Luật Doanh nghiệp.
Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Đối với hành vi của bị cáo Trịnh Xuân Thanh, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định: Bị cáo Trịnh Xuân Thanh có vai trò quyết định việc cho chuyển nhượng 12.120.000 cổ phần và chỉ đạo Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh thực hiện. Bản thân bị cáo Thanh cũng đã chiếm hưởng số tiền lớn là 14 tỷ đồng từ số tiền chênh lệch hơn 87 tỷ đồng.
Trong phần bào chữa cho bị cáo Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà), luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng bị cáo Đinh Mạnh Thắng chỉ là người kết nối cho bị cáo Thái Kiều Hương (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Vietsan) gặp bị cáo Thanh để bàn về việc thoái vốn. Chủ trương này đã có từ trước, chính bị cáo Thanh cũng khẳng định như vậy. Mặt khác, bị cáo Đinh Mạnh Thắng cũng không hề biết gì về trình tự, quy trình, thỏa thuận, thương lượng về giá cả. Vai trò của Thắng chỉ là giới thiệu tiếp xúc, gặp gỡ… Như vậy, theo luật sư, bị cáo Đinh Mạnh Thắng không có dấu hiệu của tội “Tham ô tài sản”.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cũng đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc về tình tiết giảm nhẹ của bị cáo Đinh Mạnh Thắng là việc Thắng chủ động khắc phục hậu quả, hoàn trả ngay toàn bộ số tiền này sau khi nhận mấy ngày theo yêu cầu của bị cáo Thái Kiều Hương. Trong vụ án này, bị cáo Thắng chỉ đơn thuần cho rằng việc giúp doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh, khi công việc họ thuận lợi, đạt kết quả thì việc họ cảm ơn là điều bình thường trong cuộc sống.
Về nội dung này, quan điểm luận tội của Viện Kiểm sát xác định: Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy là những người thực hiện hành vi móc nối, tác động để Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh, thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần PVP Land…
Tranh cãi về vai trò chỉ đạo giảm giá để hưởng chênh lệch Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tự bào chữa tại phiên tranh tụng. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên Tổng Giám đốc PVP Land) và Đào Duy Phong (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVP Land) đã tập trung phân tích trách nhiệm và vai trò trong việc chỉ đạo giảm giá chuyển nhượng cổ phần tại Dự án Nam Đàn Plaza để hưởng chênh lệch.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh, luật sư Đặng Thị Dung cho rằng, không có sự bàn bạc trao đổi giữa Nguyễn Ngọc Sinh với các bị cáo khác về việc giảm giá chuyển nhượng cổ phần và hưởng tiền chênh lệch. Luật sư Đặng Thị Dung đã viện dẫn lời khai của bị cáo Trịnh Xuân Thanh rằng không có sự bàn bạc, trao đổi giữa Trịnh Xuân Thanh và Nguyễn Ngọc Sinh về giá chuyển nhượng cũng như trao đổi về tiền chênh lệch. Lời khai của Đào Duy Phong cũng không nói là đã bàn bạc trao đổi với Nguyễn Ngọc Sinh về việc hưởng tiền chênh lệch. Bản thân bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh cũng chưa bao giờ đòi hỏi hay ra điều kiện với ai về việc hưởng số tiền chênh lệch.
Luật sư Dung cũng dẫn chứng lời khai của bị cáo Thái Kiều Hương: “Ngày lên gặp ông Phong chỉ có tôi và anh Duy lên, không có anh Sinh. Việc trao đổi về giá 34 triệu đồng/m2 lúc đó anh Sinh cũng chưa biết”.
Trong các lời khai của Đặng Sỹ Hùng (nguyên Trưởng phòng Kinh tế Kế hoạch PVP Land) trong hồ sơ vụ án cũng thể hiện không hề có sự bàn bạc nào giữa Đặng Sỹ Hùng và Nguyễn Ngọc Sinh trong việc giảm giá bán để hưởng tiền chênh lệch.
Do vậy, luật sư Đặng Thị Dung khẳng định Nguyễn Ngọc Sinh không bàn bạc với ai nhằm mục đích giảm giá bán để hưởng tiền chênh lệch.
Về vai trò của bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh, Viện Kiểm sát nhận định: Nguyễn Ngọc Sinh nắm rõ dự án, trong đó giá trị sử dụng đất là 25 triệu USD (tương đương khoảng 52 triệu đồng/m2) và các chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh về phương án đầu tư, triển khai dự án. Nhưng sau khi được Đào Duy Phong truyền đạt ý kiến chỉ đạo ký hợp đồng bán cổ phần với giá 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá thực tế và sẽ có một khoản tiền chênh lệch để ngoài, nên Sinh đã ký tờ trình và ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với giá 34 triệu đồng/m2 trước khi có Nghị quyết của PVC chấp thuận và bị cáo Đào Duy Phong ký Quyết định phê duyệt nhằm hưởng lợi từ số tiền chênh lệch. Ngoài ra, Nguyễn Ngọc Sinh còn khai việc ký hợp đồng trước khi có Nghị quyết của PVC là do Trịnh Xuân Thanh đã thông báo và giới thiệu đối tác mua, chứng tỏ PVC đã biết việc này nên không cần xin ý kiến, nhưng sau đó Đào Duy Phong vẫn ký Tờ trình xin ý kiến PVC. Nguyễn Ngọc Sinh thừa nhận đã được nhận 2 tỷ đồng từ Đào Duy Phong và biết rõ đó là tiền chênh lệch khi ký hợp đồng.
Phân tích về những cáo buộc của Viện Kiểm sát đối với bị cáo Đào Duy Phong, luật sư Hoàng Doanh Trung cho rằng bị cáo Phong là Chủ tịch Hội đồng quản trị, không có nhiệm vụ đàm phán về giá trị cổ phần chuyển nhượng, đồng thời cũng không có thẩm quyền quyết định việc bán cổ phần và chủ trương thoái vốn của PVP Land trước một Hội đồng quản trị gồm 5 người quyết định theo phương thức đa số quá bán. Theo luật sư, không có bất cứ một mối liên hệ có tính chất nhân – quả nào giữa việc bị cáo lợi dụng cương vị công tác của mình để dàn xếp hoặc giúp sức cho việc thực hiện giao dịch nhằm chiếm đoạt tài sản do mình được giao quản lý.
Luật sư Nguyễn Như Thái Dũng đưa ra luận cứ bào chữa cho bị cáo. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Các luật sư cũng cho rằng, bị cáo Đào Duy Phong không có mục đích chiếm đoạt tài sản trước khi có hành vi nhận tiền. Bằng chứng là vào cuối tháng 3/2010, Thái Kiều Hương và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy đến gặp Đào Duy Phong để nói về việc mua cổ phần của PVP Land và trả giá tương đương 34 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, bị cáo Phong chỉ là 1 thành viên trong Hội đồng quản trị, không thể toàn quyền quyết định, nên Phong đã đưa Hương và Duy đến gặp Nguyễn Ngọc Sinh là Tổng Giám đốc. Bị cáo Phong chỉ biết đến giá trị cổ phần chuyển nhượng khi ký hợp đồng, còn việc thỏa thuận và quyết định về giá thì Phong không tham gia.
Ngoài ra, khi bị cáo Duy cho người chuyển 10 tỷ đồng cho lái xe của Phong, Phong đã đưa cho Nguyễn Ngọc Sinh 2 tỷ đồng. Số tiền 8 tỷ đồng còn lại, Phong xác định đây là tiền của tập thể nên Phong đã chủ động báo cáo với cấp trên.
Theo Viện Kiểm sát, với cương vị là Chủ tịch Hội đồng quản trị của PVP Land, là người đại diện phần vốn của Nhà nước tại PVP Land, bị cáo Đào Duy Phong biết rõ Dự án Nam Đàn Plaza có giá trị 25 triệu USD, tương đương 52 triệu đồng/m2 đất, nhưng Phong vẫn ký Nghị quyết chấp thuận cho PVP Land chuyển nhượng cổ phần với giá không thấp hơn 13.500 đồng/cổ phần (tương đương 34 triệu đồng/m2) để được hưởng tiền chênh lệch giá khi chuyển nhượng. Bản thân Phong đã trực tiếp nhận 10 tỷ đồng tiền chênh lệch giá do Lê Hòa Bình chuyển thông qua Huỳnh Nguyễn Quốc Duy. Số tiền này Đào Duy Phong đã đưa lại cho Sinh 2 tỷ đồng và sử dụng cá nhân 8 tỷ đồng. Trong quá trình điều tra trước đây, gia đình bị cáo đã tự nguyện nộp lại 10 tỷ đồng.
Ngày 28/1, phiên tòa tiếp tục với phần đối đáp giữa đại diện Viện Kiểm sát với các luật sư.