Đây là lần đầu tiên Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử về hành vi thao túng giá chứng khoán.
Trước đó, vụ án này đã được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm và trả hồ sơ đề nghị điều tra bổ sung một số điểm chưa rõ trong vụ án. Sau khi có kết luận điều tra bổ sung, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao quyết định giữ nguyên cáo trạng truy tố.
14 đồng phạm của bị cáo Trần Hữu Tiệp trong vụ án này gồm: Vũ Thị Hoa (sinh năm 1970, trú tại Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội); Nguyễn Lê Trường (sinh năm 1980, nguyên Giám đốc Công ty MTM); Bùi Thiện Lý (sinh năm 1988, trú tại xã Đông Hòa, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình), Đỗ Hữu Tài (sinh năm 1992, trú tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội); Hồ Xuân Lý (sinh năm 1975, nguyên Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngọc Hồi, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Nam Hà Nội); Lê Đắc Hà (sinh năm 1972, nguyên Giám đốc Phòng Giao dịch Đại Kim, Ngân hàng BIDV Nam Hà Nội) cùng ba giao dịch viên Ngân hàng BIDV Nam Hà Nội gồm: Đặng Mạnh Hùng (sinh năm 1983), Nguyễn Thị Hiền (sinh năm 1980); Vũ Thế Vinh (sinh năm 1979); Nguyễn Văn Dĩnh (sinh năm 1965, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần khoáng sản Nari Hamico), Nguyễn Thị Hiên (sinh năm 1967, trú tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), Ngô Văn Hiến (sinh năm 1983, trú tại phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội), Lê Thị Hằng Nga (sinh năm 1979, Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) Tây Hà Nội), Trần Thị Mai Lan (sinh năm 1980, nguyên Giám đốc Dịch vụ khách hàng Ngân hàng TPBank Tây Hà Nội).
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã truy tố các bị cáo: Tiệp, Hoa, Trường về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 1999. Các bị cáo Lý và Tài bị truy tố về tội “Thao túng giá chứng khoán” theo quy định tại Điều 181c, khoản 2, điểm c - Bộ luật Hình sự năm 1999.
Các bị cáo Dĩnh, Hiên, Hiến, Nga, Lan bị truy tố về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức” theo quy định tại Điều 267, khoản 2 - Bộ luật Hình sự năm 1999. Các bị cáo Lý, Hà, Hùng, Hiền, Vinh bị truy tố về tội “Giả mạo trong công tác” theo quy định tại Điều 284 - Bộ luật Hình sự năm 1999.
Theo cáo trạng, năm 2010, Nguyễn Văn Dĩnh mua lại hồ sơ pháp lý của Công ty MTM. Doanh nghiệp này không hoạt động, không có vốn nhưng các đối tượng làm giả hồ sơ thể hiện năm 2014, MTM có 103 cổ đông sở hữu 31 triệu cổ phần (tương đương 310 tỉ đồng); làm giả chứng từ tăng vốn thực góp lên 310 tỉ đồng… để đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán.
Để làm giả được hồ sơ nói trên, Tiệp, Dĩnh và đồng phạm đã móc nối với các cán bộ ngân hàng liên quan. Từ năm 2013 đến 2015, các cán bộ Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) nêu trên đã làm giả 143 chứng từ ủy nhiệm chi/nộp - rút tiền với tổng số 355 tỉ đồng cho MTM.
Tương tự, chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong Tây Hà Nội (TPBank Tây Hà Nội) cũng giúp các bị cáo mở tài khoản, làm giả 7 chứng từ với tổng số 130 tỉ đồng.
Có được hồ sơ doanh nghiệp khống và theo chỉ đạo của Dĩnh, đồng phạm của bị cáo này tiếp tục móc nối với cán bộ Ngân hàng TPBank Tây Hà Nội và BIDV Nam Hà Nội để hợp thức chứng từ nộp, rút 485 tỉ đồng, thể hiện việc góp vốn của các cổ đông và doanh số kinh doanh của Công ty MTM.
Trong lúc Dĩnh đang chỉ đạo đăng ký niêm yết cổ phiếu MTM, ngày 29/5/2015, đối tượng này bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; trốn thuế và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng ở một vụ án khác.
Ngay sau đó, Công ty MTM vội rút hồ sơ đăng ký niêm yết trên sàn giao giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, tháng 6/2015, Tiệp và Phùng Thành Công (hiện bỏ trốn) lại thỏa thuận với Vũ Thị Hoa (vợ Dĩnh) để nhận hồ sơ pháp lý của Công ty MTM và tiếp tục làm thủ tục đăng ký giao dịch chứng khoán.
Hoa biết rõ MTM không có vốn, cũng không hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn đồng ý bàn giao hồ sơ với thỏa thuận - nếu cổ phiếu MTM được giao dịch trên thị trường chứng khoán, mỗi bên sẽ sở hữu 50% trong số 31 triệu cổ phiếu, tương đương 155 tỉ đồng vốn thực góp.
Cáo trạng xác định, tính đến thời điểm vụ án bị phát hiện (tháng 6/2016) đang có 1.156 người đứng tên sở hữu cổ phiếu “ảo” của doanh nghiệp này. Trong đó, 822 nhà đầu tư đã có đơn đề nghị làm rõ thiệt hại.
Với thủ đoạn nêu trên, Trần Hữu Tiệp cùng các đồng phạm đã thực hiện các hành vi gian dối lừa đảo, thao túng cổ phiếu MTM, gây thiệt hại hơn 56 tỷ đồng, trong đó lừa đảo chiếm đoạt hơn 53 tỷ đồng của các nhà đầu tư cổ phiếu MTM. Ngoài ra, Tiệp còn có hành vi lừa bán cổ phiếu của MTM cho 2 người khác để chiếm đoạt 355 triệu đồng.
Trước đó, ngày 14/11/2018, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án này. Sau 3 ngày xét xử, Tòa đã quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ một số vấn đề.
Cụ thể, điều tra làm rõ trách nhiệm của các kiểm toán viên của Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn tài chính quốc tế trong việc kiểm toán báo cáo tài chính 2014 và báo cáo tài chính soát xét từ ngày 1/1/2015 đến ngày 10/4/2015 và Công ty TNHH Kiểm toán tư vấn Thăng Long PDK trong việc kiểm toán báo cáo tài chính 2013 và báo cáo tài chính soát xét từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/10/2014. Trường hợp có vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kiểm toán cần khởi tố bị can với các đối tượng này.
Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, cũng như các cá nhân của Ủy ban chứng khoán Nhà nước trong việc để cổ phiếu của Công ty MTM giao dịch trên sàn UPCoM.
Tòa án còn yêu cầu làm rõ thực tế Đỗ Hữu Tài, Bùi Thiện Lý sử dụng bao nhiêu tài khoản để đặt lệnh mua bán cổ phiếu MTM và làm rõ mức độ ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, Tòa cũng đề nghị làm rõ tài sản thực tế của MTM năm 2010 đến nay có đúng như báo cáo tài chính sổ sách kế toán hay không? Nếu không đúng thì ai là người lập nên các tài liệu đó và xem xét trách nhiệm của các cá nhân đó.
Tuy nhiên, sau khi có Kết luận điều tra bổ sung, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho rằng những nội dung điều tra bổ sung không làm thay đổi bản chất vụ án, vì vậy quyết định giữ nguyên bản cáo trạng đã truy tố.