Huyện Đại Lộc có tổng diện tích đất lâm nghiệp hơn 34.837 ha, trong đó đất do hộ gia đình quản lý, khai thác là hơn 12.854 ha, gồm hơn 2.358 ha rừng phòng hộ (không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và 10.496 ha rừng sản xuất. Trong 10.496 ha rừng sản xuất, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Đại Lộc (trước đây thuộc phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đại Lộc, nay thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam) đã bàn giao cho các xã, thị trấn 2.696 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo dự án thành lập bản đồ tỉ lệ 1/10.000 từ tháng 2/2012; trong đó giao cho xã Đại Lãnh là 249 giấy và xã Đại Hưng là 275 giấy.
Ngày 31/10/2012, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Đại Lộc tiến hành kiểm tra đã phát hiện xã Đại Lãnh và xã Đại Hưng chưa thực hiện trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân theo quy định. Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Đại Lộc đã tiến hành lập biên bản và đại diện lãnh đạo 2 xã đã cam kết sẽ giao giấy chứng nhận quyền sử đất lâm nghiệp cho người dân dứt điểm đến cuối tháng 11/2012.
Tuy nhiên từ thời điểm lập biên bản đến nay, xã Đại Lãnh vẫn chưa giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho một hộ dân nào. Đối với xã Đại Hưng mới tiến hành bàn giao 130 giấy/275 giấy theo quy định. Ông Nguyễn Quốc Tĩnh ở thôn Hà Dục Đông, xã Đại Lãnh bức xúc cho biết, gia đình có khoảng 4 ha đất lâm nghiệp đang trồng cây keo. Các hộ dân trong thôn cũng biết huyện đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, nhưng nhiều lần hỏi cán bộ xã thì được trả lời là chưa có nên người dân rất lo lắng vì thời gian chờ đợi quá lâu mà không rõ nguyên nhân vì sao lãnh đạo xã chưa cấp. Người dân mong muốn sớm nhận được giấy để yên tâm sản xuất, quy hoạch lại diện tích đất lâm nghiệp đang có để phát triển những mô hình kinh tế trang trại lâu dài.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Thận, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết: Xã đã nhận 249 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp với tổng diện tích là 310 ha từ huyện Đại Lộc. Lý do chậm phát cho người dân là do địa phương chỉ có một cán bộ địa chính xã nên khi nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp về, phải mất rất nhiều thời gian đi kiểm tra lại trên thực địa. Hiện nay, xã đã phân loại trong 249 hộ đã được huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì 211 hộ đủ điều kiện cấp.
Theo ông Nguyễn Quốc Thận, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh, xã sẽ tiến hành trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 211 hộ, những hộ còn lại xã sẽ báo cáo các cơ quan chức năng của huyện Đại Lộc để có hướng giải quyết.
Tuy nhiên, ông Bùi Xuân Vinh, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Đại Lộc lại không đồng ý với lý do mà lãnh đạo xã Đại Lãnh đưa ra. Theo ông Bùi Xuân Vinh, việc tiến hành đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân trên địa bàn huyện được thực hiện theo đúng quy trình. Lãnh đạo các xã chỉ có trách nhiệm giao lại cho người dân giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp; trường hợp phát hiện sai sót, tranh chấp thì báo cáo lại các đơn vị chức năng để chỉnh sửa. Nhưng hiện Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Đại Lộc chưa nhận bất kỳ một văn bản nào của xã Đại Lãnh và xã Đại Hưng. Chính vì vậy, việc 2 xã này chậm bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân là sai quy định và đơn vị này cũng mới lắm được thông tin khi các cơ quan báo chí phản ánh. Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Đại Lộc sẽ cử cán bộ phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đại Lộc đi kiểm tra lại toàn bộ việc trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân tại các xã.
Ông Bùi Xuân Vinh, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Đại Lộc cho biết thêm: Năm 2007, Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên môi trường Quảng Nam là đơn vị được giao thực hiện đo đạc diện tích rừng sản xuất của người dân trên địa bàn huyện Đại Lộc theo dự án thành lập bản đồ tỉ lệ 1/10.000 của tỉnh Quảng Nam. Các xã đã họp dân về những trường hợp đủ điều kiện để tiến hành đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo quy định. Sau đó, các xã niêm yết danh sách công khai cho người dân được biết và gửi danh sách này cho Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên môi trường Quảng Nam tiến hành đo đạc, có sự tham gia của các hộ dân. Trên cơ sở đó, Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên môi trường Quảng Nam và phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã tham mưu cho lãnh đạo huyện Đại Lộc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp và bàn giao cho lãnh đạo các xã để chuyển đến người dân.
Như vậy, từ khi huyện Đại Lộc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân đến nay đã hơn 4 năm, nhưng hiện giấy chứng nhận này vẫn chưa đến được tận tay người dân theo quy định.