Xét xử 'bầu' Kiên: Nhiều tranh cãi quanh việc ủy thác 718 tỷ đồng tại Vietinbank

Ngày 28/5, phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm được tiếp tục với phần tranh luận giữa các luật sư, bị cáo và đại diện Viện kiểm sát.

Theo cáo buộc, bị cáo Nguyễn Đức Kiên phạm tội trốn thuế do biết Quốc hội ra quyết sách về việc miễn thuế thu nhập cá nhân. Luật sư Vũ Xuân Nam (bào chữa cho bị cáo Kiên) đề nghị Viện kiểm sát làm rõ về những chứng cứ để quy kết Kiên biết quyết sách này để phạm tội trốn thuế. Luật sư Nam cũng đề nghị Viện kiểm sát làm rõ vấn đề phương pháp giám định, đối tượng giám định, tiêu chuẩn giám định… Vì theo ông Nam, giám định viên đã quên chế độ miễn giảm 30% thuế thu nhập của Công ty B&B, nên cần thiết phải thẩm tra lại vấn đề này. Cũng liên quan đến tội danh trốn thuế, luật sư Hoàng Đôn Hùng còn cung cấp thêm văn bản của Công ty B&B hỏi cơ quan thuế về hướng dẫn thuế phải nộp.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên (áo trắng). Ảnh Doãn Tấn - TTXVN


Đối với số tiền 718 tỷ đồng ủy thác của Ngân hàng ACB bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt, luật sư Hoàng Đôn Hùng cho rằng, ngân hàng Vietinbank đã vi phạm quy định. Đơn vị có lỗi thì không chịu trách nhiệm. Còn Ngân hàng ACB hiện đang phải chịu trách nhiệm cho hậu quả của người khác.

Theo ông Hùng, tại Điều 90, Luật Các tổ chức tín dụng, được hiểu rằng tất cả các ngân hàng thương mại đều được cấp phép ủy thác và trong đó có hoạt động gửi tiền. Đối với Ngân hàng ACB đã thực hiện ủy thác từ năm 2005, trước 5 năm khi Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực. Do đó, ông Hùng cho rằng: Việc ủy thác không vi phạm quy định.

Luật sư Hùng còn khẳng định: Việc bị cáo Kiên bị khởi tố về tội "Cố ý làm trái", trong đó có một phần lỗi thuộc về việc thiếu trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước. Trên sơ sở đó, luật sư Hùng đã kiến nghị Tòa khởi tố hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với một số cá nhân của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời kiến nghị Hội đồng xét xử về việc bị cáo Kiên không phạm tội "Cố ý làm trái".

Liên quan đến hành vi Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tiền, luật sư Nguyễn Minh Tâm (bào chữa cho bị cáo Trịnh Kim Quang và Phạm Trung Cang) cho rằng: Huyền Như lấy tiền từ “túi” của VietinBank chứ không phải lấy tiền của Ngân hàng ACB. Chính vì thế Huyền Như không lừa đảo ACB mà lừa đảo chính ngân hàng VietinBank. Và việc mất 718 tỷ đồng không phải là hậu quả của việc ủy thác nhân viên ACB gửi tiền vào VietinBank.

Theo luật sư Tâm, cáo trạng truy tố bị cáo Trịnh Kim Quang về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” ở thời điểm Luật Các tổ chức tín dụng 2010 chưa có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước chưa có hướng dẫn ủy thác tiền gửi. Với lý do này, luật sư Tâm cho rằng hành vi của bị cáo Quang không vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/1/2011 vì trước ngày 1/1/2011, không cấm cá nhân gửi tiền vào cho ngân hàng khác.

Luật sư Tâm dẫn chứng: Quyết định 742 của Ngân hàng Nhà nước là văn bản duy nhất hướng dẫn ủy thác, đã không cấm việc ủy thác gửi tiền. Các văn bản sau vẫn hướng dẫn tiếp tục thực hiện. Đến thời điểm này, khi đang xét xử, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn gửi tiền vào các tổ chức tín dụng… Ngân hàng ACB đã thực hiện ủy thác từ năm 2005, cho nên quyền lợi đương nhiên của tổ chức tín dụng này là tiếp tục thực hiện ủy thác. Vì vậy, nếu Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hành vi này vi phạm thì Ngân hàng Nhà nước phải tự xác định trách nhiệm của mình.

Cùng chung luận điểm bào chữa này, luật sư Vũ Ngọc Chi (bảo vệ cho bị cáo Huỳnh Quang Tuấn) cũng khẳng định: Đối với hành vi "Cố ý là trái" ở đây không có thiệt hại. Thiệt hại được nhìn nhận hai khía cạnh. Thứ nhất là đại diện ACB không có thiệt hại đối với hành vi của các bị cáo. Thứ hai bản án hình sự đối với Huyền Như đang có kháng cáo nên chưa xác nhận thiệt hại của ACB.

Theo vị luật sư này, bị cáo Tuấn tham gia cuộc họp với chức danh Phó Giám đốc Ngân hàng ACB nhưng với tư cách là khách mời vì không thuộc thành viên thường trực Hội đồng quản trị. Bản thân trong Nghị quyết của Hội đồng quản tri, Tuấn cũng không được ký tên. Hành vi chiếm đoạt tiền của Huỳnh Thị Huyền Như xuất phát từ ý chí cá nhân, không liên quan đến việc bị cáo Tuấn trở thành thường trực Hội đồng quản tri Ngân hàng ACB cho nên việc cáo buộc ông Huỳnh Quang Tuấn có hành "Cố ý làm trái" là không thỏa đáng…

Ngày 29/5, phiên xử tiếp tục với phần tranh tụng tại Tòa.


Kim Anh

Đề nghị án 30 năm tù với Nguyễn Đức Kiên
Đề nghị án 30 năm tù với Nguyễn Đức Kiên

Sáng 27/5, bắt đầu phần tranh luận tại phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã đọc bản luận tội và đề nghị mức án đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN