Theo bác sĩ Bùi Thế Hùng, Viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, 6 tháng đầu năm 2018, đơn vị đã giám định cho gần 700 trường hợp, trong đó số người bệnh bắt buộc được các cơ quan tố tụng chuyển tới tăng nhanh và ngày càng phức tạp. Đáng quan tâm hơn, thời gian qua, số trường hợp phải giám định lại vẫn tăng cao (trong 6 tháng đầu năm đã giám định lại 14 trường hợp); văn bản yêu cầu giải thích kết luận giám định còn nhiều.
Bác sĩ Bùi Thế Hùng cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều trường hợp phải giám định lại, giải thích kết luận giám định gây khó khăn trong hoạt động xét xử là do các bị can, bị cáo luôn có sự thay đổi biểu hiện khi bị tạm giam. Một số cơ quan tố tụng đưa ra nội dung trưng cầu không đúng chuyên môn của pháp y, không rõ ràng. Ngoài ra, cơ quan trưng cầu thường không cung cấp đủ hoặc chậm hồ sơ để giải quyết vụ việc.
Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Nhự, Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia cho rằng, hiện nay nhiều cơ quan trưng cầu giám định yêu cầu giám định thương tích trên hồ sơ trong trường hợp người cần được giám định vẫn còn sống. Tuy nhiên, Thông tư 20/BYT về việc giám định để xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể quy định, chỉ giám định thương tích trên hồ sơ đối với các trường hợp đã chết hoặc bị mất tích. Vấn đề này, các bộ, ngành chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên khó khăn cho cơ quan tố tụng khi người bị hại từ chối giám định.
Về phía các cơ quan tố tụng cho biết, hiện nay một số đối tượng lợi dụng làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần hoặc trong quá trình chữa bệnh bắt buộc đã trốn ra ngoài, có biểu hiện tiếp tục phạm tội. Bên cạnh đó, thời gian giám định kéo dài gây khó khăn, làm ảnh hưởng tiến độ điều tra.
Nhằm khắc phục những khó khăn trong việc phối hợp giữa cơ quan tố tụng và giám định pháp y, đại diện Công an tỉnh Đồng Nai đề xuất, thời gian tới cần xác lập, duy trì cơ chế thông tin giữa các cơ quan với nhau, trong trường hợp đặc biệt đơn vị giám định cần phối hợp với cơ quan trưng cầu trực tiếp thu thập tài liệu liên quan đến công tác giám định. Với những trường hợp chữa bệnh bắt buộc, đơn vị giám định cần bố trí phòng canh giữ để quản lý...
Tại Hội thảo Phối hợp hoạt động giữa các tổ chức pháp y, pháp y tâm thần với các cơ quan tố tụng khu vực phía Nam tổ chức mới đây tại Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, để có thể hạn chế các vụ án đau lòng từ những người bệnh tâm thần, cần phát triển, mở rộng, quan tâm sâu sắc tới mạng lưới tâm thần, pháp y tâm thần. Các ngành liên quan cần có giải pháp cụ thể, thiết thực để hạn chế những điều đáng tiếc xảy ra.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng, kết luận giám định pháp y là căn cứ quan trọng trong hoạt động tố tụng nên đòi hỏi sự chính xác và cẩn thận, tránh để lạm dụng kết luận pháp y tâm thần trong việc xử lý các vụ án hình sự. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến yêu cầu, các cơ quan pháp y cần có sự phối hợp nhịp nhàng với cơ quan tố tụng tại địa phương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.