Ngày 6/1, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (sinh năm 1978, quê Tiền Giang), nguyên Phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) về các tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (mặc áo hồng) cùng đồng phạm trước vành móng ngựa. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN
|
Bào chữa cho các bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự có 47 luật sư; trong đó bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như có 3 luật sư bào chữa. Nhiều đơn vị, cá nhân với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã vắng mặt tại phiên tòa.
Trong phần khai mạc phiên tòa, một số luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xác định lại tư cách của nguyên đơn dân sự, người bị hại trong vụ án, đồng thời xin hoãn phiên tòa vì chưa sao chụp hết hồ sơ vụ án cũng như cho triệu tập thêm một số người tham gia vụ án. Tuy nhiên, các yêu cầu này của luật sư đã bị Hội đồng xét xử tuyên bác. Theo Hội đồng xét xử, tòa đã triệu tập 15 đơn vị, cá nhân có liên quan trong vụ án; trong quá trình điều tra tại tòa nếu thấy cần thiết thì Hội đồng xét xử sẽ triệu tập thêm.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao: Từ đầu năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như lúc đó là cán bộ tín dụng Ngân hàng Vietinbank, Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh đã vay cá nhân hơn 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản tại nhiều nơi.
Đến năm 2010, do kinh doanh thua lỗ và phải trả lãi suất cao nên Như mất khả năng thanh toán. Để có tiền trả nợ, do nắm được nghiệp vụ ngân hàng và là Quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, có thẩm quyền phê duyệt lệnh chuyển tiền của chủ tài khoản từ ngân hàng đi các đơn vị, doanh nghiệp theo quyết định của chủ tài khoản với mức 50 tỷ đồng/một lệnh nên từ tháng 3/2011 đến tháng 9/2011, Như đã giả danh Vietinbanhk Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh để huy động tiền.
Để thực hiện được mục đích, Huỳnh Thị Huyền Như đã thuê làm giả 8 con dấu đứng tên Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và các công ty như Công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên, An Lộc, Đức Minh Quang, Bảo hiểm Toàn Cầu, Saigonbank-Berjaya; làm giả tài liệu của ngân hàng Vietinbank và nhiều đơn vị, cá nhân khác để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân với tổng số tiền gần 5.000 tỷ đồng. Trong đó, Như đã chiếm đoạt của Công ty Phúc Vinh hơn 1.000 tỷ đồng và của Ngân hàng TMCP Á Châu hơn 700 tỷ đồng.
Việc Huỳnh Thị Huyền Như thực hiện trót lọt hành vi phạm tội có phần giúp sức của một số bị cáo trong vụ án hoặc một số đối tượng do thiếu trách nhiệm hoặc có vi phạm quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng; một số đối tượng do vụ lợi mà cố ý làm trái quy định của pháp luật tại một số ngân hàng và công ty.
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã kê biên, thu giữ tiền, tài sản các loại trị giá gần 700 tỷ đồng, trong đó có gần 230 tỷ đồng từ tiền và tài sản của Huỳnh Thị Huyền Như. Bị cáo Như đã nộp 8 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố 6 bị can là lãnh đạo Ngân hàng TMCP Á Châu vì có hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, đã được tách ra trong vụ án Nguyễn Đức Kiên.
Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 25/1.
Chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Đức Sáu, Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài Hội đồng xét xử 5 người có thêm Thẩm phán và Hội thẩm dự khuyết. Tham gia phiên tòa có 2 kiểm sát viên và 1 kiểm sát viên dự khuyết của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh theo ủy quyền của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Cùng bị xét xử với Huỳnh Thị Huyền Như còn có Võ Anh Tuấn (sinh năm 1972, quê Thái Bình), nguyên cán bộ Văn phòng Vietinbank Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh; Huỳnh Mỹ Hạnh (sinh năm 1972, Tiền Giang) và Trần Thị Tố Quyên (sinh năm 1980, Tiền Giang), nguyên Phó Giám đốc và nhân viên Công ty CP đầu tư Hoàng Khải cùng bị xét xử vì có hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; bị cáo Nguyễn Thị Lành (sinh năm 1962, Huế), nguyên Phó Giám đốc Công ty CP đầu tư Phương Đông và Đặng Thị Tuyết Dung (sinh năm 1969, quê thành phố Hồ Chí Minh), nguyên Giám đốc Công ty TNHH Dung Vân cùng bị xét xử về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Cho vay nặng lãi”.
Bị xét xử về tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” có các bị cáo: Trần Thanh Thanh (sinh năm 1980, Quảng Ngãi), Bùi Ngọc Quyên (sinh năm 1981, thành phố Hồ Chí Minh), nguyên Trưởng và Phó Trưởng phòng, Phòng giao dịch Điện Biên Phủ (Vietinbank) cùng các nhân viên là Tống Nguyên Dũng (sinh năm 1987, Đồng Nai), Hoàng Hương Giang (sinh năm 1987, Gia Lai), Phạm Thị Tuyết Anh (sinh năm 1981, Thái Bình); bị cáo Đoàn Lê Du (sinh năm 1980, Kiên Giang), Vũ Nguyễn Xuân Tiên (sinh năm 1975, thành phố Hồ Chí Minh) nguyên Trưởng phòng và Phó trưởng phòng, Phòng Giao dịch Đinh Tiên Hoàng (Vietinbank) cùng các nhân viên Huỳnh Trung Chí, Nguyễn Thị Phúc Ngân (sinh năm 1982, Lâm Đồng); bị cáo Huỳnh Hữu Danh (sinh năm 1981, Phú Yên), nguyên nhân viên ngân hàng TMCP Quốc tế chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh.
Các bị cáo Lương Thị Việt Yên (sinh năm 1973, Nghệ An), Hồ Hải Sỹ (sinh năm 1983, Quảng Ngãi) và Lê Thị Ngọc Lợi (sinh năm 1987, Bà Rịa - Vũng Tàu), nguyên Trưởng phòng, Phó trưởng phòng và nhân viên Phòng Giao dịch Võ Văn Tần (Vietinbank) bị xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị cáo Nguyễn Thiên Lý (sinh năm 1975, Quảng Bình, làm nghề buôn bán), Hùng Mỹ Phương (sinh năm 1974, thành phố Hồ Chí Minh, môi giới chứng khoán), Phạm Văn Chí (sinh năm 1977, Tiền Giang, nghề tự do) bị xét xử về tội “Cho vay nặng lãi”. Bị cáo Phạm Anh Tuấn (sinh năm 1977, Hải Phòng), nguyên Giám đốc Công ty Dầu khí Thái Bình Dương bị xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Trần Xuân Tình