Nhóm bị cáo được xét hỏi trong phiên toà chiều nay là các cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB bị cáo buộc giúp sức tích cực cho bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt của Ngân hàng SCB số tiền lớn. Tất cả các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội theo như cáo trạng. Tuy nhiên, các bị cáo đều cho rằng, bản thân chỉ là người làm công ăn lương, làm việc theo sự phân công của cấp trên chứ không được hưởng lợi ích từ những hành vi phạm tội; mong nhận được sự khoan hồng của luật pháp.
Bị cáo Hoàng Minh Hoàn, cựu Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB khai, trong thời gian bị cáo nhận chức Quyền Tổng Giám đốc SCB chỉ kế thừa việc vận hành của Tổng Giám đốc cũ. Tất cả các tờ trình bị cáo trình lên Hội đồng quản trị đều do chi nhánh chuyển lên. Tất cả các tờ trình đưa lên đều đủ các điều kiện nên bị cáo ký.
Bị cáo Hoàn trình bày, lúc ký các tờ trình, bị cáo không nhận thấy sự bất thường mà sau này làm việc với Cơ quan điều tra mới biết các hồ sơ này liên quan đến hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.
Bị cáo Hoàn cũng khai rằng, bị cáo chỉ giữ chức Quyền Tổng Giám đốc SCB trong hai tháng chín ngày (từ 29/7/2020 đến 9/10/2020) chứ không phải từ 30/3/2020 đến 21/9/2022 như cáo trạng ghi. Theo bị cáo, chi tiết này có thể do lúc làm việc với Cơ quan điều tra, bị cáo nói không rõ ý, dẫn đến cáo trạng và kết luận điều tra sai. Còn lại các con số trong cáo trạng đã chính xác.
Bị cáo Diệp Bảo Châu, cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB thừa nhận, với vai trò là thành viên Hội đồng tín dụng, thành viên Hội đồng kinh doanh và đầu tư Hội sở, Phó Tổng Giám đốc được Tổng Giám đốc ủy quyền đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn.
Theo đó, từ ngày 10/12/2012 đến ngày 1/12/2021, Diệp Bảo Châu đã ký hợp thức hồ sơ của 294 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 122.350 tỷ đồng. Tuy nhiên, bị cáo Châu cho rằng bản thân chỉ làm công ăn lương và không hưởng lợi trong vụ việc.
Nhóm bị cáo Bùi Đức Khoa, Nguyễn Thị Khánh Vân, Trần Thị Kim Chi (cựu nhân viên của Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) khai, các bị cáo đều được Nguyễn Ngọc Dương (đã chết; cựu Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Peninsula) tuyển dụng và bố trí làm việc tại các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.
Ngoài các công việc được giao theo hợp đồng lao động, Nguyễn Ngọc Dương còn chỉ đạo nhóm bị cáo trên tìm, thuê người đứng tên thành lập công ty “ma” nhằm vay vốn khống rồi “giải quỹ” cho các khoản vay, tạo lập dòng tiền, giúp Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tiền từ ngân hàng SCB.
Những cá nhân được nhóm bị cáo trên thuê phải cung cấp giấy tờ tùy thân, sau đó được yêu cầu ký vào các tờ giấy trắng A4 không có nội dung, được đánh dấu vị trí ký bằng bút chì. Mục đích ký khống là để lập hồ sơ rút, nộp và chuyển tiền giúp bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tiền của Ngân hàng SCB.
Theo cáo trạng, từ năm 2016 đến ngày 17/10/2022, các bị cáo Bùi Đức Khoa, Nguyễn Thị Khánh Vân, Trần Thị Kim Chi đã thuê 171 cá nhân và sử dụng thông tin của họ để thành lập hàng trăm công ty “ma” hoặc tạo dựng hồ sơ đứng tên tài sản, cổ phần, vốn góp tại các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; hợp thức hồ sơ vay vốn khống, chứng từ rút, nộp và chuyển tiền liên quan đến các khoản vay, giúp cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tiền từ SCB sử dụng cho các mục đích khác nhau.
Hành vi của Bùi Đức Khoa đã gây thiệt hại cho SCB hơn 154.800 tỷ đồng; Nguyễn Thị Khánh Vân gây thiệt hại hơn 40.300 tỷ đồng; Trần Thị Kim Chi hơn 37.500 tỷ đồng.