Cùng ra tòa với bị cáo Ngọc trong vụ án này còn có 12 bị cáo khác. Trong đó, 6 bị cáo: Hà Trùng Dương (sinh năm 1976, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu vật tư thiết bị Tam Sơn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn vật tư kỹ thuật TMC), Lê Thị Hương (sinh năm 1974, nguyên kế toán trưởng CIMCO), Trần Mạnh Hải (sinh năm 1979, thành viên Công ty cổ phần thép Vinarich, nay đổi tên là Công ty cổ phần thép Phú Thịnh), Lê Thành Dũng (sinh năm 1979, Giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh dịch vụ Vạn Lộc), Vũ Duy Trinh (sinh năm 1978, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ bảo vệ 24/7) và Nguyễn Văn Phượng (sinh năm 1963, nguyên Đội trưởng Đội bảo vệ Công ty cổ phần dịch vụ bảo vệ Năm Sao). Sáu bị cáo này cùng bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Sáu bị cáo còn lại đều nguyên là cán bộ ngân hàng, gồm: Vũ Đức Thực (sinh năm 1977, nguyên Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần, viết tắt là TMCP Phương Đông - Chi nhánh Thăng Long), Hoàng Văn Đông (sinh năm 1982, nguyên Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng TMCP Phương Đông - Chi nhánh Thăng Long), Nguyễn Văn Khuê (sinh năm 1982, nguyên Chuyên viên Phòng khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Phương Đông - Chi nhánh Thăng Long), Lương Duy Huỳnh (sinh năm 1977, nguyên Giám đốc Ngân hàng TMCP xăng dầu Petrolimex - Chi nhánh Thăng Long), Tô Quang Tuyển (sinh năm 1982, nguyên Phó phòng khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng TMCP xăng dầu Petrolimex - Chi nhánh Thăng Long) và Nguyễn Thị Vân Khánh (sinh năm 1979, nguyên Trưởng phòng quản lý tín dụng Ngân hàng TMCP xăng dầu Petrolimex - Chi nhánh Thăng Long). Các bị cáo này cùng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo quy định tại Điều 179, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 1999.
Theo cáo trạng công bố tại phiên tòa, Công ty Trách nhiệm hữu hạn xây lắp và vật liệu công nghiệp (viết tắt Công ty CIMCO, địa chỉ tại phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) do Chu Minh Ngọc làm Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty. Ngoài ra, Chu Minh Ngọc còn thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn vật tư kỹ thuật TMC (Công ty TMC), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu vật tư thiết bị Tam Sơn (Công ty Tam Sơn) do Hà Trùng Dương đứng tên làm Giám đốc và Công ty xuất nhập khẩu CIM. Toàn bộ hoạt động kinh doanh của các Công ty này thuộc sở hữu của Chu Minh Ngọc và do Chu Minh Ngọc chỉ đạo, điều hành, quyết định.
* Lập hồ sơ khống, chiếm đoạt 132 tỷ đồng của 2 ngân hàng
Năm 2010 - 2011 Công ty CIMCO kinh doanh thua lỗ, không có tài sản, không còn khả năng thanh toán nợ vay đến hạn tại các ngân hàng. Để có tiền trả nợ ngân hàng và sử dụng vào các mục đích khác, Chu Minh Ngọc đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng TMCP Phương Đông - Chi nhánh Thăng Long (OCB Thăng Long) và Ngân hàng TMCP xăng dầu Petrolimex - Chi nhánh Thăng Long (PGBank Thăng Long).
Cụ thể, Chu Minh Ngọc đã chỉ đạo Lê Thị Hương, Kế toán trưởng Công ty CIMCO lập khống báo cáo tài chính, phương án sản xuất kinh doanh... để được ký 3 hợp đồng hạn mức tín dụng với OCB Thăng Long và PGBank Thăng Long. Sau đó để được OCB Thăng Long, PGBank Thăng Long giải ngân, Chu Minh Ngọc đã chỉ đạo Lê Thị Hương, Hà Trùng Dương lập và ký hợp đồng, xuất hóa đơn giá trị gia tăng khống về việc mua bán thép với các Công ty TMC, Công ty Tam Sơn, Công ty Vạn Lộc, Công ty Vinarich. Chu Minh Ngọc sử dụng các tài liệu này làm tài sản đảm bảo hình thành trong tương lai và đã được 2 ngân hàng này giải ngân.
Đơn cử, ngày 20/10/2010, Ngọc đề nghị vay 100 tỷ đồng của OCB Thăng Long để bổ sung vốn lưu động phục vụ kinh doanh của CIMCO. Kèm theo đơn xin vay vốn là điều lệ doanh nghiệp, báo cáo tài chính và phương án kinh doanh. Tuy nhiên, phần lớn tài liệu trong hồ sơ vay vốn là không có thật mà do Ngọc chỉ đạo Lê Thị Hương (Kế toán trưởng CIMCO) lập khống, không đúng với tình hình kinh doanh của CIMCO.
Nhận được đề nghị cho vay vốn, ngày 28/10/2010, OCB Thăng Long, đại diện là bà Đỗ Thúy Nga - Giám đốc chi nhánh (sau này là Vũ Đức Thực) ký hợp đồng tín dụng hạn mức cho CIMCO vay 100 tỷ đồng, thời hạn vay là 12 tháng và lãi suất tính theo từng thời điểm giải ngân. Tài sản đảm bảo cho khoản vay trên là Nhà máy sản xuất ống thép đang được xây dựng tại Khu công nghiệp Đại An (Hải Dương) và hàng hóa là thép các loại hình thành từ vốn vay.
Để được OCB Thăng Long giải ngân theo từng khế ước nhận nợ, Ngọc tiếp tục chỉ đạo kế toán trưởng doanh nghiệp lập giấy đề nghị giải ngân kèm theo các Hợp đồng mua bán thép khống cùng hóa đơn giá trị gia tăng giữa CIMCO và các bên bán là các công ty do Ngọc đứng đằng sau. Sau đó, OCB Thăng Long và Ngọc ký hợp đồng cầm cố tài sản hình thành từ vốn vay, đồng thời giao cho Công ty Bảo vệ Năm Sao bảo vệ hàng hóa thông qua hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo vệ tài sản đảm bảo nợ vay năm 2011.
Cơ quan tố tụng xác định, với thủ đoạn này, Ngọc đã lừa đảo, chiếm đoạt của Ngân hàng TMCP Phương Đông và Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex hơn 132 tỷ đồng.
* Ký giải ngân mà không bổ sung tài sản bảo đảm
Theo cáo trạng, đồng phạm cho bị cáo Chu Minh Ngọc chiếm đoạt được số tiền đặc biệt lớn nêu trên còn có sự “tiếp tay” của một loạt lãnh đạo, cán bộ của 2 chi nhánh ngân hàng liên quan.
Viện Kiểm sát nhân dân cho rằng, quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn và hồ sơ giải ngân của CIMCO đối với các hợp đồng hạn mức tín dụng, các bị cáo Vũ Đức Thực, Hoàng Văn Đông và Nguyễn Văn Khuê đã có những hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, bị cáo Thực trên cương vị Giám đốc OCB Thăng Long đã ký 27 khế ước cho Công ty CIMCO vay hơn 221 tỷ đồng và hơn 210.000 USD để mua 23.625,591 tấn thép. Tài sản đảm bảo cho từng khế ước nhận nợ là thép hình thành từ vốn vay. Quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn của Công ty CIMCO, bị cáo Thực đã không đánh giá đúng khả năng tài chính, khả năng trả nợ khi cho Công ty CIMCO vay vốn; không kiểm soát được tài sản đảm bảo. Khi Công ty CIMCO không trả được nợ khoản vay trước, Vũ Đức Thực vẫn chỉ đạo lập, ký tờ trình thay đổi bổ sung điều kiện tín dụng đối với Công ty CIMCO, tiếp tục đề nghị gia hạn thực hiện Hợp đồng tín dụng hạn mức; ký giải ngân mà không bổ sung tài sản bảo đảm, sử dụng tài sản bảo đảm đang tồn kho trên hồ sơ là 8.483,67 tấn thép (nhưng thực tế Vũ Đức Thực không kiểm soát được số tài sản bảo đảm này), không mua bảo hiểm cho 2.390 tấn thép là tài sản đảm bảo hình thành từ L/C, không tiếp nhận tài sản đảm bảo... dẫn đến việc Công ty CIMCO không có tài sản đảm bảo để trả nợ cho OCB Thăng Long.
Tương tự, bị cáo Hoàng Văn Đông (nguyên Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp OCB Thăng Long) cũng không đánh giá hết khả năng tài chính, khả năng trả nợ khi cho CIMCO vay vốn, không kiểm soát được tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, bị cáo Đông còn ký tờ trình bổ sung, thay đổi điều kiện tín dụng đối với CIMCO không nêu rõ công ty này không hợp tác bàn giao tài sản bảo đảm; kiểm tra, tiếp nhận, quản lý tài sản đảm bảo không đúng quy định của ngân hàng.
Đối với nhóm 3 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ PGBank Thăng Long. Viện Kiểm sát nhân dân nhận định: nguyên Giám đốc PGBank Thăng Long Lương Duy Huỳnh đã ký giải ngân cho Công ty CIMCO hơn 270 tỷ đồng và trên 4.5.000 USD thông qua 30 Giấy nhận nợ. Công ty CIMCO đã tất toán 12 Giấy nhận nợ với số tiền hơn 111 tỷ đồng và trên 4.5.000 USD, đồng thời thanh toán hơn 12 tỷ đồng cho 2 Giấy nhận nợ, đến ngày 20/10/2016 còn nợ hơn 146 tỷ đồng gốc. Sau khi giải ngân đến quý 3 năm 2011, Huỳnh thấy không kiểm soát được tài sản bảo đảm (thép) hình thành từ vốn vay và Công ty CIMCO không trả được nợ đối với hợp đồng tín dụng trước, nhưng Lương Duy Huỳnh vẫn chỉ đạo cấp dưới tiếp tục giải ngân cho Công ty CIMCO vay vốn mà không cần tài sản bảo đảm. Ngoài ra Lương Duy Huỳnh còn có hành vi ký giải ngân cho Công ty CIMCO khi Công ty CIMCO không có vốn đối ứng; ký khống 6 Biên bản bàn giao tài sản bảo đảm nhằm che giấu việc giải ngân cho Công ty CIMCO vay vốn khi không có tài sản bảo đảm và sử dụng vốn vay sai mục đích.
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 5 ngày.