Phiên tòa có 5 bị cáo gồm: Trương Châu Hữu Danh (sinh năm 1982, trú tại thành phố Tân An, tỉnh Long An), Nguyễn Phước Trung Bảo (sinh năm 1982, trú tại quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng), Đoàn Kiên Giang (sinh năm 1985, trú tại Quận 1, TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Thanh Nhã (sinh năm 1980, trú tại thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), Lê Thế Thắng (sinh năm 1982, trú tại quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội).
Riêng bị cáo Lê Thế Thắng đang được tại ngoại và có đơn xin được xét xử vắng mặt.
Theo cáo trạng, khoảng tháng 8/2019, Danh cùng với các bị cáo nêu trên và Nguyễn Dân, Ngô Thị Oanh Phương tạo Fanpage “Báo Sạch”, nhóm “Làm Báo Sạch” và kênh YouTube “BS Channel”. Nhóm có các bài viết đầu tiên về Công ty ASANZO. Tuy nhiên, các bài viết này gây mâu thuẫn trong nhóm nên ngày 18/9/2019, Nguyễn Dân và Ngô Thị Oanh Phương rời nhóm “Báo Sạch”. Năm thành viên còn lại, trong đó Nguyễn Phước Trung Bảo, Trương Châu Hữu Danh giữ vai trò quản trị viên, Nguyễn Thanh Nhã, Đoàn Kiên Giang và Lê Thế Thắng giữ vai trò biên tập viên.
Tháng 3/2020, Danh đến gặp một số người dân ở ấp Thới Thuận B, thị trấn Thới Lai (thành phố Cần Thơ) bị ảnh hưởng bởi Dự án Khu đô thị mới Thới Lai do Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng CADIF làm chủ đầu tư. Tại đây, Danh xưng là nhà báo đến thu thập thông tin viết bài để bảo vệ quyền lợi của người dân. Lợi dụng thời điểm một số người dân đang bức xúc do bị ảnh hưởng bởi dự án, Danh đã viết 32 bài và thực hiện 29 video clip đăng công khai trên trang Facebook “Trương Châu Hữu Danh” và Fanpage “Trương Châu Hữu Danh”.
Theo kết luận giám định của cơ quan chức năng thành phố Cần Thơ, các bài viết và clip do Danh thực hiện có tư tưởng phản động, đi sâu khai thác những thông tin có nội dung không phù hợp với lợi ích đất nước, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân. Tổng cộng có 47 bài viết được đăng trên trang Fanpage “Báo Sạch” của nhóm “Làm Báo Sạch”, trong đó Nguyễn Phước Trung Bảo viết, đăng 17 bài; Trương Châu Hữu Danh viết, đăng 7 bài; Nguyễn Thanh Nhã viết, đăng 5 bài; Đoàn Kiên Giang viết, đăng 14 bài; Lê Thế Thắng viết, đăng 1 bài.
Sau khi Danh bị bắt vào cuối năm 2020, Bảo, Giang, Nhã và Thắng đều rời khỏi nhóm. Thắng đã xóa Fanpage “Báo Sạch”, kênh YouTube “BS Channel” và tự thoát khỏi nhóm “Làm Báo Sạch”.
Theo cơ quan tố tụng, trong quá trình thống nhất cùng nhau thành lập Fanpage “Báo Sạch” và nhóm “Làm Báo Sạch”, nhóm của Danh đã nhận hợp đồng làm truyền thông quảng cáo cho doanh nghiệp để đăng các bài viết, thu lợi hơn 2,8 tỷ đồng. Số tiền này được chia lợi ích tùy theo công sức từng người đóng góp, Danh hưởng lợi 300 triệu đồng, Bảo - 410 triệu đồng, Giang - 250 triệu đồng, Nhã - 245 triệu đồng và Thắng - 260 triệu đồng. Riêng bị can Bảo còn giữ riêng 500 triệu đồng có được từ hợp đồng làm truyền thông cho một doanh nghiệp nhưng chưa chia cho các thành viên trong nhóm.
Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thới Lai cáo buộc các bị can đã lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để viết, đăng bài, video clip, sử dụng thông tin chưa được kiểm chứng, không đúng sự thật, tiêu cực, một chiều để đăng tải, phát tán công khai lên mạng xã hội Facebook, kênh YouTube; hướng dư luận theo ý thức chủ quan, làm cho người đọc hiểu nhầm, hiểu sai sự thật, tạo điều kiện cho các phần tử lợi dụng tham gia bình luận tiêu cực, kích động, lôi kéo một bộ phận nhân dân có nhận thức lệch lạc tham gia chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Việc làm của các bị can làm ảnh hưởng đến vai trò quản lý đất nước, quản lý nhà nước tại các địa phương, gây hoang mang, nghi ngờ, làm mất ổn định về lòng tin trong nhân dân đối với Nhà nước, chính quyền các cấp trong việc quản lý các mặt đời sống xã hội. Hành vi mà các bị can thực hiện đã trực tiếp xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, gây ảnh hưởng đến vai trò quản lý đất nước, quản lý nhà nước tại các địa phương, gây hoang mang, nghi ngờ, làm mất ổn định về lòng tin trong nhân dân.
Thông tấn xã Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến phiên tòa.