Bào chữa cho bị cáo Trần Lục Lang (nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV), Luật sư Trần Minh Hải cho rằng, việc thẩm định các điều kiện tín dụng và đề xuất cấp tín dụng đối với khoản vay của Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà) thuộc về vai trò nhiệm vụ của Tổ thẩm định chung. Bị cáo Trần Lục Lang không nằm trong danh sách Tổ thẩm định chung, không có bất kỳ nhiệm vụ, quyền hạn hay vai trò nào trong Tổ thẩm định chung, không có trách nhiệm về việc thẩm định, đề xuất cấp tín dụng. Vì vậy, cần loại trừ cho bị cáo Lang các trách nhiệm liên quan gắn với khâu thẩm định cấp tín dụng, đề xuất cho vay đối với khoản vay của Công ty Bình Hà.
Theo Luật sư Trần Minh Hải, bị cáo Trần Lục Lang không phải là người quyết định cho vay đối với khoản vay của Công ty Bình Hà. Việc quyết định cho vay là do ông Trần Bắc Hà thực hiện. Bị cáo Lang không phải là thành viên Hội đồng quản trị BIDV nên bị cáo không có quyền và không tham gia vào việc biểu quyết thông qua quyết định cho vay đối với Công ty Bình Hà.
Theo cáo trạng, bị cáo Trần Lục Lang là Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rủi ro tín dụng, thành viên Phân ban Quản lý rủi ro tín dụng, đầu tư - Bộ phận tham mưu, giúp việc cho Hội đồng quản trị về việc đánh giá rủi ro, tín dụng, mặc dù đã thống nhất với 8 rủi ro mà Tổ thẩm định chung đưa ra, đồng thời đã nêu thêm 4 khó khăn trong quá trình triển khai dự án, nhưng bị cáo Lang vẫn đề xuất Hội đồng quản trị quyết định cho vay. Quá trình giải ngân vốn vay, bị cáo Lang đã 8 lần đề xuất Hội đồng quản trị sửa đổi điều kiện cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà, nới lỏng chính sách ưu đãi ban đầu. Khi Công ty Bình Hà làm ăn thua lỗ, có đề xuất của BIDV - Chi nhánh Hà Tĩnh nhưng bị cáo không có văn bản tham mưu cho Hội đồng quản trị dừng giải ngân, mà vẫn tiếp tục đề xuất gia hạn thời hạn cấp tín dụng và tiếp tục đề nghị cấp hạn mức tín dụng năm 2017.
Trình bày phần bào chữa cho bị cáo Đoàn Ánh Sáng (nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV), Luật sư Hoàng Văn Dũng cho rằng, bị cáo Đoàn Ánh Sáng ký quyết định thành lập Tổ thẩm định chung; ký phê duyệt trên báo cáo của Tổ thẩm định chung đề xuất cấp tín dụng và một số văn bản khác trong bối cảnh bị ông Trần Bắc Hà thúc ép, chỉ đạo ráo riết, khiến bị cáo Sáng không dám làm trái với chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà.
Luật sư Dũng cũng cho rằng, trong một số hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp và dự án, bị cáo Đoàn Ánh Sáng đã có sự cảnh báo những khiếm khuyết, những hạn chế, thể hiện sự thận trọng cần thiết. Bị cáo Đoàn Ánh Sáng cũng có những nỗ lực nhằm ngăn chặn thiệt hại và khắc phục hậu quả trước khi vụ án bị khởi tố. Từ những luận cứ trên, Luật sư Hoàng Văn Dũng cho rằng, bị cáo Đoàn Ánh Sáng chỉ làm theo chức trách, nhiệm vụ được phân công mà không có động cơ nào khác.
Về điểm này, cáo trạng của Viện Kiểm sát đánh giá, bị cáo Đoàn Ánh Sáng đã có hành vi ký quyết định thành lập Tổ thẩm định chung. Đánh giá của Tổ thẩm định chung về doanh nghiệp, về năng lực kinh doanh của chủ đầu tư, về khả năng góp vốn của các cổ đông, về phương án kinh doanh, phương án trả nợ đều không khả thi. Đặc biệt, mặc dù Tổ thẩm định chung đã đưa và phân tích 8 yếu tố rủi ro của dự án, nhưng bị cáo Sáng vẫn ký đồng ý đề xuất, ký phê duyệt trên các phiếu lấy ý kiến của Phân ban quản lý rủi ro tín dụng, đầu tư để đề xuất cho vay và thay đổi điều kiện cấp tín dụng lần thứ nhất cho Công ty Bình Hà, dẫn đến việc mất vốn của BIDV.