Xét xử vụ án tại SAGRI: Nội dung bào chữa của các bị cáo có nhiều điểm mâu thuẫn

Tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI), ngày 15/12, đại diện Viện Kiểm sát đã có phần đối đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư và các bị cáo.

Trong đó, đáng chú ý là phần đối đáp về quan điểm bào chữa các bị cáo trong nhóm tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Chú thích ảnh
Các bị cáo nghe Viện Kiểm sát luận tội, ngày 13/12/2021. Ảnh: Thành Chung/TTXVN

Đại diện Viện Kiểm sát đánh giá, các bài bào chữa của bị cáo có nhiều phần mâu thuẫn với nhau. Cụ thể, nhóm các bị cáo là cán bộ của SAGRI nêu rõ đề nghị chuyển nhượng dự án Khu phố 4, phường Phước Long B, còn việc được chuyển hay không do sở, ngành và cấp trên quyết định. Ngược lại bị cáo Trần Vĩnh Tuyến và Trần Trọng Tuấn lại cho rằng lỗi này của SAGRI khi chuyển nhượng dự án có sai phạm, trở thành hai nhóm bị cáo đổ lỗi cho nhau hay nói theo ngôn ngữ pháp lý là buộc tội lẫn nhau.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, trong vụ án này, Cơ quan điều tra đã thận trọng trưng cầu giám định các Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, các kết quả này chỉ được sử dụng khi nó phù hợp với các quy định pháp luật khác. Viện Kiểm sát xác định, bị cáo Tuấn với vai trò Giám đốc Sở, Chủ tịch Hội đồng thẩm định của thành phố về chuyển nhượng dự án và bị cáo Phan Trường Sơn, Trưởng phòng, thành viên hội đồng đã tham gia vào quá trình xử lý đề xuất. Hồ sơ xin chuyển nhượng này không quá 50 trang A4, bao gồm các tài liệu, cả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng quá trình giải quyết có ba điểm sai chính.

Đại diện Viện Kiểm sát phân tích, điều kiện chuyển nhượng dự án phải hoàn thành thực hiện nghĩa vụ tài chính. Nhưng bị cáo Tuấn ký biên bản đề xuất bất chấp việc Chi cục Tài chính doanh nghiệp có cho chuyển nhượng hay không và hướng dẫn thế nào. Trong khi đó, hồ sơ bao gồm chuyển nhượng vốn nhà nước ra ngoài đầu tư, quyền sử dụng đất và giá trị toàn bộ dự án. Cái sai của bị cáo Tuấn thể hiện ở chỗ phải biết mục nguồn vốn, tiến trình và phải đấu giá dự án. Bị cáo không thể đổ trách nhiệm cho cấp dưới và doanh nghiệp SAGRI.

Viện Kiểm sát nhấn mạnh rằng, các luật sư và bị cáo khi bào chữa chỉ dẫn Luật Kinh doanh bất động sản là không đúng, không đầy đủ. Bởi quy định chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần có quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai phải định giá chuyển nhượng vốn kèm theo và phải đấu giá. Từ đó, Viện Kiểm sát khẳng định bị cáo cố ý và biết sai vẫn làm.

Đại diện Viện Kiểm sát đánh giá, hai bị cáo Tuyến và Tuấn chưa dũng cảm thừa nhận sai phạm so với cấp dưới, thể hiện thái độ chối bỏ trách nhiệm. Việc các bị cáo nói Quyết định 6077 về việc chấp nhận cho chuyển nhượng là không sai, sau đó lại đề nghị hủy Quyết định này là mâu thuẫn.

Theo cáo trạng, sau khi việc chuyển nhượng dự án trái pháp luật bị phát hiện, các bị cáo trong vụ án và một số cơ quan, đơn vị có liên quan của UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện một số thủ tục thu hồi, hủy bỏ Quyết định 6077/QĐ-UBND, hủy bỏ hợp đồng và các thủ tục có liên quan như nêu trên.

Tuy nhiên, việc thu hồi, hủy bỏ các văn bản, thủ tục nêu trên chỉ nhằm khắc phục hậu quả, không có hiệu lực thu hồi lại được dự án đã chuyển nhượng bằng Hợp đồng có công chứng xác nhận. Đồng thời, hiện trạng dự án là Tổng Công ty Phong Phú đã hợp tác với các bên thứ ba bằng 79 hợp đồng, thu tổng trị giá hơn 115 tỷ đồng. Do đó, hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền đặc biệt lớn là hơn 672 tỷ đồng, chưa được thu hồi.

Trước đó, tự bào chữa tại tòa, bị cáo Trần Trọng Tuấn cho biết, việc chuyển nhượng dự án bất động sản và việc chuyển nhượng toàn bộ số vốn (bao gồm giá trị quyền sử dụng đất) đã đầu tư vào dự án bất động sản do doanh nghiệp nhà nước làm chủ đầu tư là các thủ tục pháp lý, điều kiện pháp lý khác nhau. Hội đồng thẩm định không có nhiệm vụ thẩm định, tham mưu về giá chuyển nhượng dự án và giá trị vốn doanh nghiệp đã đầu tư (bao gồm giá trị quyền sử dụng đất của dự án được phép chuyển nhượng) trong dự án bất động sản. Đồng thời, việc chuyển nhượng vốn đã đầu tư trong dự án bất động sản này không phải thực hiện theo phương thức đấu giá công khai. Vì vậy, việc bị cáo ký tờ trình là thực hiện theo kết luận của Hội đồng thẩm định phù hợp với quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về đất đai và không vi phạm quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Còn các luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Trọng Tuấn cho rằng, kết luận giám định của giám định viên Bộ Xây dựng không phù hợp với quy định của pháp luật. Theo luật sư, Luật Đất đai năm 2013 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 không quy định việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước là điều kiện bắt buộc khi nộp hồ sơ đề nghị chuyển nhượng dự án bất động sản; nghĩa vụ tài chính là điều kiện bắt buộc chủ đầu tư phải hoàn thành trước khi thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn liền với việc chuyển nhượng dự án.

Do đó, nội dung tham mưu trong tờ trình và được ghi rõ tại quyết định về chấp thuận cho chuyển nhượng dự án là phù hợp quy định của pháp luật. Như vậy, Hội đồng thẩm định và cá nhân ông Trần Trọng Tuấn không vi phạm quy định pháp luật về điều kiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước khi thẩm định, ký tờ trình. Do đó, các luật sư đề nghị, Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Tuấn không phạm tội.

Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, đề nghị mức án của Viện Kiểm sát "vượt xa suy nghĩ của bị cáo". Bị cáo cho rằng bản thân không cố ý, lại chủ động khắc phục hành vi này, nên mong Hội đồng xét xử xem xét hành vi của bị cáo đúng pháp luật.

Nhóm các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Xây dựng bị Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt: Trần Vĩnh Tuyến (nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh), Trần Trọng Tuấn (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng) mức án 7 đến 8 năm tù, Lê Văn Thanh (nguyên Phó Chánh văn phòng UBND thành phố) 5 đến 6 năm tù, Phan Trường Sơn (nguyên Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc), Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng phòng Đô thị thuộc Văn phòng UBND thành phố) và Dư Huy Quang (nguyên Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố Hồ Chí Minh) 4 đến 5 năm tù, Trần Quốc Đạt (nguyên Phó Trưởng phòng phát triển nhà và thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng) và Lê Tấn Hòa (nguyên chuyên viên Sở Xây dựng) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Hà Chung (TTXVN)
Xét xử sơ thẩm vụ án tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn
Xét xử sơ thẩm vụ án tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn

Ngày 8/12, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) và các công ty liên quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN