Theo cáo trạng, Viện Kiểm sát truy tố các bị cáo: Trần Vĩnh Tuyến (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh), Trần Trọng Tuấn (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh), Lê Văn Thanh (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố), Phan Trường Sơn (nguyên Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc), Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng Phòng Đô thị thuộc Văn phòng UBND Thành phố), Trần Quốc Đạt (nguyên Phó trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng), Lê Tấn Hòa (nguyên chuyên viên Sở Xây dựng) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Dự án khu nhà ở tại khu đất diện tích hơn 36.000 m2 (Khu phố 4, phường Phước Long B, Quận 9 cũ, TP Hồ Chí Minh) chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng, Tổng Công ty SAGRI chưa có phương án, kế hoạch thoái vốn tại dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng bị cáo Lê Tấn Hùng vẫn chỉ đạo cán bộ cấp dưới hoàn thiện các thủ tục pháp lý để chuyển nhượng dự án.
Bị cáo Trần Trọng Tuấn (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh) và các bị cáo liên quan là cán bộ, lãnh đạo tại Sở Xây dựng và Văn phòng UBND Thành phố là những người có trách nhiệm thẩm định, rà soát tính pháp lý của dự án.
Các bị cáo biết việc Tổng Công ty SAGRI đề nghị chuyển nhượng dự án là trái pháp luật, nhưng vẫn trình bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố ký quyết định chấp thuận cho Tổng Công ty SAGRI được chuyển nhượng dự án cho Tổng Công ty Phong Phú. Sau đó, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến đã đồng ý và ký Quyết định số 6077/QĐ-UBND chấp thuận cho chuyển nhượng dự án.
Trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, khi làm Phó Chủ tịch UBND Thành phố, ông không được phân công phụ trách mảng nông nghiệp, trong đó có Tổng Công ty SAGRI. Từ năm 2008 đã có quá trình hợp tác dự án nhà ở giữa Tổng Công ty Phong Phú và SAGRI, bị cáo không phụ trách dự án này.
Về quyết định đồng ý cho SAGRI chuyển nhượng dự án cho Phong Phú, bị cáo Tuyến thừa nhận mình là người ký. Bị cáo Tuyến khẳng định, trước khi ký quyết định, chỉ biết đến hồ sơ này vào ngày 9/11/2017 khi SAGRI gửi hồ sơ đến UBND TP Hồ Chí Minh để xin phép. Khi nhận được tờ trình về chuyển nhượng này, ông có ký vào văn bản là xem xét kỹ. 5 ngày sau nhận lại được báo cáo dự án có trong danh mục được chuyển nhượng, bị cáo đã ký quyết định mà không báo cáo Thường trực Ủy ban.
Về việc ký quyết định cho chuyển nhượng, bị cáo Tuyến cho rằng, do đã có kiểm tra, lại đúng thẩm quyền nên đã ký. Tuy nhiên, sau khi ký xong, bị cáo không nhận lại được báo cáo về quá trình thực hiện việc chuyển nhượng do không phụ trách mảng nông nghiệp và SAGRI. Việc báo cáo cụ thể tiến độ này do một Phó Chủ tịch khác phụ trách và theo quy định, mảng của Phó Chủ tịch nào phụ trách, Phó Chủ tịch đấy sẽ được báo cáo và theo dõi, ký thay Chủ tịch UBND Thành phố.
Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận mình có chủ quan, không kiểm tra sau này nên để SAGRI thoái vốn không đúng quy định của pháp luật.
Đại diện Viện Kiểm sát xét hỏi: “Khi được Hội đồng thẩm định trình hồ sơ lên bị cáo, cùng với đề xuất của Văn phòng UBND Thành phố, bị cáo có quyền từ chối ký quyết định không?”. Bị cáo Tuyến trình bày thực tế ban đầu đã từ chối ký. 5 ngày sau, bị cáo kiểm tra lại và thấy rằng không có lý do gì để không ký. Bởi, việc chuyển nhượng sẽ theo Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bất động sản, riêng phần vốn không nằm trong chi phối này. Sau khi có Quyết định số 6077/QĐ-UBND, SAGRI mới thực hiện các chủ trương về thoái vốn. "Nếu bị cáo làm hết trách nhiệm, kiểm tra đôn đốc các sở, ngành hướng dẫn SAGRI thoái vốn đúng quy định thì hôm nay đã không đứng đây" - bị cáo Tuyến nói.
Theo bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, thời điểm ký Quyết định số 6077/QĐ-UBND, TP Hồ Chí Minh chỉ có hai Phó Chủ tịch và ông đang phụ trách hai mảng. Bị cáo thấy rằng mình thiếu trách nhiệm.
Trả lời câu hỏi của đại diện Viện Kiểm sát, động cơ bị cáo ký Quyết định số 6077/QĐ-UBND có phải là nể nang, khi bị cáo Lê Tấn Hùng, Tổng Giám đốc SAGRI là em trai nguyên Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải hay không, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến khẳng định hoàn toàn đúng. Bị cáo Tuyến trình bày: “Có sự nể nang. Nhưng đây là vấn đề đạo đức, bởi không ai không nể nang người tiền nhiệm hết. Nhưng không bao giờ có chuyện vì nể nang, biết sai mà vẫn ký. Đó là sự ngu dốt chứ không phải là nể nang. Đối với bất cứ hồ sơ nào của ông Hùng, đều có sự tôn trọng với anh Hai (tức ông Lê Thanh Hải - PV)”.
Bị cáo Trần Trọng Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng thành phố cho rằng, có những chứng cứ pháp lý và căn cứ quy định pháp luật để khẳng định bị cáo không vi phạm. Bị cáo Tuấn trình bày, trước đây, việc triển khai dự án nhà ở tại Khu phố 4, phường Phước Long B phù hợp với chiến lược, chức năng của SAGRI. Tuy nhiên, năm 2013, UBND Thành phố phê duyệt đề án tái cơ cấu SAGRI, theo đó SAGRI chỉ kinh doanh nông nghiệp, không có ngành nghề kinh doanh bất động sản. Vì lẽ đó, SAGRI chuyển nhượng toàn bộ số vốn đã đầu tư dự án bất động sản theo quy định. Bị cáo Tuấn nói đây là cơ sở pháp luật không được nêu trong cáo trạng.
Theo bị cáo Tuấn, Hội đồng thẩm định dự án không có thẩm quyền thẩm định, tham mưu việc chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp. Trong nội dung xin chuyển nhượng bất động sản, không có nội dung chuyển nhượng vốn. Đối với việc chuyển nhượng dự án, phải chuyển nhượng hết những gì đang đầu tư dở dang và chuyển nhượng dự án nhà ở thì phải gắn liền với quyền sử dụng đất.
Bị cáo Trần Trọng Tuấn khẳng định mình đã làm đầy đủ trách nhiệm. Khi kiểm tra lại hồ sơ, bị cáo thấy mình còn thiếu sót trong tờ trình gửi UBND Thành phố ban hành Quyết định chấp thuận cho chuyển nhượng dự án nhưng thiếu sót này không làm thay đổi bản chất hồ sơ chuyển nhượng dự án.