Các luật sư đã đặt nhiều câu hỏi với các bị cáo, làm rõ thêm một số nội dung trong vụ án, làm rõ vai trò, mức độ hành vi của nhóm bị cáo bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong phần thẩm vấn tại phiên tòa sáng nay, luật sư Nguyễn Hồng Bách (bào chữa cho bị cáo Trương Quốc Cường) đã đặt nhiều câu hỏi đối với bị cáo Cường xoay quanh các nội dung thuộc 4 cáo buộc của Viện Kiểm sát đối với bị cáo Cường, gồm: Trách nhiệm của bị cáo Cường trong việc thành lập, quản lý hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định và bộ phận thường trực đăng ký thuốc; trong việc điều hành, giám sát bộ phận thường trực đăng ký thuốc; xét duyệt cấp số đăng ký cho 7 thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada trong khi biên bản thẩm định và hồ sơ không đủ điều kiện cấp; không đình chỉ lưu hành, thu hồi thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả nhãn mác Health 2000 Canada.
Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Trương Quốc Cường trình bày: Quy định về quy trình thẩm định đến xét duyệt hồ sơ đăng ký thuốc được chia làm các giai đoạn gồm tiếp nhận và tổng hợp, thẩm định hồ sơ, xét duyệt hồ sơ trình Bộ trưởng, thực hiện quyết định của lãnh đạo Bộ để ban hành. Bị cáo Cường cho rằng bị cáo không phải là thành viên của Hội đồng thẩm định đăng ký thuốc, không tham gia và cũng không quản lý hoạt động thẩm định đăng ký thuốc. Chủ tịch Hội đồng là người xét duyệt, trách nhiệm quyết định cuối cùng không phải của bị cáo.
Bị cáo Trương Quốc Cường khẳng định, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng là người quyết định cuối cùng. Trong trường hợp Chủ tịch không đồng ý, bị cáo không được phép ban hành các loại thuốc này.
Mặt khác, bị cáo Cường khai, thời điểm xảy ra vụ án, bị cáo là người đứng đầu Cục Quản lý Dược, có nhiều văn bản trình bị cáo ký do các nhóm chuyên gia trực tiếp soạn thảo, do cấp dưới trình lên… khi bị cáo Cường duyệt thì chỉ có danh mục thuốc mà không có hồ sơ cụ thể, cấp dưới không báo cáo chi tiết, các phòng không đề xuất tham mưu… nên bị cáo không phát hiện được.
Tuy nhiên, giống như tại các phiên xét hỏi trước đó, bị cáo Trương Quốc Cường đều khẳng định với vai trò là người đứng đầu Cục Quản lý Dược, bị cáo xin chịu trách nhiệm trước các sai phạm xảy ra trong quá trình quản lý hoạt động tại Cục.
Theo cáo trạng, bị cáo Trương Quốc Cường đã thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm được giao, thiếu giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định và bộ phận thường trực đăng ký thuốc, đồng ý xét duyệt cấp số đăng ký thuốc trong khi hồ sơ không đủ điều kiện cấp dẫn đến hậu quả 6/7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam, với trị giá hơn 148 tỷ đồng. Mặc dù nhận được nhiều thông tin về thuốc Health 2000 Canada là không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng bị cáo Trương Quốc Cường không chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy thuốc dẫn đến hậu quả các cơ sở y tế trong nước tiếp tục sử dụng các loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada, không rõ nguồn gốc xuất xứ để điều trị cho người bệnh, tổng trị giá hơn 3,7 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ án này, Viện Kiểm sát cho rằng ông Cao Minh Quang (nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng xét duyệt thuốc) đã có một số sai phạm. Cụ thể, ông Cao Minh Quang là người quyết định cuối cùng việc cấp số đăng ký đối với 7 thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada; Ký ban hành Công văn 2970 có nội dung trái quy định của pháp luật về hợp pháp hóa lãnh sự.
Ông Cao Minh Quang thừa nhận có trách nhiệm là người đứng đầu, chịu trách nhiệm cao nhất trong việc cấp số đăng ký thuốc nhưng để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực mình quản lý. Ông Quang cũng thừa nhận việc ký ban hành Công văn 2970 có nội dung: Các giấy tờ pháp lý (FSC, GMP, CPP) trong hồ sơ thuốc không bắt buộc phải hợp pháp hóa lãnh sự là trái quy định của pháp luật.
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định hành vi của ông Cao Minh Quang có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, do thời hạn điều tra đã hết nên trách nhiệm của ông Cao Minh Quang cần tiếp tục làm rõ để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.