Ngày 30/6, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại TP Hồ Chí Minh bắt đầu xét xử phúc thẩm "đại án" tham nhũng xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II (gọi tắt là Công ty ALCII) thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Sau phiên tòa sơ thẩm, 11/11 bị cáo trong vụ án đã có đơn kháng cáo kêu oan hoặc xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên tòa phúc thẩm, hầu hết các bị cáo đều có mặt tại tòa, ngoại trừ bị cáo Phạm Minh Tuấn, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Xuân Việt (án tù 6 năm) có đơn xin xét xử vắng mặt. Đáng lưu ý, bị cáo Vũ Quốc Hảo (nguyên Tổng giám đốc Công ty ALCII, án tử hình) kháng cáo kêu oan về tội “Tham ô tài sản”, xin giảm nhẹ hình phạt ở các tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” và yêu cầu xác định lại tài sản thiệt hại.
Bị cáo Phạm Văn Hai (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quang Vinh, án tử hình) kháng cáo xin tha tội chết đồng thời kêu oan. Trong vụ án này, nguyên đơn dân sự là Công ty ALCII cũng như một số cá nhân, đơn vị có quyền và nghĩa vụ liên quan cũng làm đơn kháng cáo về phần dân sự.
Bị cáo Vũ Quốc Hảo (bên trái) và bị cáo Đặng Văn Hai. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN |
Ngoài kháng cáo của các bị cáo, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng có kháng nghị đề nghị Tòa phúc thẩm xử theo hướng tăng hình phạt đối với 3 bị cáo nguyên cán bộ Công ty ALCII gồm: Tôn Quang Việt (nguyên Phó trưởng phòng cho thuê, án sơ thẩm 5 năm), Nguyễn Văn Tài (nguyên Phó Tổng giám đốc, án tù 14 năm) và Lê Thị Tám (nguyên Phó phòng kế toán, án tù 5 năm). Theo bản kháng nghị, cấp sơ thẩm tuyên phạt 3 bị cáo nói trên các mức án chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội. Bị cáo Tôn Quang Việt không thừa nhận hành vi phạm tội tại tòa nhưng cấp sơ thẩm lại xử mức thấp nhất của khung liền kề là không có cơ sở, vi phạm Điều 3, Luật Hình sự.
Là Phó tổng giám đốc Công ty ALCII, Nguyễn Văn Tài có vai trò trách nhiệm cao hơn bị cáo Phạm Xuân Nghị (Trưởng phòng cho thuê, án tù 14 năm), số tiền mà Tài gây thiệt hại cho Nhà nước bằng với số tiền mà bị cáo Nghị gây ra nhưng mức án hai bị cáo này lại ngang nhau là chưa hợp lý. Mặt khác, bị cáo Lê Thị Tám đã tham gia ký 2 hợp đồng gây thiệt hại hơn 30 tỷ đồng, tuy nhiên bị cáo chỉ nhận mức án 5 năm tù, thấp hơn án tù 6 năm tù đối với Hoàng Quốc Thịnh trong khi bị cáo Thịnh chỉ ký 1 hợp đồng, gây thiệt hại trên 13 tỷ đồng, là không tương xứng.
Về phần dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị kê biên khu căn hộ Trường An tại khu phố Đông Nhì, phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Hàm Rồng để đảm bảo thi hành án.
Theo nội dung vụ án, Công ty ALCII là doanh nghiệp Nhà nước hoạch toán độc lập, có trụ sở tại quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Từ tháng 4/2008 đến tháng 3/2009, Vũ Quốc Hảo, Nguyễn Văn Tài cùng một số lãnh đạo, phòng nghiệp vụ Công ty ACLII đã ký 10 hợp đồng cho thuê tài chính và hợp đồng mua bán tài sản với một số nhóm công ty, qua đó giải ngân 795,235 tỉ đồng. Các hợp đồng này thực chất là thực hiện nghiệp vụ cho vay, trong khi Công ty ALCII không có chức năng cho vay; bên ký hợp đồng cung ứng tài sản được giải ngân cũng không sử dụng tiền để thực hiện nghĩa vụ theo nội dung hợp đồng đã ký. Tổng giá trị thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra là hơn 531 tỉ đồng, trong đó tham ô tài sản 80 tỉ đồng. Riêng Vũ Quốc Hảo, thông qua các việc ký các hợp đồng, bị cáo đã rút tiền chiếm đoạt để trả nợ cá nhân 75 tỉ đồng.
Dự kiến phiên phúc thẩm diễn ra trong 5-6 ngày.
Trần Xuân Tình