Với mục đích đưa ra những đánh giá tổng thể và toàn diện về các vấn đề liên quan đến chất thải rắn (CTR) ở Việt Nam trong thời gian qua, xu thế phát triển và những thách thức, đề ra những giải pháp giải quyết các vấn đề liên quan đến CTR trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã lựa chọn chủ đề “Chất thải rắn” cho Báo cáo môi trường quốc gia năm 2011.
Báo cáo được Bộ TN&MT công bố vào chiều 7/8, tại Hà Nội với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành, địa phương, các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức chính trị, xã hội và Đại sứ Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam.
Báo cáo được xây dựng định kỳ 5 năm/lần, nhằm mục đích đánh giá nguyên nhân và thực trạng vấn đề môi trường của Việt Nam. Báo cáo 2011 cho biết, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, lượng CTR phát sinh tại các đô thị, khu công nghiệp và cả ở các vùng nông thôn ngày càng gia tăng với thành phần ngày càng phức tạp. Lượng CTR phát sinh tăng trung bình 10%/năm. Theo nguồn gốc phát sinh, khoảng 46% CTR phát sinh từ các đô thị, 17% từ hoạt động sản xuất công nghiệp, CTR ở nông thôn, làng nghề và y tế chiếm phần còn lại. Bộ TN&MT dự báo, đến năm 2015, tỉ trọng CTR phát sinh ở đô thị và trong sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng lên tương ứng với các con số 51% và 22%.
Trong thời gian qua, nhiều cố gắng trong việc quản lý CTR đã được triển khai ở các cấp, ngành cùng với số tiền chi cho việc xử lý CTR từ 1.200 - 1.500 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, tỉ lệ thu gom, xử lý CTR nói chung và chất thải nguy hại (CTNH) này chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỉ lệ thu gom CTR sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất khoảng 80 -82% (khu vực đô thị 83 - 85%; nông thôn 40 - 45%). Phần lớn CTR chưa được phân loại tại nguồn, công tác tái chế, xử lý CTR và CTNH vẫn chưa đáp ứng yêu cầu do hình thức xử lý chủ yếu vẫn là chôn lấp. Do đó, CTR nói chung và CTNH nói riêng là nguồn ô nhiễm tiềm tàng rất đáng lo ngại cho môi trường và sức khỏe của cộng đồng.
Xuân Hương