Thống kê cho thấy, người Việt Nam tiêu thụ 3,4 tỷ lít bia/năm, tương đương chi 3 tỷ USD (xấp xỉ 65.000 tỷ đồng) cho việc uống bia. Theo đó, nước ta trở thành quốc gia tiêu thụ rượu bia cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ ba châu Á, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc.
Con số trên phản ánh thực tế hiện tượng xã hội ngày nay, khi đời sống kinh tế đã khấm khá hơn nên cứ gặp nhau người ta lại mời ly rượu, cốc bia. Ở Hà Nội cũng như ở nhiều nơi, nhiều người không chỉ lạm dụng rượu bia mà còn có tệ ép nhau uống nhiều, uống đến say. Đâu đó vẫn còn tư tưởng phải uống “hết mình” với nhau mới được xem là thật lòng, phải cạn chén mới thể hiện bản lĩnh, phong cách chơi nên uống rượu bia đang tạo thành một thói quen xấu trong thời hiện đại.
Đáng nói hơn, khi uống rượu bia không còn làm chủ được bản thân nhưng nhiều người vẫn muốn "thể hiện bản lĩnh" bằng việc điều khiển phương tiện, gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Có thể nói, rượu bia đã làm thay đổi cả cuộc đời.
Vụ tai nạn giao thông do một giảng viên đại học gây ra vào tối 7/9 tại đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) là một ví dụ. Cụ thể, khi đang di chuyển trên đường theo hướng từ Trần Duy Hưng về Dương Đình Nghệ, đến ngã tư Tú Mỡ - Nguyễn Chánh (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy), anh N.V.P - người điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 30F-811xx không làm chủ được tay lái đã đâm vào xe máy biển kiểm soát 29Y5-182x khiến 2 mẹ con chị Đ (quận Thanh Xuân) bị thương nặng.
Không dừng lại, tài xế xe ô tô đã bỏ chạy, đến đoạn cạnh tòa nhà B6C Nam Trung Yên tiếp tục đâm ngang hông xe ô tô Honda CRV biển kiểm soát 30G-644xx do anh D.D.T (Thanh Trì) điều khiển rồi đâm tiếp xe máy biển kiểm soát 29E2-497xx do anh N.V.D (Đống Đa) điều khiển. Xe ô tô 30F-811xx chỉ dừng lại khi bị gãy trục trước, bánh xe gần như văng khỏi thân xe.
Công an Hà Nội cho biết, kết quả điều tra xác minh cho thấy, thời điểm gây tai nạn, lái xe này có nồng độ cồn là 0,897mg/lít khí thở, gấp 2,24 lần mức kịch khung theo quy định. Lái xe trên cũng thừa nhận, uống rượu từ trưa cùng ngày nên không làm chủ được tốc độ và gây ra vụ tai nạn liên hoàn. Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ việc để xử lý theo quy định.
Trong vụ tai nạn giao thông xảy ra vào tối 12/8, tại số 111 đường Láng, phường Thịnh Quang (quận Đống Đa), ô tô biển kiểm soát 30H-758xx va chạm với nhiều xe máy, làm 8 người bị thương, nhiều xe máy, ô tô hư hỏng, gây đổ trụ bơm xăng, lái xe khai nhận có uống bia, sau đó lái xe về nhà thì gây ra sự việc.
Cơ quan chức năng quận Đống Đa cho hay, nồng độ cồn của lái xe gây tai nạn là 0,9mg/lít khí thở, vượt mức vi phạm tối đa được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ (mức vi phạm bị xử phạt tối đa hiện hành là trên 0,4mg/lít khí thở).
Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đánh giá, tai nạn có chiều hướng gia tăng về số vụ và số người chết trong những ngày lễ, Tết. Nguyên nhân một phần là tâm lý ngày nghỉ, người dân hay sử dụng rượu bia sau đó vẫn tham gia giao thông nên dễ vi phạm Luật Giao thông đường bộ cũng như gây tai nạn.
Để ngăn ngừa tai nạn do rượu bia, từ ngày 20/6 đến ngày 20/8, Công an thành phố Hà Nội đã mở đợt cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn. Kết quả có 3.678 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử phạt.
Theo Thiếu tá Chử Anh Sơn, Đội Cảnh sát giao thông số 4, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố, đợt cao điểm kiểm tra cho thấy, các trường hợp vi phạm nồng độ cồn còn tái diễn nhiều. Có trường hợp khi đề nghị kiểm tra nồng độ cồn đã cố tình không hợp tác, thậm chí còn thóa mạ, thách đố cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ.
"Đối với các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, chúng tôi kiên quyết lập biên bản và tạm giữ phương tiện, tạm giữ Giấy phép lái xe theo quy định của pháp luật", Thiếu tá Chử Anh Sơn chia sẻ.
Vẫn biết rượu bia gây ra những hệ lụy cho sức khỏe, tâm sinh lý, thậm chí đánh đổi cả tính mạng nhưng do thói quen, do "bệnh sỹ" nên nhiều người đã quên đi hậu quả của nó. Mặc dù vẫn là "chuyện biết rồi" nhưng tình trạng uống rượu bia say điều khiển phương tiện vẫn diễn ra không chỉ ở Hà Nội mà khắp các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, gây nhiều vụ tai nạn thương tâm.
Theo bác sỹ Lê Văn Khánh, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Việt Đức, tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn chấn thương sọ não, do sử dụng rượu bia thường để lại hậu quả rất nặng nề cho người bệnh. Có những người vết thương không thể phục hồi là nỗi ám ảnh, gánh nặng không chỉ của riêng gia đình bệnh nhân mà còn của toàn xã hội.
Để ngăn chặn tai nạn giao thông có nguyên nhân bắt nguồn từ rượu bia, trước đó, các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng Cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều cảnh báo, thậm chí xử lý rất nặng trường hợp tham gia giao thông sau khi uống rượu bia. Quyết liệt hơn, lực lượng Cảnh sát giao thông còn lập chốt kiểm tra trước cửa một số quán bia, quán ăn để kiểm tra nồng độ cồn của tài xế nhưng xem ra nhiều người "điếc không sợ súng", cứ vắng bóng lực lượng kiểm tra là uống đến "nhòe". Vì vậy, tai nạn giao thông do rượu bia vẫn không có dấu hiệu suy giảm và đang gây áp lực rất lớn cho các bệnh viện.
Vẫn theo bác sỹ Lê Văn Khánh, xét ở góc độ thực tế đời sống, chỉ nên nếu uống rượu bia chừng mực để bảo vệ sức khỏe, nếu lạm dụng rượu bia, bị "ma men" sai khiến, có thể gây ra những vụ việc trái với lẽ đời, thậm chí đánh đổi cả tính mạng. Do vậy, trên hết hãy là người uống rượu bia có văn hóa, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.
Để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tham gia giao thông sau khi uống rượu bia, mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 3024/UBND-ĐT, yêu cầu các cấp, ngành phổ biến Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Công điện số 488/CĐ-TTg ngày 3/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp hành các quy định về phòng, chống tác hại của rượu bia. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu bia không điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội còn chỉ đạo nghiêm cấm người đứng đầu, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức can thiệp, tác động vào quá trình xử lý hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông của lực lượng chức năng.