Để hiểu rõ hơn về vấn đề này và hướng xử lý đối với các sai phạm, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với bà Vũ Thị Minh Châu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trảng Bom.
Xin bà cho biết một số thông tin chính về dự án khu dân cư Tân Thịnh do Công ty cổ phần Đầu tư LDG làm chủ đầu tư?
Năm 2016, tỉnh Đồng Nai có quyết định chấp thuận địa điểm thực hiện dự án khu dân cư Tân Thịnh tại xã Đồi 61. Năm 2018, tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư dự án. Sau đó, các đơn vị liên quan đã cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế phòng cháy, chữa cháy, đánh giá tác động môi trường, thẩm định thiết kế hồ sơ dự án, đấu nối điện, nước đối với dự án khu dân cư Tân Thịnh. Tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có văn bản về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án.
Đến tháng 10/2020, dự án khu dân cư Tân Thịnh còn một phần đất cao su chưa thực hiện bồi thường, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, Công ty cổ phần Đầu tư LDG đã triển khai san nền, xây dựng hoàn hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đạt khoảng 60% và xây dựng hoàn thiện phần thô 488 căn nhà (gần 200 căn biệt thự, 290 căn liền kề) theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được duyệt. Ngoài ra, có hơn 190 căn liên kề còn lại đã hoàn thiện thi công phần móng.
Đây là dự án nằm trong quy hoạch và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cái sai của chủ đầu tư là xây dựng nhà, biệt thự khi còn thiếu một số thủ tục pháp lý. Đơn cử như sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật, xây dựng trái phép công trình.
Tháng 9 vừa qua, Ủy bản Nhân dân huyện Trảng Bom phối hợp cùng Sở Xây dựng Đồng Nai kiểm tra, xử phạt hành chính 75 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Đầu tư LDG về việc xây dựng công trình khi chưa đủ điều kiện khởi công; đồng thời báo cáo sự việc lên cấp trên. Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Đầu tư LDG 540 triệu đồng, đồng thời, buộc doanh nghiệp nộp số tiền thu lợi bất hợp pháp hơn 5,7 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan công an cũng đã vào cuộc, thu thập thông tin về dự án.
Thưa bà, quyết định xử phạt hành chính và buộc doanh nghiệp nộp lại tiền thu lợi bất hợp pháp đang được thực hiện như thế nào?
Huyện Trảng Bom đã yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm quyết định xử phạt hành chính của Chủ tịch tỉnh Đồng Nai, nộp phạt số tiền 540 triệu đồng. Đối với số tiền doanh nghiệp thu lợi bất hợp pháp, ngày 28/12, Ủy ban Nhân dân huyện Trảng Bom đã ban hành quyết định thu hồi đất tại dự án khu dân cư Tân Thịnh, tới đây, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục khác, sau đó doanh nghiệp sẽ nộp tiền sử dụng đất, tiến tới hoàn thiện thủ tục pháp lý của dự án.Bà đánh giá như thế nào về trách nhiệm của các ngành chức năng, chính quyền khi để xảy ra những sai phạm tại dự án khu dân cư Tân Thịnh? Hướng xử lý của chính quyền địa phương đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm (nếu có)?
Bà Vũ Thị Minh Châu: Sai phạm về đất đai, xây dựng tại dự án khu dân cư Tân Thịnh là lớn nhất trên địa bàn huyện Trảng Bom từ trước đến nay. Năm 2018, huyện Trảng Bom ban hành Chỉ thị 21 về quản lý đất đai, xây dựng. Chỉ thị này nêu rõ, để xảy ra sai phạm về đất đai, xây dựng là do trách nhiệm của người đứng đầu.
Đối với sai phạm tại khu dân cư Tân Thịnh, trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu cấp xã, lãnh đạo các phòng, ban và người đứng đầu ủy ban huyện. Vừa qua, huyện Trảng Bom đã chỉ đạo rà soát trách nhiệm của xã Đồi 61, các ngành, đặc biệt là quản lý đô thị, tài nguyên – môi trường. Hiện cấp cơ sở đang tiến hành kiểm điểm, sau đó cấp huyện sẽ xem xét, nếu thấy tổ chức, cá nhân vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì huyện sẽ thành lập hội đồng kỷ luật. Quan điểm của huyện là kiên quyết xử lý cán bộ làm sai, không làm qua loa, bao che.
Xin bà cho biết về thực trạng các dự án khu dân cư đang triển khai trên địa bàn huyện Trảng Bom, tới đây, chính quyền sẽ có những giải pháp gì để ngăn chặn những vụ việc tương tự như ở dự án khu dân cư Tân Thịnh?
Trên địa bàn huyện Trảng Bom hiện có 16 dự án khu dân cư với diện tích gần 150 ha đang triển khai. Trong 2 tuần qua, Ủy ban Nhân dân huyện Trảng Bom đã yêu cầu các ngành rà soát, thống kê cụ thể từng dự án; mời chủ đầu tư các dự án trực tiếp lên làm việc. Quá trình làm việc chúng tôi sẽ yêu cầu chủ đầu tư cung cấp toàn bộ thông tin về dự án, kiểm tra các thủ tục pháp lý và thực tiễn, hiện trạng. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, chính quyền cũng đồng hành, hoàn thiện các thủ tục trong thẩm quyền, tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư dự án.
Tới đây, đối với vấn đề xử lý vi phạm đất đai, xây dựng, huyện Trảng Bom sẽ sẽ cương quyết hơn, xử lý sai phạm ngay từ đầu, không để tình trạng chủ đầu tư xây dựng trái phép rồi chính quyền mới giải quyết. Đồng thời tăng cường trách nhiệm và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ. Tôi kỳ vọng rằng, sai phạm tại khu dân cư Tân Thịnh sẽ là bài học đắt giá cho cán bộ các địa phương, ban, ngành trong công tác quản lý đất đai, xây dựng.
Bà đánh giá như thế nào về nhu cầu nhà ở, tình trạng phân lô, xây dựng trái phép trên địa bàn huyện Trảng Bom?
Trảng Bom có tốc độ tăng dân số rất nhanh, năm 2010 có 150.000 dân, đến nay tăng lên 350.000 người, trong đó có khoảng 130.000 công nhân. Nhu cầu nhà ở trên địa bàn huyện rất lớn, tuy nhiên việc quy hoạch còn bất cập, chưa sát thực tế. Với vấn đề đất ở, tới đây huyện sẽ quy hoạch lại.
Tình trạng phân lô, xây dựng trái phép ở Trảng Bom diễn ra rất phức tạp, huyện đã tiến hành nhiều đợt thanh kiểm tra, xử lý tập thể, cá nhân liên quan. Vừa qua, huyện đã thi hành kỷ luật (cao nhất là cảnh cáo) lãnh đạo 3 xã là Bắc Sơn, An Viễn và Sông Trầu vì những sai phạm trong đất đai, xây dựng. Thời gian tới, Trảng Bom sẽ thực hiện nghiêm hơn nữa Chỉ thị 21, kiên quyết kỷ luật cán bộ cố tình làm sai, để xảy ra phân lô, xây dựng trái phép.
Xin cảm ơn bà!