Đây là vụ án được dư luận quan tâm, với nhiều phiên tòa xét xử.
Năm 2016, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Phạm Sỹ Hoài Như về tội “Cố ý gây thương tích”. Sau đó, Phạm Sỹ Hoài Như kháng cáo kêu oan; đại diện gia đình bị hại cũng có đơn kháng cáo toàn bộ bản sơ thẩm. Đến tháng 9/2017, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm và hủy toàn bộ án sơ thẩm, trả hồ sơ yêu cầu điều tra, xét xử lại
Ngày 21/3/2019, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 và tuyên phạt Phạm Sỹ Hoài Như 12 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Các bị cáo Nguyễn Minh Chung (sinh năm 1991, ngụ quận Tân Phú) bị tuyên phạt 12 năm tù, Ngô Thành Vương (sinh năm 1996, ngụ quận Tân Bình) 9 năm tù, Trần Đức Vững (sinh năm 1996, quê Quảng Ngãi) 11 năm tù và Phạm Thanh Kim Hạnh (sinh năm 1997, ngụ tại Đắk Nông) 5 năm tù, cùng về tội danh trên.
Sau bản án sơ thẩm, Phạm Sỹ Hoài Như kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa, bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như không thừa nhận hành vi phạm tội. Mặc dù vậy, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, khi thực hiện nhiệm vụ, nếu có vấn đề gì, bị cáo phải gọi và báo cáo chỉ huy. Thế nhưng, bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như lại gọi người ngoài đến và xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng. Do đó, cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Như là đúng người, đúng tội. Đồng quan điểm, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm cho rằng không có cơ sở giảm án cho bị cáo, tuyên y án sơ thẩm.
Theo nội dung vụ án, tối 25/6/2014, Tổ tuần tra Cảnh sát Giao thông quận Tân Bình do Phạm Sỹ Hoài Như làm Tổ trưởng đứng chốt tại giao lộ Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý (Phường 13, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh). Vào 22 giờ 20 phút cùng ngày, Tổ công tác phát hiện ông Nguyễn Văn Chín (45 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) có biểu hiện sử dụng rượu, bia nên ra hiệu dừng xe để kiểm tra. Sau khi đo nồng độ cồn, Tổ tuần tra lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ phương tiện. Tuy nhiên, ông Chín không đồng ý.
Với tư cách Tổ trưởng, Phạm Sỹ Hoài Như giải thích nhưng người vi phạm vẫn không ngừng cự cãi, la lối.
Khoảng 1 giờ sau, Như điện thoại cho Chung kể lại sự việc, đồng thời Như nhờ Chung đánh và đuổi ông Chín đi khỏi nơi Tổ đang làm việc. Nghe lời, Chung rủ thêm Hạnh, Vững, Vương đánh ông Chín. Ông Chín được người dân phát hiện, đưa đi cấp cứu nhưng sau đó tử vong tại bệnh viện.