Bị cáo Nguyễn Hải Dương tại phiên tòa. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN |
Theo Hội đồng xét xử, các bị cáo đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, Nguyễn Hải Dương là kẻ trực tiếp gây án, bị Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt án tử hình và đã chấp nhận mức án. Tiến là người được Dương rủ tham gia và đã giúp sức tích cực cho Dương thực hiện tội ác. Tại phiên tòa phúc thẩm này, Tiến không có tình tiết giảm nhẹ nào.
Cũng theo Hội đồng xét xử, dù Thoại không trực tiếp tham gia sát hại các nạn nhân, cướp tài sản nhưng đã có hành vi giúp sức cho Dương bằng việc mua dao. Bản án sơ thẩm cho rằng Thoại đồng phạm với tình tiết tăng nặng là chưa thỏa đáng, không cần áp dụng tình tiết này trong bản án. Tuy nhiên, dù không áp dụng tình tiết này thì mức án của Thoại cũng không giảm đi nên Hội đồng xét xử bác kháng cáo giảm nhẹ hình phạt của Thoại.
Hội đồng xét xử cũng tuyên bác kháng cáo xem xét trách nhiệm hình sự đối với bà Trần Thị Trinh (dì của bị cáo Nguyễn Hải Dương) và đề nghị tăng mức án đối với bị cáo Trần Đình Thoại của gia đình bị hại.
Bị cáo Vũ Văn Tiến tại phiên tòa. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN |
Trước đó, ngày 17/12/2015, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước xét xử sơ thẩm vụ án và tuyên phạt: Bị cáo Nguyễn Hải Dương và bị cáo Vũ Văn Tiến lĩnh án tử hình về tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Bị cáo Trần Đình Thoại lĩnh án 16 năm tù giam cũng với các tội danh trên. Ngoài ra, các bị cáo còn phải bồi thường cho gia đình nạn nhân số tiền tổng cộng 480 triệu đồng.
Sau bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước, hai bị cáo Vũ Văn Tiến và Trần Đình Thoại có kháng cáo xin giảm nhẹ mức án. Gia đình bị hại kháng cáo đề nghị Tòa tăng hình phạt với bị cáo Trần Đình Thoại và đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự của bà Trần Thị Trinh (dì của bị cáo Nguyễn Hải Dương) bởi cho rằng bà Trinh có liên quan đến hành vi phạm tội của Dương. Bị cáo Nguyễn Hải Dương chấp nhận hình phạt tử hình nên không kháng cáo, tham dự phiên tòa với vai trò có nghĩa vụ liên quan đến nội dung kháng cáo.