Chỉ cần anh đồng ý, chiếc xe máy cà tàng, trơ khung, cũ kỹ của anh sẽ được đổi ngang để lấy một chiếc xe máy mới tinh, đủ an toàn để vượt chặng đường dài về quê hương. Anh Quang Bình chỉ là một trong số hàng nghìn người dân nhận được sự giúp đỡ khi đi qua địa phận Đà Nẵng những ngày qua.
Sẵng lòng giúp đỡ đồng bào
Anh Nguyễn Quang Bình đã rời quê vào các tỉnh miền Nam sinh sống được 5 năm, làm nghề xây dựng khá vất vả nhưng cũng đủ sống và có một khoản dự trữ nhỏ cho việc cưới vợ. Nhưng dịch COVID-19 đến làm thay đổi tất cả, công việc khó khăn hơn và những gánh lo toan ngày một nhiều lên. Đầu tháng 10/2021, dịch tạm lắng, anh quyết định trở về quê hương. Khi được hỏi có lo lắng khi đi xe cũ như vậy, anh cười gượng “xe đi công trình nên cũ kỹ, chạy được đến đâu thì chạy, nếu hỏng thì tính sau”.
Sáng 8/10, tại điểm dừng chân phía Nam hầm Hải Vân (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng), các tình nguyện viên người Đà Nẵng đã kiểm tra, thay dầu nhớt miễn phí cho xe anh Bình. Các tình nguyện viên bất ngờ vì phát hiện ra xe của anh đã hỏng cả 2 phanh, đèn pha rất yếu và “cái gì cũng kêu, chỉ có cái còi thì không kêu”.
Kiểm tra xe xong, anh Phan Thanh Tin (đại diện Nhóm thiện nguyện Bánh mì 0 đồng Đà Nẵng) trao đổi với anh Bình: chiếc xe máy này không thể chạy trên quãng đường hơn 500 cây số từ Đà Nẵng về tới Thanh Hóa. Nếu anh Bình đồng ý thì chỉ cần chờ vài tiếng, anh Tin sẽ gọi điện báo cho nhà hảo tâm mua tặng cho anh một chiếc xe máy mới, giúp anh về quê an toàn. Sau một lúc sững sờ, anh Bình đã đồng ý trong sự xúc động nghẹn ngào. “Khi đến đây, tôi được ăn cơm, uống nước, đổ xăng, thay dầu miễn phí... Giờ còn được tặng xe máy mới, tôi không nghĩ rằng mình lại nhận được sự hỗ trợ hết mình như vậy từ chính những người vốn không quen biết. Tôi không còn biết nói gì hơn lời cảm ơn từ trong thâm tâm” - Anh Bình tâm sự.
Không chỉ anh Nguyễn Quang Bình, trong cơn mưa tầm tã, hàng trăm người dân hồi hương bằng xe máy khi qua điểm dừng nghỉ hầm Hải Vân đều cảm thấy ấm lòng trước tình cảm của chính quyền, nhân dân thành phố Đà Nẵng. Những chai xăng, áo mưa, khẩu trang được xếp gọn gàng, hộp cơm, chiếc bánh, bát cháo còn ấm nóng..., tất cả đều được chuẩn bị sẵn sàng và phát miễn phí cho người dân.
Dù đã trải qua một đêm không ngủ, anh Phan Thanh Tin vẫn xông xáo hướng dẫn thanh niên tình nguyện sửa xe máy, đổ xăng, thay dầu cho nhân dân. Anh chia sẻ: “Nhóm thiện nguyện Bánh mì 0 đồng Đà Nẵng hỗ trợ tất cả mọi thứ mà nhân dân cần, từ xe cộ đến đồ ăn, nước uống, áo mưa... Chúng tôi liên tục thay phiên nhau làm việc 24/24 giờ, bất kể khi nào có các đoàn đi qua. Thông qua nhóm, đã có nhà hảo tâm hứa tặng 20 chiếc xe máy mới cho những người dân thật sự cần. Nếu thấy xe quá cũ, nát, thiếu an toàn, tôi chụp ảnh và gọi điện báo thì sẽ có người mua xe mang tới tận nơi đổi. Hiện nay, có nhiều nhóm thiện nguyện đang cùng nhau phối hợp với chính quyền thành phố Đà Nẵng hỗ trợ cho nhân dân đi qua địa bàn thành phố. Dịch dã quanh năm đã quá khổ rồi, giúp được gì cho đồng bào thì người Đà Nẵng luôn sẵn sàng...”.
Tại điểm dừng chân hỗ trợ, không khó để nhận ra những gương mặt thiện nguyện thân quen của thành phố Đà Nẵng, đến từ các nhóm: Bếp ăn 0 đồng, nhóm Xe vạn tình, Câu lạc bộ xe bán tải Đà Nẵng, nhóm Hiếu Hạnh Đà Nẵng, nhóm SOS Đà Nẵng... Đây là những người đã liên tục hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn trong những ngày thành phố Đà Nẵng cao điểm phòng, chống dịch 2 năm qua.
Các cơ quan, tổ chức nhà nước tại thành phố Đà Nẵng cùng tích cực hỗ trợ người dân trên đường về quê tránh dịch. Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng đã triển khai chương trình tặng 10.000 lít xăng miễn phí. Sở Y tế thành phố Đà Nẵng thành lập 2 Tổ y tế thường trực tại 2 cửa ngõ ra – vào thành phố và 2 Tổ y tế lưu động luôn sẵn sàng khám chữa bệnh, cấp cứu. Hội Chữ thập đỏ thành phố cũng lập đội chăm sóc sức khỏe, tặng nhu yếu phẩm ngay tại trạm dừng nghỉ phía Nam hầm Hải Vân...
Ngoài ra, còn có rất nhiều tổ chức, đoàn thể liên tục chở đồ ăn, nước uống, hàng hóa thiết yếu, tiền mặt... tới hỗ trợ nhân dân tại các điểm dừng chân. Trong những bộ đồ bảo hộ, khẩu trang nên cả người phát đồ hỗ trợ, người nhận đều không biết mặt nhau, tình cảm chỉ được gửi gắm bằng ánh mắt. Dưới cơn mưa, nơi chân đèo, tiếng loa liên tục phát: “mời bà con ăn cơm, nghỉ ngơi trước đi qua hầm”, “mời bà con sang bên phải để sửa xe, thay dầu miễn phí”, “mời bà con thoải mái, tự nhiên lấy những thứ mình cần”...
Đảm bảo an toàn là trên hết
Hầm Hải Vân chưa từng có tiền lệ cho người điều khiển mô tô, xe máy đi qua vì lý do đảm bảo an toàn và phòng cháy, chữa cháy. Nhưng từ rạng sáng 7/10, hầm đã mở cho hàng chục đoàn xe máy thông qua. Đây là sự hợp tác đáng trân trọng giữa chính quyền thành phố Đà Nẵng với công ty quản lý hầm Hải Vân, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, không để đồng bào đi xe máy vượt đèo trong mưa gió.
Từ đầu tháng 10/2021, khi bắt đầu có các đoàn người từ miền Nam về quê qua thành phố Đà Nẵng, trong các cuộc họp Ban phòng, chống COVID-19 thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh luôn lo lắng về công tác đảm bảo an toàn gồm cả an toàn giao thông cho các đoàn hồi hương, lẫn an toàn cho người Đà Nẵng hoạt động thiện nguyện.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cùng đoàn công tác liên ngành đã kiểm tra thực tế công tác hỗ trợ, tiếp sức, đảm bảo an toàn cho nhân dân tại điểm dừng chân phía Nam hầm Hải Vân. Ông ghi nhận và đánh giá cao công tác phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát Giao thông, các quận huyện, các sở ngành và các nhà hảo tâm, nhóm thiện nguyện trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Hội chữ thập đỏ thành phố làm tốt công tác điều phối các nhóm, hội hoạt động thiện nguyện, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho các cá nhân, tập thể thiện nguyện. Đồng thời, trong điều kiện thời tiết mưa lạnh, cần lưu ý đến việc cung cấp một số suất cháo, súp nóng cho các em nhỏ, người bị kiệt sức.
Theo ông Dương Đình Liễu, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng, những ngày gần đây, số người dân từ các tỉnh, thành phố phía Nam về quê có đi qua địa phận thành phố Đà Nẵng rất lớn. Các lực lượng chức năng tổ chức đón, cung cấp thực phẩm, nước uống, nhiên liệu; dẫn đường, trung chuyển người đi bộ bằng xe ô tô ra Huế nhằm hỗ trợ người dân về quê đảm bảo an toàn giao thông và phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, đã có nhiều nhà hảo tâm trực tiếp hỗ trợ nước uống, thức ăn, xăng, sửa chữa xe máy, giúp đỡ những người khó khăn, đây là công việc có ý nghĩa nhân văn cao cả rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên những việc làm này cũng ẩn chứa nhiều rủi ro về nguy cơ lây nhiễm COVID-19, cần có sự quản lý thống nhất, đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng đã họp bàn với Hội Chữ thập đỏ thành phố, Thành Đoàn và các nhóm, hội thiện nguyện nhằm thống nhất đầu mối do Mặt trận quản lý, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ, hạn chế tiếp xúc gần, đảm bảo an toàn phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh. Trong thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ vật chất, kinh phí để hỗ trợ cho bà con có thêm phần lương thực, nước uống, nhiên liệu, giúp bà con về quê an toàn. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố sẽ cân đối, bổ sung kinh phí để các đơn vị tổ chức thực hiện.
Chính quyền cùng nhân dân thành phố Đà Nẵng đang nỗ lực hết mình để đảm bảo an toàn, mang lại hơi ấm tình người cho những người dân các tỉnh bạn, dẫu chỉ một lần đi ngang thành phố.