Không học qua trường lớp nào, hiện tại anh Thành đang phụ gia đình kinh doanh gạo tại chợ Nguyễn Văn Trỗi (Phường 13, Quận 3).
Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề tranh chỉ, anh Thành cho biết: “Sau khi tìm hiểu trên mạng, thấy phù hợp với tính tỉ mỉ của mình, tôi bắt đầu nghiên cứu và mày mò làm thử. Tính đến nay, tôi cũng đã gắn bó với nghề này được hơn 3 năm”.
Theo anh Thành, những ngày mới bắt đầu anh gặp rất nhiều khó khăn vì không biết sẽ chọn chất liệu như thế nào để tranh đảm bảo được chất lượng của từng sản phẩm làm ra. Từ khâu chọn được đinh, chỉ, gỗ phù hợp thì anh đã tốn không ít thời gian nghiên cứu tranh làm sao phải có sự khác biệt, để lại ấn tượng cho người mua. Sau nhiều lần thử nghiệm thì anh đã chọn được loại đinh, chỉ, gỗ phù hợp với yêu cầu về màu sắc, độ bền của tranh… và chiều sâu.
“Để tạo ra một bức tranh thì phải trải qua các bước như phác hoạ hình, tô màu, tính toán số lượng đinh rồi đến khoảng cách vị trí của từng cây đinh. Trong đó, công đoạn khó nhất là tính toán để sắp xếp đinh sao cho hợp lý vì khoảng cách càng nhỏ thì tranh càng đẹp, có những bức tranh cần đến cả ngàn cây đinh”, anh Phan Bá Thành chia sẻ.
Mặc dù khởi đầu gặp nhiều khó khăn nhưng với tính tỉ mỉ cùng đôi bàn tay khéo léo, niềm đam mê mãnh liệt về bộ môn nghệ thuật độc và lạ này, anh đã không ngừng sáng tạo và làm nhiều thể loại tranh khác nhau như tranh hình học, phong cảnh, chân dung, linh vật và đồng hồ. Sản phẩm của anh làm ra được nhiều bạn bè, khách hàng yêu thích. Tính đến thời điểm hiện tại, anh đã có hơn 200 tác phẩm.
Anh cho biết: “Làm tranh từ dây đồng khó hơn bằng chỉ vì dây đồng cứng, khó uốn theo ý mình. Chỉ thì nhiều màu, làm cho tranh đa dạng màu sắc hơn, không chỉ đơn thuần một màu như dây đồng”.
Mỗi bức tranh sau khi hoàn thành chỉ dao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Hầu hết, khách mua tranh chủ yếu làm quà biếu, tặng cho bạn bè, người thân... trong những dịp đặc biệt. “Tôi vừa có đơn đặt hàng từ nước ngoài qua lời giới thiệu từ bạn bè về dòng tranh chỉ này”, anh Thành kể.
Chia sẻ về định hướng tương lai, anh nói: “Sau này kinh tế ổn định, mình sẽ mở một phòng tranh để mọi người đến tham quan, học hỏi. Nếu có thể sẽ mở lớp dạy, rồi phát triển thêm nhiều dòng tranh hơn nữa để đáp ứng nhu cầu thị trường”.