Những ngày này, người dân vùng Tây Nam bộ lại hăm hở chuẩn bị ngư cụ để khai thác nguồn lợi từ mùa nước nổi, như: cá linh, tôm càng xanh, cua, ốc, lươn, chạch, bông điên điển...
Năm nay, lũ về sớm bất ngờ đã khiến một số diện tích lúa hè thu của người dân bị thiệt hại nặng. Tuy nhiên, lũ về cũng mang không ít lợi ích cho người dân các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, Long An. Hẹ nước, cá linh, bông điên điển, bông súng… là những sản vật thiên nhiên ban tặng cho người dân trong mùa nước nổi.
Người dân vùng Đồng Tháp Mười thu hoạch hẹ mùa nước nổi. Ảnh: Thanh Bình/TTXVN |
Dù lũ về chưa cao nhưng hàng ngàn người dân vùng Đồng Tháp Mười (Long An) đã nô nức thu hoạch sản vật để tăng thu nhập. Về xã Thủy Tây (huyện Tân Thạnh) hay xã Tân Lập (huyện Mộc Hóa) dễ dàng nhìn thấy trên những cánh đồng ngập nước, hàng trăm người dân đang nô nức đi nhổ cây hẹ nước.
Đây là một loài rau đặc sản chỉ có trong mùa nước nổi ở vùng đất phèn Đồng Tháp Mười. Nếu như trước đây, hẹ nước chỉ là loài rau hoang dại mọc tự nhiên trong mùa lũ, thì nay, nhiều người đã tận dụng con nước về để khoanh ruộng “nuôi” hẹ nước. Người ít ruộng đất thì đi nhổ hẹ thuê để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Anh Võ Thành Phương (xã Tân Lập, Mộc Hóa) cho biết, mùa nước nổi, người dân vùng này không nhổ hẹ cũng trồng sen hoặc đánh bắt cá, thu nhập kiếm được khá nên ai cũng vui mừng.
Trong xã, nhiều người đi nhổ hẹ nước từ sáng đến chiều cũng được khoảng 50 - 70 kg. Với giá bán tại ruộng dao động từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, hẹ nước giúp chủ ruộng có nguồn thu khoảng 20 - 30 triệu đồng/ha mỗi mùa và hàng chục nhân công làm thuê có thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng mỗi ngày.
Đi dọc bờ đê ở các xã vùng thấp như Vĩnh Đại, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Lợi… của huyện Tân Hưng sẽ bắt gặp cảnh đánh bắt cá tôm. Trên những con kênh, cánh đồng mênh mông nước, cảnh người dân thu hoạch thủy sản mùa lũ khá sôi nổi; người giăng lưới, thả câu, người kéo lưới đặt dớm.
Các loại thủy sản đa dạng, phong phú nhưng nhiều nhất vẫn là cá linh - loài cá đặc trưng chỉ có trong mùa lũ mà vị ngon của nó đã in đậm vào lòng biết bao thực khách.
Ngụp lặn trong dòng suốt từ khoảng 5 giờ sáng đến trưa, lạnh lẽo, vất vả là vậy nhưng những người làm nghề đánh bắt cá linh trong nước mùa lũ luôn vui vẻ, lạc quan. Họ luôn mong có một mùa lũ đẹp, bởi lũ về càng cao, cá tôm càng nhiều, thu nhập càng tăng.
Vừa kéo lên một mẻ lưới đầy cá linh, anh Dương Văn Hậu (xã Vĩnh Đại, Tân Hưng) cho bày tỏ, nhiều người dân ở đây cứ đến mùa nước nổi là chuẩn bị dụng cụ đánh bắt cá.
Muỗi buổi sáng như vậy, kéo 5-6 mẻ lưới và thu về hơn 100 kg cá, chủ yếu là cá linh và cá chốt. Dù lượng cá thu được ít hơn mọi năm, nhưng thu nhập từ việc kéo cá cũng giúp anh kiếm được khoảng 400.000 - 500.000 đồng mỗi ngày.
Cũng là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, những năm trước, lũ thấp nên khung cảnh mùa nước nổi ở An Giang trở nên đìu hiu. Năm nay, lũ về sớm và nước lớn nên người dân các xã tuyến biên giới Phú Hội, Phú Hữu, Khánh Bình, Nhơn Hội, Vĩnh Hội Đông… của huyện đầu nguồn An Phú (tỉnh An Giang) phấn khởi, tất bật chuẩn bị câu, lưới chờ đánh bắt sản vật.
Ông Nguyễn Văn Tuân ở xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú chèo ghe kiểm tra các dớn cá vui vẻ khoe, từ hôm có lũ, ông đã đặt 20 cái dớn trên cánh đồng rộng 4 ha của mình để bắt cá, tôm.
Giờ đây, mỗi ngày thu hoạch lai rai cũng được vài chục kg cá đồng, đem bán cho thương lái cũng kiếm được 300.000 - 400.000 đồng/ngày. “Năm nào lũ lớn là cá nhiều, năm 2014 lũ nhỏ vào đồng nhưng tôi vẫn thu được hàng chục triệu đồng từ đánh bắt cá đồng”, ông Tuân cho biết.
Không đặt dớn như ông Tuân, bà Nguyễn Thị Thủy ở ấp Phú Hiệp, xã Phú Hữu, huyện An Phú kiếm thêm thu nhập trong mùa nước nổi bằng cách hái bông điên điển. Năm này lũ tràn đồng sớm, bông điên điển nở nhiều lại được giá nên người dân rất phấn khởi.
Bà Thủy cho biết, cây điên điển mọc dọc theo các con kênh, bờ sông, hễ nước ngập gốc là trổ hoa. Giá bông điên điển ở thời điểm hiện tại là 12.000 đồng/kg, mỗi ngày hái được từ 5 - 7 kg cũng giúp bà kiếm được khoảng 100.000 đồng, phụ thêm lo cho 3 đứa con đang đi học.
Theo ông Huỳnh Công Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, mùa lũ năm nay lớn hơn mọi năm, lũ về giúp người dân có thêm thu nhập, nhất là trong lúc nông nhàn nhờ đánh bắt cá, tôm và các đặc sản khác, đồng thời lại giúp vệ sinh đồng ruộng, lấy phù sa. Tuy nhiên, cũng theo ông Phương, dù lũ về sớm và có cao hơn các năm trước nhưng xem ra thì năm nay cá ít hơn, nên cuộc sống của nông dân trông vào con nước có phần chật vật hơn.
Xuôi theo Kênh Vĩnh Tế về cánh đồng thuộc xã Vĩnh Tế (thành phố Châu Đốc), Nhơn Hưng, An Nông (huyện Tinh Biên) là nơi đón con nước đầu tiên của thượng nguồn sông Mê Kông đổ về, cả một vùng bạt ngàn màu nước bạc; người dân hối hả quăng lưới, thả câu, đặt dớn, lú… để thu nguồn lợi thủy sản thiên nhiên ban tặng.
Mùa nước nổi về, chợ cá Tha La và Cây Mít, thuộc xã Nhơn Hưng, huyện Tinh Biên (tỉnh An Giang) lại xuất hiện giữa bốn bề mênh mông nước. Năm nay, nước về sớm, nguồn cá đồng dồi dào, cảnh mua bán càng tấp nập, rôm rả…
Theo những bậc cao niên tại đây, chợ cá này được hình thành từ xa xưa, chủ yếu mua bán, trao đổi các mặt hàng đặc sản “rặt đồng” của mùa nước nổi, như: cá linh, cua đồng, rắn bông súng, cá sặc, cá rô… Chợ hoạt động nhộp nhịp từ khoảng 3 giờ sáng cho đến 6 giờ thì tan.
Những chiếc ghe lớn của thương lái được neo đậu cặp bờ kênh Tha La chờ xuồng, vỏ lãi chở cá, cua đến cân bán. Mới đầu mùa, lượng cá chưa nhiều, chủ yếu là cá linh. Giá cá linh hiện tại được thương lái thu mua với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg, sau đó được trở bán lại ở các chợ đầu mối Long Xuyên, Cần Thơ…
Thu mua bông sung đồng tại vùng đầu nguồn xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, An Giang. Ảnh: Công Mạo/TTXVN |
Đang cân bán 30 kg cá rô phi, lóc đồng, rô đồng… cho bạn hàng được hơn 400.000 đồng, ông Nguyễn Văn No ở xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên chia sẻ, năm nay nước lũ tràn đồng sớm và lớn nên cá sinh sôi khá nhiều, dân câu lưới có thêm thu nhập. Khoảng 12 giờ hàng đêm là ngư dân đi kéo cá, tới 3 giờ sáng hôm sau cuốn lưới chở cá ra chợ Tha La hoặc có hôm qua chợ Cây Mít bán.
Lũ về cá nhiều nên mỗi đêm ông thả lưới dính vài chục kg cá các loại, nhiều nhất vẫn là cá rô phi. Ông bán với giá 10.000 đồng/kg cá rô phi, 25.000 đồng/kg cá rô đồng non, còn cá lóc đồng tùy theo con lớn hay nhỏ giá 50.000 - 80.000 đồng/kg. Lũ về, tôm cá cũng nhiều hơn, giúp những người dân nghèo như ông có thêm khoản thu đáng kể để trang trải cuộc sống.
Không chỉ ngư dân khai thác nguồn lợi thủy sản khấn khởi mà làng lưới Thơm Rơm của quận Thốt Nốt hay làng lọp tép Thới Long, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ cũng tất bật và sôi động hẳn lên. Nhiều cơ sở sản xuất lưới, lú mua bán tấp nập; có những cơ sở mỗi ngày bán hơn 200 tay lưới các loại.
Theo ông Nguyễn Văn Ly, chủ cơ sở sản xuất lưới, lú ở Thơm Rơm, mùa nước nổi về cũng là lúc cơ sở của gia đình ông và các hộ dân làng lưới Thơm Rơm chạy hết công suất, nhiều khi không đủ để giao cho khách hàng. Từ đầu mùa lũ đến nay, lượng khách hàng của ông Ly đã tăng hơn khoảng 30% so với mọi năm do dân làm nghề đánh bắt thủy sản mùa lũ muốn tranh thủ khai thác càng sớm càng tốt. Theo ông Ly, mặc dù lượng khách tìm mua ngư lưới cụ tăng cao nhưng giá cả các mặt hàng vẫn ổn định, không tăng.
Lũ về cũng là lúc công việc của các ngư dân trở lên tấp nập hơn, ai cũng cấp tập sử dụng các ngư cụ để đánh bắt nguồn lợi thủy sản từ mùa nước nổi mà lâu rồi mới trở lại. Thế mới biết, lũ về đã tạo ra biết bao nhiêu công ăn việc làm cho người dân, nhiều gia đình khá giả cũng nhờ có lũ.