Hàng năm, cứ độ tháng 10, khi nước lũ tràn về, người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long lại tất bật với cuộc sống mưu sinh mùa nước nổi. Những sản vật trong mùa nước nổi đã giúp hàng ngàn hộ dân nơi đây có cuộc sống khấm khá hơn. Bắt cá mùa nước nổi (Phụng Hiệp, Hậu Giang) . Ảnh: Duy Khương – TTXVN
|
Giờ đây, người dân đồng bằng sông Cửu Long nói chung, ở Hậu Giang nói riêng không chỉ quen với việc "sống chung" với lũ, mà mùa lũ còn là mùa họ “hái” ra tiền. Trước đây, người dân chỉ biết tận thu sản vật mùa nước nổi, nay họ đã biết cách sản xuất, canh tác đón lũ. Người dân biết tận dụng kênh rạch, ao hồ, đồng ruộng trồng rau, nuôi cá trong mùa nước nổi. Điều khác biệt ở đây là, ngày thường bà con chỉ trồng rau màu trong vườn tạp trên cạn, nuôi cá trong ao thì mùa nước nổi, cách sản xuất, canh tác của bà con lại khác hẳn. Anh Nguyễn Văn Hải, xã Vị Thắng (Vị Thủy, Hậu Giang) chia sẻ: Việc trồng rau trên kênh đón lũ được gia đình anh thực hiện trong nhiều năm qua. Cứ mỗi mùa nước lũ, trong vòng 2-3 tháng gia đình anh thu nhập được vài triệu đồng- đây là số tiền lớn đối với người dân nghèo nông thôn.
Ưu điểm của mô hình trong rau trên kênh rạch là rất dễ chăm sóc, không tốn phân bón, ít sâu bệnh mà bán được giá cao. Người tiêu dùng cũng rất thích sử dụng các loại rau này, bởi đây là loại rau sạch, ngon, thơm. Cùng với trồng rau, ở Hậu Giang, mô hình nuôi cá trong vèo lưới( màn lưới), cá lồng trên sông cũng phát triển nhanh trong những năm gần đây. Những hộ nghèo ít vốn thường chọn mô hình trồng rau, những hộ kinh tế khá hơn chọn nuôi cá trên sông, trên đồng.
Anh Lê Văn Giỏi ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy cho biết: Nhiều năm qua, cứ đến mùa nước nổi, anh lại thả nuôi 2 vèo lưới cá lóc trên kênh với 4.000 con cá giống. Sau 3 tháng nuôi, trừ các khoản chi phí, anh thu lãi trên dưới 4 triệu đồng. Theo anh Giỏi, nuôi cá mùa nước nổi giảm được chi phí khoảng 30% so với ngày thường. Bởi mùa nước nổi có nhiều phù sa, rong tảo, thức ăn, cá nuôi rất mau lớn, ít bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp. Những hộ trồng rau, nuôi cá trên kênh, rạch chủ động cây, con giống để gieo cấy hoặc thả nuôi đón lũ trước khoảng 1 tháng. Do đó, khi mùa lũ về là họ có sản phẩm để bán.
Hoa súng mùa nước nổi. Ảnh: Duy Khương – TTXVN
|
Mùa nước nổi cũng là lúc kênh rạch được phủ màu xanh rau màu trù phú, được người dân tận dụng để nuôi cá trong vèo lưới đạt giá trị kinh tế cao. Nhiều loại rau rất quen thuộc, cho năng suất cao được người dân trồng nhiều trong mùa nước nổi như: rau ngổ, rau nhút, bông súng, cù nèo, rau muống. Các loại cá được nuôi nhiều trong mùa này là cá lóc, thát lát, cá trê.
Cùng với tăng gia sản xuất, mùa nước nổi còn mang lại nhiều sản vật phong phú cho người dân vùng này. Mỗi khi vào vụ, người dân Hậu Giang trang bị các dụng cụ đánh bắt cá như giăng lưới, đặt lú, đẩy côn…Anh Lê Văn Hòa, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ cho biết, trong mùa lũ trung bình mỗi ngày anh kiếm được hơn 100.000 đồng từ đánh bắt cá. Đây là công việc dễ kiếm tiền nhất trong mùa lũ. Những người đi bắt ốc, bắt chuột, hái bông điên điển, các loại rau đồng trong mùa này cũng có vài chục ngàn đồng mỗi ngày.
Dù chưa có số liệu chính xác, nhưng diện tích mặt nước được người dân tận dụng nuôi cá, trồng rau trong mùa nước nổi ở Hậu Giang ước tính lên đến hàng chục ngàn m2. Theo đánh giá của ngành chức năng, lợi ích kinh tế mang lại từ mùa nước nổi không nhỏ. Tuy nhiên, lâu nay việc sản xuất, đánh bắt cá của người dân mang tính tự phát là chính, nên chưa khai thác hết tiềm năng thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này.
Để giúp nông dân "sống chung" với lũ, làm giàu từ lũ, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết: Về lâu dài tỉnh nên có quy hoạch ổn định, lựa chọn cây, con sản xuất phù hợp. Trước mắt, các địa phương cần hướng dẫn để người dân sản xuất nhưng phải đảm bảo việc lưu thông trên kênh rạch, tránh tình trạng lấn chiếm kênh rạch cản trở phương tiện thủy qua lại, làm thay đổi dòng chảy gây sạt lở.
Huỳnh Sử