Trong khi đó, theo ghi nhận tại nhiều cơ sở bệnh viện trong tỉnh Bình Dương, nhiều khu khám chữa bệnh đã xuống cấp và đang quá tải bệnh nhân.
Chưa thể vận hành khoa sản 300 giường vì vướng điện, nước…
Công trình dự án Bệnh viện chuyên khoa phụ sản nằm trong khuôn viên Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương có vốn đầu tư hơn 400 tỉ đồng với quy mô 300 giường, được Ban quản lý dự án tỉnh làm chủ đầu tư xây dựng rồi chuyển giao. Đến nay, dự án đã hoàn thiện nhiều hạng mục lắp đặt trang thiết bị và hai bên tiến hành bàn giao từ năm 2019 để Bệnh viện đa khoa Bình Dương quản lý, đưa vào hoạt động. Nhưng đến nay, Bệnh viện đa khoa tỉnh chưa thể tiếp nhận công trình do khâu lắp đặt các thiết bị và còn vướng về thiết kế hệ thống điện, nước.
Theo giải thích của Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Cao Thị Bích Thuận, tháng 10/2019, Ban quản lý dự án tỉnh có văn bản bàn giao công trình Khu bệnh viện chuyên khoa phụ sản 300 giường sau khi xây dựng hoàn thành, tuy nhiên việc bàn giao chưa thực hiện xong do chưa lắp đặt đầy đủ trang thiết bị. Theo đó, hai bên thống nhất chưa bàn giao công trình này và Bệnh viện chỉ nhận chìa khóa công trình từ Ban quản lý dự án tỉnh để quản lý cho đến nay.
Trong thời gian quản lý công trình, Bệnh viện phát hiện có những hạng mục xây dựng không đảm bảo, không phù hợp cho sử dụng đặc thù trong tương lai nếu nghiệm thu. Cụ thể, trong quá trình tiến hành bàn giao đợt 1 và khi lắp đặt một số thiết bị không thể sử dụng do vướng thiết kế xây dựng không có hệ thống điện, nước. Tháng 7 năm 2020, Ban quản lý dự án tỉnh đã trao đổi với Bệnh viện, thống nhất lập thêm dự toán về các hạng mục không đảm bảo để có hướng xử lý. Do vậy, Khu bệnh viện chuyên khoa phụ sản 300 giường được xây mới chưa thể đưa vào sử dụng cho đến nay.
Hơn 500 tỷ xây Bệnh viện lao và tâm thần rồi “bỏ hoang”
Cũng trong tình cảnh tương tự, 2 công trình khác là Bệnh viện chuyên khoa tâm thần và Bệnh viện lao Bình Dương được xây dựng tại phường Phú Chánh, thị xã Tân Uyên cũng đang bỏ hoang, để cỏ mọc um tùm, trâu bò vào trú ngụ, gặm cỏ.
Hai công trình trên có vốn đầu tư giai đoạn 1 là hơn 500 tỷ đồng, được xây dựng trên khuôn viên đất rộng 8ha nhưng đến nay chưa được đưa vào phục vụ khám chữa bệnh, gây lãng phí trầm trọng.
Cụ thể, hai dự án trên được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt từ tháng 5/2013 và kế hoạch thực hiện xây dựng hoàn thành từ năm 2018. Bệnh viện chuyên khoa tâm thần có quy mô 300 giường, chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 là 150 giường bệnh với tổng mức đầu tư gần 250 tỉ đồng. Bệnh viện chuyên khoa lao cũng xây dựng giai đoạn 1 quy mô 150 giường, tổng mức đầu tư gần 280 tỉ đồng. Từ năm 2018, nhiều khối nhà được hoàn thiện, lắp đặt điện chiếu sáng, trang bị bàn ghế và lắp ráp máy lạnh, giường bệnh... Tuy nhiên, đến nay, cả hai khu bệnh viện đều “bỏ bê” không một bóng người.
Ông Nguyễn Văn Như, ở khu phố Phú Thọ, phường Phú Chánh, thị xã Tân Uyên bức xúc: Để xây hai bệnh viện này, Nhà nước đã giải tỏa của gia đình tôi hơn 5.000 m2 đất. Tuy nhiên, đã qua 6-7 năm nay, sau khi xây dựng hoàn thành, họ không đưa hai bệnh viện vào sử dụng mà bỏ không như vậy. Bệnh viện sau khi xây xong đến nay nhiều khu đã xuống cấp, rong rêu bám. Cỏ mọc tràn trong sân, ai thấy cũng ngán, rồi trâu bò vào trong khuôn viên bệnh viện trú ngụ gặm cỏ, phóng uế... Theo ông Như, bà con ở đây rất bức xúc do bị giải tỏa nhường đất xây hai bệnh viện nhưng đến nay, những khu đất tái định cư chưa được cấp sổ đỏ và hai bệnh viện đã hoàn thành mà không đưa vào khám chữa bệnh cho dân.
Trao đổi với các cơ quan báo chí về hai bệnh viện đang bị “bỏ hoang”, đại diện Sở Y tế Bình Dương giải thích, do trong quá trình bàn giao, công trình chưa được làm nhà vệ sinh, một số chỗ bị thấm dột, nền bong tróc, một số cửa đi không đóng mở được nên đến nay, Bệnh viện đa khoa Bình Dương vẫn chưa tiếp nhận bàn giao. Tạm thời, Bệnh viện bố trí một tổ bảo vệ để bảo vệ công trình.
Mặt khác, trong quá trình xây dựng giai đoạn 1, tại khu bệnh viện chưa thi công các công trình phụ như: nhà giữ xe, nhà ăn, căng tin. Để sử dụng thì phải xây dựng, trang bị và cải tạo thêm một số hạng mục trên cho phù hợp với đặc thù.
Hiện Sở Y tế Bình Dương đã trình UBND tỉnh xin chủ trương đầu tư thêm một số hạng mục như: cải tạo khu cấp cứu, nhà để xe cho cán bộ, nhân viên, người bệnh và thân nhân người bệnh; nhà để xe cứu thương… Trong quá trình xin chủ trương để xây dựng và cải tạo thêm, đến tháng 2/2020, do tình hình phát sinh dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương đã lấy các cơ sở bệnh viện chuyên khoa này để lập “bệnh viện dã chiến” cho đến nay.