Trước thực trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đã tồn tại nhiều năm nay, phần lớn các chuyên gia đều nhận định, mấu chốt của việc giải bài toán này là phải quy hoạch xây dựng thành công không gian giao thông tĩnh, nhất là đối với các quận trung tâm.
Quy hoạch đồng bộ
Việc lấn chiếm vỉa hè làm chỗ để xe bắt nguồn từ những bất cập từ khâu quy hoạch. Nhiều tuyến phố khi xây dựng không tính đến chỗ để xe cho các cửa hàng kinh doanh. Nhiều tuyến đường trong khu phố cổ, vỉa hè rộng chưa đến 1m nên thiếu chỗ để xe cho ngay cả chính người dân. Đơn cử như tuyến đường Hàng Ngang - Hàng Đào, khách đến mua hàng phải để ở bãi xe quy định rồi vào mua hàng, khá bất tiện. Thậm chí khách đối phó bằng cách dừng lại sát vỉa hè, một người trông xe còn một người vào mua hàng.
Các ngành chức năng trong phố cổ thường xuyên nhắc nhở vi phạm lấn chiếm vỉa hè. |
Theo kiến trúc sư (KTS) Phùng Anh Tiến, nguyên Trưởng khoa Quản lý đô thị, trường Đại học kiến trúc Hà Nội, quy hoạch vỉa hè ngày xưa là dành cho người đi bộ, nên những tiêu chí để phục vụ cho chức năng chính này là hệ thống cây xanh 2 bên đường. Từ thời Pháp thiết kế, vỉa hè trung bình rộng từ 3 - 4 m. Có những tuyến phố vỉa hè rộng 6 m do đặc thù cây trồng trên vỉa hè. Càng về những năm sau này, số lượng phương tiện đi lại càng tăng, mà phổ biến là xe máy. Kiến trúc nhà ở của phố phường hiện đại là nhà hình ống với chức năng vừa ở vừa kinh doanh thương mại, nên nhu cầu để xe tăng cao. Từ đó, chức năng của vỉa hè bị thay đổi, trở thành nơi để xe là chủ yếu. Mâu thuẫn trong công tác quản lý nằm ở chỗ trong khi chức năng cũ không cải tạo được, còn chức năng phát sinh lại cấm.
Theo KTS Phùng Anh Tiến, bất kỳ giải pháp nào cũng có 2 mặt. Muốn quy hoạch phố cổ trở thành tuyến phố đi bộ buộc phải di dời những hộ kinh doanh mưu sinh để phát triển các hoạt động kinh doanh mang tính chất trưng bày, kết hợp các yếu tố văn hóa giới thiệu cho khách du lịch. Tuy nhiên, phương án này được đánh giá là khá tốn kém và chưa chắc đã nhận được sự đồng tình của người dân.
Trong khi đó, để khắc phục hiện tượng tái lấn chiếm vỉa hè, theo ông Bùi Ngọc Tân, Trưởng phòng Tham mưu Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trước tiên là vấn đề quy hoạch hạ tầng đô thị, quy hoạch các khu trung tâm thương mại, siêu thị để người dân tiến tới mua bán tại các điểm trên, dần hạn chế mua bán trên vỉa hè. Với các điểm buôn bán trên phố cổ, áp lực dân số khiến nhiều cửa hàng “còn phải chia năm xẻ bảy” diện tích cha ông để lại và tận dụng tối đa vỉa hè.
Do đó, chính quyền địa phương có phương án bố trí sắp xếp gọn lại để dành lối cho người đi bộ. Còn nếu xử kiên quyết “chặn hết đường sống người dân” sẽ dẫn đến bức xúc dân sinh và tiêu cực. Bên cạnh đó là sự vào cuộc của chính quyền cơ sở. Trên thực tế, với các phường, lãnh đạo sâu sát, huy động đoàn thể, quần chúng cùng vào cuộc trong việc tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh để xe đúng nơi quy định, xếp gọn cửa hàng thì nơi đó tình hình cải thiện đáng kể. Ngoài ra còn có các biện pháp khác như các mô hình tự quản trên tuyến phố Hàng Buồm (Hoàn Kiếm), Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy)…
Giao trách nhiệm cụ thể
Theo ông Trần Xuân Hà, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: “Để chống lấn chiếm vỉa hè, thì vai trò địa phương phải vào cuộc kiên quyết. Việc tuyên truyền và xử phạt phải song hành. Vừa nâng cao nhận thức, vừa có chế tài xử phạt vi phạm một cách nghiêm minh, công bằng. Bên cạnh đó, các ngành chức năng phải nghiên cứu quy hoạch lại các điểm đỗ xe hợp lý...”. “Với lý do là lực lượng mỏng thì việc tự nâng cao ý thức chấp hành quy định là việc làm cần thiết. Do đó cần quy định trách nhiệm cụ thể của lãnh đạo cấp chính quyền cơ sở, coi đó là một trong những nội dung thi đua. Có như vậy mới huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, chính trị địa phương trong tuyên truyền vận động, xây dựng mô hình tự quản”, ông Trần Xuân Hà cho biết.
Với thực tế diễn ra trong việc tái lấn chiếm vỉa hè hiện nay, qua khảo sát của phóng viên đều nhận được câu trả lời là có sự “bảo kê” để lờ đi cho sự sai phạm. Khoản phí “đi đêm” này không ai nói cụ thể là bao nhiêu do còn phải tiếp tục kinh doanh. Trong khi đó, đem câu hỏi này tới các cơ quan chức năng thì đều phủ nhận không có sự bảo kê và đang tiến hành xử lý kiên quyết. |
Về phía chính quyền cơ sở, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch quận Hoàn Kiếm cũng cho biết: Giải pháp vĩ mô mà quận đang triển khai là di dân phố cổ kết hợp thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở. Còn việc ra quân xử lý vi phạm để người dân chấp hành để xe và kinh doanh đúng nơi quy định chỉ là giải pháp tình thế. Với những điểm thường xuyên tái phạm, quận giao trực tiếp cho lãnh đạo phường và công an phường chịu trách nhiệm, qua đó tình hình được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, việc chống tái lấn chiếm vỉa hè cần phải làm thường xuyên.
UBND quận Cầu Giấy cũng giao việc sắp xếp tổ chức giao thông trên vỉa hè cho các phường. Qua rà soát từng địa bàn, các phường triển khai kẻ vạch sơn, sắp xếp xe đạp xe máy trên vỉa hè tất cả các tuyến đường, phố.
“Đối với vỉa hè, quận mới xử lý triệt để mái hiên, mái vẩy, biển quảng cáo. Còn một số tuyến phố vẫn lấn chiếm như Tô Hiệu, Phan Văn Trường... các lực lượng chức năng cũng đã áp dụng nhiều biện pháp xử lý nhưng vẫn còn tái phạm. Trách nhiệm để tình trạng lấn chiếm vỉa hè thuộc về UBND phường và quận yêu cầu xử lý kiên quyết”, đại diện quận Cầu Giấy cho biết.