"Liều thuốc" nào cho tình trạng lấn chiếm vỉa hè - Bài 1

Việc chiếm dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh đã diễn ra tại nhiều tuyến phố Hà Nội trong thời gian dài vừa qua, gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị. Để giải quyết tình trạng này cần có những giải pháp quyết liệt và hiệu quả hơn.

ĐUA NHAU LẤN CHIẾM

Việc lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ xe tại các quận nội thành Hà Nội vẫn diễn ra thường xuyên; tập trung ở các khu vực đông dân cư như khu phố cổ, phố cũ, các khu tập thể, khu tái định cư, trường học... 

Từ tạp hóa đến hàng rong

Việc lấn chiếm vỉa hè diễn ra với nhiều hình thức tại Hà Nội. Nhiều hộ kinh doanh bày cả sạp hàng, bàn ăn ra vỉa hè; trong khi đó những người khác chỉ cần một cái mẹt, tủ kính, một chiếc xe đạp đi thong dong là đã trở thành một quầy hàng.

Việc lấn chiếm vỉa hè trên phố Phan Văn Trường (Cầu Giấy).

Loại hình lấn chiếm nhiều nhất là các cửa hàng ăn uống, bởi chủ cửa hàng luôn tính toán đến chỗ để xe, khả năng kê thêm bàn ghế. Tại phố Đội Cấn, quận Ba Đình cứ đến buổi tối là vỉa hè lại trở thành nơi bày biện bàn ghế chờ khách diễn ra nhộn nhịp. “Nếu kê thêm bàn ghế càng nhiều thì đồng nghĩa với việc tăng doanh thu”, chị Bích Phương, một chủ quán ăn cho biết. Còn tuyến phố Đội Cấn - Giang Văn Minh khoảng 2 năm trở lại đây luôn tấp nập về đêm với hàng chục quán nem lụi nằm dọc vỉa hè, lấn chiếm hết lối đi của du khách. “Các quán vỉa hè chỉ mở về tối. Các hộ kinh doanh đây đều nộp phí cho phường để tồn tại”, một chủ cửa hàng ăn giải thích. 

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè thậm chí còn gay gắt hơn ở khu vực phố cổ Hà Nội. “Dân phố cổ chủ yếu là dịch vụ, du lịch nên bám vào vỉa hè để sống, chỉ cần khoanh vỉa hè bày bán uống nước, trông giữ xe đạp là nuôi được cả nhà. Vỉa hè là miếng cơm manh áo của chúng tôi”, chị Phương Dung, ở phố Cầu Gỗ (Hoàn Kiếm) cho biết.

Ngay trên tuyến phố Hàng Đào - Đồng Xuân, Mã Mây - Hàng Bạc; tuyến phố trọng điểm về du lịch, hầu hết diện tích vỉa hè đã biến thành nơi bày bán đủ loại hàng hóa như: Giày dép, quần áo, mỹ phẩm... Quanh khu vực chợ Đồng Xuân và tuyến phố ngã tư Tạ Hiện, vỉa hè bị lấn chiếm bày la liệt bàn ghế “xí chỗ” ngay cả khi chưa có khách, khiến nhiều người chỉ còn cách đi xuống lòng đường.

Cùng với việc các cửa hàng lấn chiếm vỉa hè, những người bán hàng rong cũng tận dụng mọi chỗ trống và đi dạo trên các tuyến đường có nhiều người để bán hàng. Người vi phạm thường trang bị những công cụ mưu sinh tối giản nhất để có thể di chuyển bất cứ lúc nào. Hình ảnh “đuổi và chạy” trên những tuyến phố này đã khá quen thuộc với người dân sống quanh những tuyến phố cổ, phố cũ nhiều khi trông rất phản cảm. Chị Bùi Thị Loan, một người bán hàng rong phố cổ cho biết: “Để buôn bán hoa quả, chúng tôi luôn phải di chuyển, người bán trong phố cũng xua đuổi, rồi đến lực lượng chức năng cũng đuổi, nên luôn phải nhìn trước ngó sau. Tôi biết việc buôn bán trên vỉa hè là sai, nhưng vì không đủ tiền thuê mặt bằng, nên đành “chiếm” góc vỉa hè buôn bán”.

Từ ven đô đến trung tâm

Tuyến đường mới mở Võ Chí Công dẫn lên cầu Nhật Tân, dù vỉa hè rộng hơn 3 m nhưng đã bị nhiều cửa hàng lấn chiếm. “Choán” nhiều nhất là những cửa hàng sửa chữa, rửa ô tô, xe máy với các loại bạt, mái hiên di động... choán 1/3 vỉa hè. Cũng không kém cạnh là các quán ăn, quán bia. “Nhiều quán bia tranh thủ kê ghế chiếm hết cả hè đường, xe máy thì dựng xuống lòng đường. Tuyến đường này mới thông xe, nên các lực lượng chức năng vẫn chưa xử lý”, anh Nguyễn Đức Tiến, nhà ở Khu tập thể Bộ Giáo dục (phường Xuân La, Tây Hồ) cho biết. Tại các tuyến đường quanh khu Đại học Quốc gia Hà Nội, các hàng quán đua nhau chòi ra. Trên đường Phan Văn Trường, lối dẫn vào chợ nhà Xanh, nhiều người buôn bán còn “vô tư” bày hàng luôn ra cả lòng đường. 

Trong khi đó, các quận trung tâm nội đô, các chủ cửa hàng tận dụng tối đa diện tích vỉa hè để tăng doanh thu, nhất là quán ẩm thực. Một số chủ cửa hàng kinh doanh ẩm thực trên tuyến phố cổ như Lý Thường Kiệt, Đinh Liệt cho biết, thuê một gian hàng 20m2 lên tới 15 - 20 triệu/tháng. Chi phí cao khiến chủ cửa hàng tìm mọi cách tăng diện tích từ lấn chiếm vỉa hè để bày hàng hóa hoặc kê thêm bàn ghế. “Đương nhiên lấn chiếm vỉa hè là sai với quy định, nhưng không làm thế thì không tăng thu nhập”, chủ một quán cafe trên phố Đinh Liệt cho biết.

Bài 2: Lúng túng trong xử lý
Bài và ảnh: XC
Lấn chiếm vỉa hè Hà Nội – căn bệnh nan y
Lấn chiếm vỉa hè Hà Nội – căn bệnh nan y

Mặc dù là năm thứ 3 Hà Nội triển khai “Năm trật tự văn minh đô thị” nhưng thực tế tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn tái diễn ở nhiều nơi, nhất là những con phố tập trung kinh doanh buôn bán như phố cổ, phố cũ; hoặc những nơi gần trường học, khu chung cư, tập thể.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN