Trường Sa cũng là minh chứng cho sức mạnh của dân tộc Việt Nam dũng cảm, kiên cường không lùi bước trước phong ba, bão tố. Trường Sa cũng là nơi thể hiện bản chất anh hùng cách mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam và phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, dù hoàn cảnh nào cũng kiên cường bám biển giữ vững chủ quyền đất nước.
"Tre già, măng mọc"
Khi chuyến tàu 571 của Vùng 4 Quân chủng Hải quân chầm chậm cập đảo Đá Đông A - hòn đảo nổi vào gần trưa, dù ra tới sát mép tàu, bà Nguyễn Thị Bích Hương vẫn lùi lại phía sau nhường lối cho thân nhân khác nhanh chân bước lên đảo được sớm hơn. Với bà Hương, đây là lần đầu tiên ra thăm hai người thân là chồng và con trai đều đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa.
Theo tiêu chuẩn lần này, bà Hương được thăm chồng là Thiếu tá Đỗ Văn Minh, bộ đội thông tin đang công tác tại Đảo Đá Đông A. Hết thời gian thăm chồng, đúng dịp tàu của Đoàn công tác qua đảo Phan Vinh A, bà Hương đã đề xuất với Trưởng đoàn công tác số 15 - Đại tá Nguyễn Văn Thắng và được đồng ý cho lên thăm con trai lớn đang là chiến sỹ nghĩa vụ trên đảo.
Sau khi ôm người cậu con trai cứng cáp rồi chụp bức ảnh lưu niệm tại cột mốc chủ quyền, bà Nguyễn Thị Bích Hương chia sẻ: Chiến sỹ Đỗ Đức Toàn, con trai bà đã công tác tại đảo Phan Vinh A được gần 1 năm sau khi rời ghế nhà trường. Với việc chồng đang công tác tại biển đảo, đủ điều kiện xin phép cho con thực hiện nghĩa vụ quân sự ở đất liền nhưng gia đình muốn con rèn luyện ở môi trường khó khăn gian khổ để trưởng thành hơn.
Trước câu hỏi tại sao lại muốn đưa con đến nơi đầu sóng ngọn gió, bà Hương mượn ca từ "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai" để trả lời. Sau thời gian rèn luyện, con trai bà đã trưởng thành rõ rệt. Toàn đã biết dành dụm tiền phụ cấp để gửi về cho em trai đang học đại học, biết lo lắng và suy nghĩ cho người khác.
Đứng trước cầu cảng đảo Trường Sa lớn, bà Bùi Thị Ngần phải một lúc mới nhận ra con mình trong hàng quân chào đón đoàn thân nhân là chiến sỹ Nguyễn Ngọc Nam, quê Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Nam đã thi đỗ Đại học Hàng hải (Hải Phòng) nhưng không theo học và làm đơn xin gia nhập quân ngũ. Sau đó, Nam được điều động vào Phân đội pháo 82, bảo vệ đảo Trường Sa lớn.
Từ một chàng trai quen được mẹ nhắc nhở, kèm cặp trong sinh hoạt hàng ngày, sau gần 1 năm rèn luyện trong Quân đội, Nam đã trở thành một pháo thủ cứng cáp với màu da rám nắng. Ghì chặt con vào lòng, bà Ngần nghẹn ngào, xúc động và thương cậu con trai nhiều hơn vì thiệt thòi hơn các bạn trang lứa khi mới 2 tháng tuổi đã mồ côi cha. Giọng nói còn xúc động nhưng mắt ánh lên niềm vui bà Ngần cho biết, trong thời gian lưu trú trên đảo, hai mẹ con đã tâm sự nhiều điều. Nam hứa với mẹ sẽ phấn đấu thi đỗ Học viện Hải quân để phục vụ lâu dài trong Quân đội.
Tổ quốc là trên hết
Theo lãnh đạo Vùng 4 Hải quân, quần đảo Trường Sa là lá chắn, điểm tiền tiêu quan trọng để bảo vệ sườn phía Đông của Tổ quốc. Những thế hệ người lính hôm nay luôn xác định Tổ quốc là trên hết. Nhiều cán bộ, chiến sỹ đang công tác trên đảo được tin bố, mẹ, anh, chị em ruột mất nhưng không thể rời vị trí chiến đấu để về đất liền chịu tang. Họ nén đau thương để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bởi với họ người lính Trường Sa không đơn thuần là hoàn thành nhiệm vụ được giao mà còn là mệnh lệnh từ trái tim.
Lãnh đạo Vùng 4 Hải quân nhấn mạnh, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ và nhân dân quần đảo Trường Sa luôn xác định, vững vàng bám biển, bám đảo, chung tay xây dựng vùng biển, vùng trời đất nước ngày càng mạnh về phòng thủ, không để Tổ quốc phải bất ngờ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết tình quân dân gắn bó trong mọi tình huống. Các thành viên Đoàn công tác trên tàu 571 bày tỏ sự tin yêu, khâm phục và tự hào về những người chiến sỹ đang ngày đêm bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc nên dù ở cương vị công tác nào cũng nguyện làm nhiều việc ý nghĩa hơn nữa để hướng về biển đảo quê hương.