Mưu sinh nơi vùng sông nước miền Tây - Bài 2:

Hàng triệu hộ nông dân trồng lúa, nuôi thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn do tình trạng thiếu nước ngọt, thiếu mưa và xâm mặn. Không ít người đã phải rời quê hương, đi tha phương cầu thực.

NGUY CƠ NGHÈO ĐÓI TRÊN VỰA LÚA

Những lão nông chi điền, ba bốn đời làm nông nghiệp đang ngày ngày đối mặt với những khó khăn trong cuộc mưu sinh. Thậm chí là nguy cơ thiếu đói, chẳng đủ gạo ăn ngay trên vựa lúa lớn nhất nước.

Ông Nguyễn Văn Bút, sinh năm 1939, ấp Nam Chánh, huyện Trần Đề, Sóc Trăng là một trong rất nhiều người già ở nhà trông cháu để các con đi nơi khác kiếm sống. Gia đình ông canh tác trên 3 ha lúa. Vụ hè thu vừa qua, năng suất giảm khoảng 20% so với mùa trước, trong khi giá lúa lại giảm từ 5.100 đồng xuống 4.600 đồng/kg. Nhưng dù sao vẫn còn thu lại được vốn, coi như lấy công làm lãi. Vụ đông xuân thiếu mưa, nước sông lại thấp, lúa đang trổ thì cháy khô, mất trắng.

Cả nhà bà Thạch Thị Lai nhặt cua, ốc, cá ở bãi bùn Mỏ Ó.

Theo ông Bút, xu hướng bán ruộng, đi xa kiếm việc làm cũng không phải là hiếm. Có nhiều gia đình bán ruộng vì bệnh tật, hoặc để có tiền đi xuất khẩu lao động. Vì vậy mà giá bán ruộng đất cũng giảm theo. Khoảng năm 2006, giá mỗi hécta ruộng dao động khoảng 170 - 200 triệu đồng. Bây giờ, nhiều người rao bán 100 triệu đồng/ha cũng khó kiếm người mua.

Ông Ali, Trưởng làng Chăm tại xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang, nói dân làng sinh sống tại đây từ 120 năm trước. Hiện làng có khoảng 2.000 người nhưng chủ yếu chỉ là người già, con trẻ cùng một số hộ buôn bán nhỏ lẻ. Còn đa số người lớn, đủ sức lao động thì đi Vĩnh Long kiếm việc làm.

Theo phong tục của người Chăm, cứ đến thứ Sáu người dân làng lại cùng nhau tụ hội cúng thần. Đó là dịp gặp gỡ, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Xưa kia cộng đồng người Chăm sống thật hài hòa với thiên nhiên. Còn bây giờ, thanh niên, người khỏe đi làm ăn xa cả. Không khí cộng đồng có phần trầm lắng hơn.

Thiếu lũ từ thượng nguồn đổ về khiến tình trạng xâm mặn trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Người dân vùng hạ nguồn phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Không chỉ thiếu nước ngọt để trồng cấy, mà đến nước sinh hoạt cũng không có. Ngay giữa miền sông nước, kênh rạch, mà khan hiếm những giọt nước ngọt lành. Có những đoạn sông vốn là nguồn sống, giờ đang dần trở thành nơi phóng uế, cống thải, ô nhiễm nặng nề.

Ở khu Đập đá 4, ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng, Sóc Trăng, người dân phải sống phụ thuộc vào nước mưa và nước ngọt trên sông vì chưa có nước máy. Vốn đã không có một kế sinh nhai bền vững, những hộ dân nơi đây lại phải gom góp những đồng tiền ít ỏi, khó khăn lắm mới kiếm được để mua nước sinh hoạt với giá cao.

Trẻ em ngồi trong chiếc ván đựng cua, ốc, cá.


Bà Nguyễn Thị Nhung, 57 tuổi kể, nước ngọt ở đây rất quý. Những tháng hạn cao điểm hồi đầu năm, xe bồn quân đội chở nước miễn phí tới cho bà con. Mọi người không dám ngủ, chờ tới giờ đi lấy nước. Ngoài ra, người dân cũng phải mua của thương lái chở nước bằng thuyền từ nơi khác đến bán với giá rất cao. Một thùng nước (200 lít) có giá tới 20.000 đồng. Dùng tiết kiệm cũng chỉ được một vài ngày.

Ở vùng biển Mỏ Ó, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, đa số các hộ dân nghèo vẫn hàng ngày kiếm sống trên những bãi sình lầy rộng lớn. Nơi đây, người dân không sống bằng ruộng đồng vì đất nhiễm mặn. Họ chỉ quanh quẩn trên những chiếc ván trượt mông (một loại ván để đi lại trên bãi bùn) kiếm con ốc, con cua sống qua ngày.

Bà Thạch Thị Lai, 63 tuổi, người dân tộc Khmer, sống cùng vợ chồng anh con trai ở Mỏ Ó, Trần Đề, Sóc Trăng. Bà có sáu đứa cháu, lớn nhất 14 tuổi, bé nhất 2 tuổi, tất cả đều không đi học. Cả nhà, từ già đến trẻ, bồng bế nhau ra bãi bùn quanh năm suốt tháng. Ngày nào khá thì được hơn trăm nghìn đồng. Ngày kém thì được vài chục nghìn đồng. May lắm thì đủ mua gạo cho từng ấy miệng ăn.

Trẻ em ở đây, vài ba tuổi, ngồi trong chiếc ván trượt, cùng với số cua cá bắt được. Nắng mưa, bùn đất phủ kín người, mãi rồi cũng quen, chẳng ốm đau gì. Nhưng khi dội rửa sạch bùn đất là lộ ra những khuôn mặt sưng bọng lên như bị muỗi đốt kín.

Cuộc sống của dân nghèo ở vùng hạ nguồn cứ luẩn quẩn trong nút thắt chưa thể tháo gỡ. Người dân bị bệnh tăng lên, có thể vì bùn nhiễm bẩn, gây dị ứng, viêm da. Tình trạng thất học, dân trí thấp khiến người dân thêm nghèo đói.

Bài cuối: Sống chung với thiên nhiên biến đổi

Bài và ảnh: Phương Vũ
Mưu sinh nơi vùng sông nước miền Tây - Bài 1
Mưu sinh nơi vùng sông nước miền Tây - Bài 1

Vài năm gần đây, lũ đổ về đồng bằng sông Cửu Long khá thất thường, cộng thêm mùa khô kéo dài, gây hạn hán và xâm mặn khốc liệt. Hệ quả không chỉ là mối đe dọa về an ninh lương thực quốc gia. Phía sau đó còn là dấu hỏi lớn về giá trị cộng đồng dân cư miền Tây khi kế mưu sinh bao đời không còn bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN