Thực trạng này diễn ra công khai tại Tiểu khu 310 và Tiểu khu 311 nằm gần lòng hồ Thủy điện Sông Hinh thuộc địa bàn xã Sông Hinh, do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Sông Hinh quản lý.
Một vạt rừng phòng hộ sau khi bị đốn hạ.
|
Được người dân chỉ đường, chúng tôi xâm nhập vào hai tiểu khu trên. Tại hiện trường, những người làm thuê sử dụng cưa lốc phát trắng từng vạt rừng tại những địa điểm gần kề nhau. Tiếng cưa lốc liên tục vang dội cả khu rừng. Không chỉ cây nhỏ, kể cả rất nhiều cây lớn có đường kính từ 20 - 50 cm cũng bị đốn hạ không thương tiếc.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Thanh Tâm, người đứng ra nhận khoán chặt hạ cây rừng tại Tiểu khu 310, nói: “Ở đây có 11 máy. Bình quân mỗi máy như thế này, mỗi ngày cũng chặt hạ được gần 1 ha. Tiến độ là đánh nhanh rút gọn, chứ ở gì nhiều trong rừng. Dự kiến sẽ làm trong vòng 4 tháng”.
Khi được hỏi về diện tích đã chặt phá, ông Tâm cho biết thêm, chưa thể đo được diện tích vì còn dính dây leo trong rừng.
Điều khiến người dân bức xúc vì đây là những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn. Dọc bìa rừng, trên các thân cây còn cắm những biển cấm “Rừng phòng hộ, Cấm khai thác gỗ, lâm sản khác...”.
Ông Nguyễn Đình Phú, người dân thôn Lương Phước, xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa, cho biết: “Đây là rừng phòng hộ không thể đánh đổi. Trước nay, rừng này được cắm biển “Rừng phòng hộ”, tại sao nay lại đi phá rừng phòng hộ. Tôi coi ti vi rất nhiều, Thủ tướng yêu cầu phải giữ rừng phòng hộ. Chính tôi cũng là một người đi trồng trong rừng phòng hộ... Nếu làm cái gì đó có lợi cho Nhà nước thì tôi sẵn sàng bỏ. Còn đây là làm cho một công ty mà phá cả cánh rừng thì không chỉ người dân như tôi và cả hàng trăm, hàng nghìn người cũng không đồng ý”.
Không chỉ người dân Phú Yên đau xót khi phải chứng kiến khu rừng đang bị triệt hạ, ngay cả những người được thuê đốn phát rừng cũng phải ngậm ngùi, miễn cưỡng. Vì miếng cơm, manh áo, họ buộc phải nhắm mắt, tự tay mình cắt bỏ đi “lá phổi của chính mình”.
Ông Vi Văn Nội quê ở Lạng Sơn, nay lập nghiệp tại xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa đã hơn 20 năm và là một trong những người được thuê phá rừng cho biết: “Tôi cũng thấy tiếc chứ, nhưng vì nghèo đói quá công ty thuê thì phải làm thôi… Rừng rú bây giờ hết rồi. Người dân muốn một ít đất để sản xuất thì không được nhưng bây giờ thì làm cả mấy chục, mấy trăm héc ta”.
Cây có đường kính lớn trong rừng phòng hộ bị đốn hạ không thương tiếc.
|
Được biết, dự án “Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao” của Công ty cổ phần Chăn nuôi Phú Yên được UBND tỉnh Phú Yên chấp thuận và ra quyết định chủ trương đầu tư vào ngày 4/10/2016.
Để thực hiện dự án, diện tích cần thu hồi là hơn 463 ha tại Tiểu khu 310 và Tiểu khu 311 do Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh quản lý. Trước đó, ngày 15/9/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra Quyết định số 2133/QĐ-BTNMT về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án “Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao”. Theo đó, có nội dung: “Chỉ được triển khai dự án khi có phương án trồng rừng thay thế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Chăn nuôi Phú Yên mới đang thuê đơn vị tư vấn khảo sát thực địa các vùng với diện tích khoảng 500 ha; trong đó, chọn ra 377 ha để lập phương án trồng rừng thay thế.
Ngay cả khi rừng đã bị phá để triển khai dự án, người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường của tỉnh vẫn chưa nắm rõ.
Ông Nguyễn Như Thức, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên cho biết: “Dự án chăn nuôi bò chất lượng cao ở Sông Hinh đến nay đã có đánh giá tác động môi trường. Ở đây mới có giai đoạn 1 thôi, bốn trăm mấy chục héc ta; còn giai đoạn 2 nữa chưa triển khai. Không biết lâu nay thủ tục khai thác rừng là như thế nào. Cái này thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, còn Tài nguyên và Môi trường thì đã hướng dẫn cho công ty những bước tiếp theo...”.
Dự án “Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao” là chủ trương lớn của tỉnh Phú Yên, góp phần phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân. Thế nhưng, từ khi triển khai dự án cho đến nay, người dân Phú Yên rất bức xúc và tha thiết đề nghị phải dừng ngay dự án để kiểm tra lại trước việc hàng trăm héc ta rừng đã và sẽ bị phát trắng. Trong khi chờ các cơ quan chức năng xem xét làm rõ dự án, những cánh rừng vẫn tiếp tục bị đốn hạ….