Ngang nhiên hút cát Vào những ngày cuối tháng 7/2017, trên vùng biển Vũng Tàu, phóng viên phát hiện hàng chục sà lan với nhiều ống hút cát như vòi bạch tuộc (số hiệu sà lan NĐ-2362, NĐ2005, BV 1226…) nằm neo tránh giữa các thuyền chài của ngư dân. Vào cuối ngày, các sà lan nhộn nhịp thay nhau chạy từ vùng biển Vũng Tàu vào cửa sông Soài Rạp, TP Hồ Chí Minh, để khi đêm xuống hoặc rạng sáng ồ ạt hút cát.
Tàu hút cát trái phép bị phát hiện tại khu vực huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh). |
Đến tầm 8 - 9 giờ sáng ngày hôm sau, khi hầm chứa đã đầy cát, các sà lan
cập bờ huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai hoặc về lại vùng biển
Vũng Tàu để tập kết cát. Chiếc sà lan mang số hiệu ĐN-0977, sau khi “no
cát”, toàn thân sà lan ngập sâu trong nước đến thành mép và chậm rãi
chạy về hướng sông Đồng Nai giao cát mà không bị lực lượng chức năng nào
kiểm tra, phát hiện.
Trên đây chỉ là một trong nhiều vụ khai thác cát trái phép diễn ra phổ biến trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nơi giáp ranh với Vũng Tàu, Đồng Nai, Tiền Giang. Gần đây nhất phải kể đến vụ khai thác cát trái phép ngày 1/7 khi 2 sà lan hút 840 m3 cát tại khu vực biển Cồn Ngựa, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh bị phát hiện.
Trước đó vào ngày 30/6, tại ngã ba kênh Nước Mặn, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, lực lượng chức năng cũng kiểm tra, phát hiện hơn 6.000 m3 cát do 11 sà lan khai thác cát trái phép. Hay như vào ngày 3/5, tàu sắt cập bìa rừng Sác (huyện Cần Giờ) ngang nghiên hút cát trộm bị báo chí phản ánh…
Theo cơ quan chức năng, hầu hết các phương tiện khai thác cát trái phép đều hoạt động tại các dự án được cấp phép trước đây nhưng nay đã ngưng hoạt động, đến từ các địa phương như Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Đồng Nai, Tiền Giang… Việc khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra tinh vi, vào ban đêm, rạng sáng, ngay cả khi có mưa gió nhằm tránh bị phát hiện, thậm chí khi bị lực lượng chức năng kiểm tra xử lý còn hung hăng đe doạ.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn huyện Cần Giờ xảy ra 29 vụ liên quan đến khai thác cát trái phép; trong đó có 22 vụ về các phương tiện đường thủy chở cát khai thác trái phép đi ngang qua địa bàn và 7 vụ khai thác cát trái phép trên địa bàn.
Theo ông Dũng, các hoạt động khai thác cát trái phép chủ yếu diễn ra ở cửa biển Cồn Ngựa và trên sông Gò Gia. Bên cạnh đó, cũng có tình trạng nhà đầu tư lợi dụng dự án xã hội hóa nạo vét khu neo đậu tránh bão trên sông Gò Gia đã điều tàu hút, xáng cạp ngày đêm nạo vét, khai thác cát. Khi phát hiện, các ngành chức năng đã yêu cầu tạm ngưng thi công để xử lý.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, kể từ đầu năm 2015 đến tháng 6/2017, các sở, ngành liên quan của thành phố tổ chức kiểm tra, đã bắt và xử lý 101 trường hợp khai thác cát trái phép; trong đó, khu vực sông Sài Gòn (địa bàn huyện Củ Chi) có 3 trường hợp, khu vực sông Đồng Nai (thuộc địa bàn Quận 9) có 26 trường hợp và 72 trường hợp còn lại diễn ra ở huyện Cần Giờ.
Hệ lụy khôn lường Việc khai thác cát sỏi ồ ạt, trái phép không những làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, gây tình trạng xói mòn, sạt lở bờ sông, thu hẹp đất liền, thay đổi dòng chảy tự nhiên mà còn ảnh hưởng đến các công trình ven sông, ven đê, tác động xấu đến môi trường. Đồng thời gây nguy hiểm cho tính mạng, tài sản của người dân sinh sống ở khu vực xung quanh và các phương tiện giao thông đường thủy, cũng như gây mất an ninh, trật tự và bức xúc trong dư luận xã hội.
Lực lượng biên phòng TP Hồ Chí Minh kiểm tra phương tiện khai thác cát trái phép bị thu giữ tại vùng biển Cần Giờ. Ảnh: Thành Chung/TTXVN |
Trước diễn biến phức tạp của việc khai thác cát trái phép, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu tạm dừng hoạt động đối với hầu hết các dự án nạo vét, khơi thông luồng hàng hải, luồng đường thuỷ nội địa để tận thu sản phẩm cát. Chính phủ cũng đã kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tạm dừng cấp mới giấy phép các dự án xã hội hóa tận thu cát nhiễm mặn, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án đang thực hiện.
Ông Lưu Quang Lãm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư khai thác Cảng - đơn vị được cấp phép thực hiện dự án nạo vét, thiết lập các khu neo đậu tàu tránh trú bão, chờ đợi vào các bến cảng trên sông Soài Rạp tại vịnh Gành Rái, thuộc vùng biển Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải, dự án đã tạm ngưng (thời gian triển khai đến năm 2014), các hợp đồng thuê mướn vật liệu, phương tiện, nhân công… phải đình lại, gây thiệt hại không nhỏ. Điều đáng nói hơn, trong khi doanh nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành chỉ đạo của Trung ương thì nạn khai thác cát trái phép vẫn hoành hành, thậm chí còn xâm phạm vào dự án của Công ty CP Đầu tư khai thác Cảng, sử dụng giang hồ hung hãn đe dọa nhân viên công ty.
Tình trạng khai thác cát trái phép còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhiều hộ dân sinh sống bám biển, bám sông. Theo phản ánh của nhiều ngư dân ngụ tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, họ sống bằng nghề đóng đáy trên sông Cầu tại khu vực nằm trên luồng tuyến sông Soài Rạp thuộc địa bàn xã Long Hoà, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh. Do khai thác cát trái phép lộng hành, hút cát ồ ạt khiến họ không thể đóng đáy được, thậm chí còn làm sập hàng đáy, gây thiệt hại về tài sản và trực tiếp đe dọa đến sinh mạng.
Hệ quả của nạn khai thác cát trái phép cũng là một trong nhiều nguyên nhân gây nên các vụ sạt lở bờ sông, rạch. Tại TP Hồ Chí Minh. Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua đã liên tiếp xuất hiện nhiều vụ sạt lở bờ sông, rạch, cuốn trôi nhà cửa của người dân. Sở Giao thông vận tải đã kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông, kênh, rạch.
Một hệ lụy kinh tế không nhỏ là gây bất ổn giá cát xây dựng, đặc biệt tại các địa phương có tốc độ đô thị hoá nhanh như TP Hồ Chí Minh.
“Giá cát biến động theo xu hướng tăng gấp 2-3 lần so với năm 2016, dẫn đến một số công trình có giá xây lắp thẩm định cao hơn giá trị xây lắp dự án, đặc biệt với các công trình có khối lượng san lấp lớn, đường giao thông nội bộ, sân bãi… Điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến các công trình nhà ở riêng lẻ, công trình dân dụng, gây khan hiếm nguồn cùng và liên tục bị phía cung cấp đẩy giá”, đại diện Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho hay.
Thiếu cát nên nhiều cửa hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn còn bán luôn cả cát biển với giá không hề rẻ. Đơn cử, cửa hàng vật liệu xây dựng Ngọc Phát tại phường Hiệp Bình Phước, quận thủ Đức bán cát biển với giá 400.000 đồng/m3, chỉ đứng sau cát vàng là 600.000 đồng/m3.
Nguyên nhân tăng giá cát, bên cạnh nhu cầu xây dựng tăng cao do thị trường bất động sản phục hồi thì cũng có nguyên nhân nguồn cát hiện nay trên thị trường lấy từ các mỏ được cấp phép khai thác đúng quy định, các dự án được cấp phép nạo vét thông luồng lạch và phần lớn là cát không rõ nguồn gốc mỏ.
Việc quản lý khai thác cát đang bị siết chặt nên một số đơn vị khai thác giảm công suất, dẫn đến nguồn cung khan hiếm, giá cát bị đẩy lên. Về vấn đề này, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Công Thương có giải pháp chống hành vi đầu cơ, lũng đoạn thị trường trong hoạt động kinh doanh cát trái phép nhằm tránh tình trạng ghim hàng, đẩy giá lên cao.
Lo ngại thiếu cát, Sở Xây dựng cũng đề xuất UBND thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND 19 tỉnh miền Đông và Nam bộ yêu cầu các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép khai thác mỏ cát còn thời hạn khai thác hỗ trợ nguồn cung về cho TP Hồ Chí Minh để nhanh chóng ổn định thị trường xây dựng của thành phố.