Tháng 5/1983, vừa chuyển từ Ban Trong nước sang công tác tại Báo Ảnh Việt Nam, tôi lại có dịp quay lại Campuchia cùng nhà nhiếp ảnh Vũ Khánh khi những đơn vị quân tình nguyện Việt Nam rút quân đợt đầu tiên về nước. Đấy là một thời khắc đáng nhớ, nhất là với những ai đã từng có mặt ở đây, chịu đựng bao hy sinh, gian khổ để đi đến thời điểm này. Chúng tôi gặp lại các bạn ở Quân đoàn 4, anh em trong đoàn chuyên gia và nhiều bạn bè ở SPK. Cuộc sống vẫn hối hả băng đi theo nhịp của nó. Trở lại Phnôm Pênh những ngày này, cái cảm giác đi trong ngày hội luôn đến với mỗi người nhất là với những ai đã đến đây những ngày đầu giải phóng.
Đường phố tấp nập người xe, các màu áo sặc sỡ, đủ các âm thanh náo nhiệt như cuộc sống của bất cứ đô thị châu Á nào. Từ 70 người những ngày đầu, bây giờ thành phố có hơn 500.000 dân. Riêng con số này cũng nói lên nhiều điều.
Giữa Phnôm Pênh hôm nay, tôi không khỏi nhớ tới những con người mang lại sự sống cho nó. Nhớ đại đội trưởng Trần Ngọc Giao và các anh Tấn, Chương, Việt, những chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đi trên chiếc xe tăng đầu tiên vào thành phố. Tôi nhớ nụ cười tươi của Nguôn Phonxiphon, chiến sĩ lực lượng cách mạng Campuchia, trước là sinh viên ở Phnôm Pênh trong ngày đầu anh trở về thành phố quê hương. Tôi nhớ Thia Vy và các chiến sĩ gái khác, những người bạn của cô. Ngày vào Phnôm Pênh, họ cầm những đóa hoa Chuk trong tay, nước mắt rơi, không nói nên lời. Tôi nhớ người chiến sĩ Campuchia không biết tên đã chơi bản nhạc đầu tiên trên đại lộ Mônivông bằng chiếc đàn dương cầm cũ nát mà anh tìm được. Anh chơi bài Au Xoaichănty, một bài dân ca phổ biến của đất nước anh. Nhiều người quanh anh đã vỗ tay, hát theo và múa…
Hơn 4 năm qua, Phnôm Pênh đã đổi thay nhiều. Ông Keo Chănđa, Chủ tịch thành phố, trong một buổi gặp mặt thân mật chúng tôi, đã rất say sưa khi nói về những đổi thay của thành phố. Ông đưa ra những con số quan trọng: trên địa bàn thành phố, hiện có trên 50 xí nghiệp công nghiệp của Trung ương, địa phương cùng 1.700 cơ sở tiểu thủ công nghiệp hoạt động. Một số xí nghiệp khác cũng đang được khôi phục để đưa vào sản xuất. Sản phẩm do các cơ sở này sản xuất gồm hàng trăm mặt hàng thiết yếu như nông cụ, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng… Về nông nghiệp các xã ngoại thành đã gieo trồng gần 3.700 hécta lúa và rau vụ mùa mưa vừa qua, bảo đảm cung cấp một phần lương thực, thực phẩm cho thành phố. Về mặt văn hóa, xã hội, nếu kể cả những người lớn đang học bổ túc, trung bình cứ 4 người dân Phnôm Pênh có 1 người đi học. 72% số dân đã được thanh toán nạn mù chữ. Mạng lưới y tế được mở rộng, với hàng chục bệnh viện và nhiều trạm xá ở xã và khu phố. Con lẽ không cần phải kể thêm những con số về sự phát triển ở đây.
Tất nhiên vẫn còn nhiều vấn đề đang đặt ra cho Phnôm Pênh. Một lần thống kê gần đây cho thấy: thành phố có trên 200.000 người dân bị Pôn Pốt giết. Số trẻ mồ côi không còn một ai nương tựa trong thành phố là 5.900, hàng chục nghìn phụ nữ góa chồng… Những di hại nặng nề như thế không thể giải quyết trong vòng vài năm. Chúng tôi rất thông cảm với nỗi lo lắng của Kim Muôn, Chủ tịch khu phố 4 khi anh nói về việc thiếu nguyên liệu cho các cơ sở thủ công nghiệp, về số người hiện chưa có việc làm trong khu phố. Chúng tôi cũng hiểu điều băn khoăn của Malâm, Trưởng phum Tà Ngâu, một xã có phong trào khá của ngoại thành, khi anh lo nguồn nước tưới mùa khô… Những vấn đề đó đang đặt ra cho cuộc sống Phnôm Pênh hôm nay.
Năm 1984, Phnôm Pênh có hai ngày hội lớn, kỷ niệm lần thứ 5 ngày giải phóng và lần thứ 550 ngày thành phố ra đời. Năm 1434, sau mấy lần thua trận trước giặc Xiêm xâm lược, vua Pônhia Yát quyết định dời đô từ Angco về Phnôm Pênh, nơi bắt đầu một truyền thuyết rất đẹp về sự ra đời của thành phố. Truyền thuyết kể rằng: khoảng cuối thế kỷ 14, có nàng công chúa tên là Pênh, nhà ở bờ sông Mê Kông. Một hôm trời lũ lụt, nước dâng cao, nàng đứng trên bờ và trông thấy cây gỗ to trôi lềnh bềnh giữa dòng sông cuộn sóng. Nàng sai người nhà chèo đò ra giữa dòng, vớt cây gỗ lên và phát hiện trong thân gỗ có 4 pho tượng Phật bằng đồng và 1 pho tượng thần Xiva bằng đá. Nàng cho đắp một ngọn đồi, xây trên đó một ngôi chùa. Chùa này về sau rất linh thiêng, đạo hữu bốn phương đến lễ rất đông. Vua Pônhia Yát thấy vậy, liền chọn nơi đây làm kinh đô. Phnôm Pênh có nghĩa là Đồi Bà Pênh, trở thành thủ đô từ đấy.
550 mùa xuân đã qua với bao nỗi thăng trầm của đất nước này để đi tới cuộc sống độc lập, tự do hôm nay. Một buổi sáng đẹp trời, tôi lặng lẽ ngắm các cháu ở trường nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Hồng I đang chạy chơi dưới chân đồi. Những em bé mồ côi tung tăng nhảy trên bậc đá dẫn lên chùa. Trong nắng sớm, gương mặt các em hồng hào, nỗi buồn khổ vì mất cha mẹ đang nguôi dần, niềm hạnh phúc đang sinh sôi. Nhiều ánh mắt của những người xung quanh cũng đang lặng ngắm các em, vui cùng niềm vui trẻ nhỏ. Trên bức tường của ngôi chùa cổ nhất thành phố người vũ nữ trong bức phù diêu với điệu múa đêvốttha dân giã bao đời, cũng như đang rộn ràng chào đón mùa xuân thứ 550 đang đến, khi thành phố, qua thử thách của thời gian, đang trẻ trung hơn bao giờ hết.
Chúng tôi gặp lại nhà văn Nguyễn Chí Trung và cùng anh đi thăm các phum sóc, trường học và các đơn vị bộ đội. Chúng tôi thăm lại các cán bộ, chiến sĩ của Quân đoàn 4 - binh đoàn Cửu Long, các chiến sĩ xe tăng và bộ binh, anh em đồng nghiệp ở báo Quân đoàn 4, những người bạn gắn bó thân thiết một thời. Trong câu chuyện của chúng tôi, có niềm vui đựơc trở về, có nỗi nhớ thương người đã khuất và cả tình cảm sâu nặng mà người dân Campuchia dành cho người chiến sĩ tình nguyện Việt Nam. Chúng tôi cũng có những cuộc gặp với nhà lãnh đạo, giới trí thức, thăm lại các đồng nghiệp ở Thông tấn xã SPK... Tất cả những cuộc gặp gỡ đều để lại trong tôi những ấn tượng đặc biệt.
Tôi không bao giờ quên cảnh tượng lễ rút quân đầu tiên. Những chiếc xe tăng uy nghiêm dẫn đầu đội hình Binh đoàn Cửu Long chạy chậm trước Đài Chiến Thắng rồi hướng thẳng về phía Việt Nam. Cùng với sự ngược chiều không gian, ấn tượng mạnh mẽ nhất của những người có mặt ở Phnôm Pênh lúc này là sự khác biệt giữa cuộc sống và cái chết, là lẽ phải và tình yêu lay động sâu xa trong lòng. Với những ai đã có mặt ở đây ngày 7/1/1979, ấn tượng đó càng mạnh mẽ.
Ngày ấy, cùng với quân đội cách mạng Cam Pu Chia và những binh đoàn quân tình nguyện Việt Nam khác, những chiếc xe tăng này cũng đã dẫn đầu đội hình binh đoàn Cửu Long vào giải phóng thành phố này. Ngày ấy cũng như cả đất nước Campuchia, Phôm Pênh hoang vắng, lạnh lẽo. Ngày ấy, thành phố chỉ có tất cả 70 người dân, kể cả chú bé chưa đầy một tháng tuổi được bộ đội Việt Nam cứu sống ở nhà tù Tunsleng. Trên đường vào Phnôm Pênh, những chiếc xe tăng và những lá cờ đỏ đi đến đâu, người dân Campuchia bị dồn ép, kìm kẹp, bung ra đến đấy. Suốt chặng đường đoàn quân đi qua, dài cả trăm ki lô mét, chỉ gặp những người dân mặc cùng một loại đồ đen rách rưới như vừa từ địa ngục chui lên.
Vẫn chiếc xe tăng mang số 973 dẫn đầu đội hình, như nó đã đi đầu trong đội hình chiến đấu hơn 4 năm trước đây. Không riiêng gì những chiến sĩ tình nguyện Việt Nam mà là với mọi người, khó có ai đếm được Phnôm Pênh hôm nay có bao nhiêu sắc màu của những bộ quần áo đẹp nhất, của hoa, của cờ khi cả thành phố trên nửa triệu dân đổ ra Đại lộ Tu Samút cầu 7/1, ra bến sông Mê Kông… để tiễn đưa ân nhân của mình về nước.
- Trước khi bộ đội Việt Nam đến đây, đất nước này là cõi chết. Hôm nay cuộc sống đã trở về!
Chị Đola, Phó hiệu trưởng Trường phố thông cấp 1 Tu Cốc, một trường lớn với gần 3.000 học sinh của Phnôm Pênh đã nghẹn ngào nói như vậy với chúng tôi khi cùng các em có mặt trong dòng người đi tiễn. Những câu nói như thế có thể nghe thấy ở bất kỳ đâu, bất cứ người nào trong lúc này.
Trong đội hình, người mang lá quân kỳ Quyết thắng có Thượng uý Trần Ngọc Giao, Anh hùng quân đội. Chính anh đã chỉ huy chiếc xe tăng 973 cùng binh đoàn phối hợp với các bạn chiến đấu Campuchia giải phóng vùng đồng bằng Xvây Riêng, Prây Veng, Căng-đan… rộng lớn trước khi tiến vao thủ đô Phnôm Pênh. Vào giờ phút chia tay này, trong lòng người lính Việt Nam ấy có bao điều lưu luyến. Anh đã đến đất nước này với trái tim yêu thương và chiếc xe tăng thần tốc của mình. Giờ, anh trở về Tổ quốc, vẫn chiếc ba lô nhỏ bạc màu quen thuộc và thêm 5 vết thương trên người. Gần 10 năm cầm súng, người thợ mỏ Quảng Ninh ấy chưa kịp lo riêng cho mình một tổ ấm gia đình. Nhưng cái mà anh cùng đồng đội để lại trên đất nước này là sự sống của cả một dân tộc. Và có rất nhiều điều còn lại trong anh. Anh không bao giờ quên nụ cười tươi của Nguyễn Văn My, người lính trẻ cùng đơn vị mà Giao coi như em, đã hy sinh trong chiến dịch giải phóng Phnôm Pênh. Máu của My và của các chiến sĩ quân tình nguyện đã ngã xuống trên mảnh đất này tô thắm thêm lá quân kỳ Giao giương cao hôm nay. Anh không thể quên lời bà mẹ Campuchia không kịp biết tên trong ngày đầu giải phóng. Bà mẹ đã khóc và nói: “Nếu các con không đến kịp, nhân dân Campuchia chết hết mất !”. Anh sẽ nhớ mãi vòng tay của Chủ tịch Hêng Xomrin ôm hôm thắm thiết khi Chủ tịch tới thăm binh đoàn. Anh cũng sẽ nhớ mãi Cavan, người bạn chiến đấu Cam Pu Chia thân thiết. Cavan là đại đội trưởng xe tăng sư đoàn 196, sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội cách mạng Campuchia được binh đoàn Cửu Long hết lòng giúp đỡ trong quá trình xây dựng. Hiện nay, Cavan cùng đơn vị cua anh đang đứng vững trên tuyến đầu góp phần bảo vệ Tổ quốc Campuchia yêu dấu.
Trần Ngọc Giao rút trong túi áo ngực ra một lá thư nhỏ đưa cho chúng tôi xem. Lá thư của em Mit Chum, học sinh lớp 4 trường mồ côi tỉnh Kôngpông Xpư. Em viết: “Nghe tin các chú sắp về nước, cháu rất buồn và nhớ thương. Nhờ các chú bộ đội Việt Nam cháu được cứu sống. Các chú đã nhường cơm sẻ áo cho chúng cháu, làm nhà, dựng trường cho chúng cháu. Ơn nghĩa này sâu nặng, cháu không bao giờ quên…”. Có hàng ngàn lá thư như thế đã đến với Giao và đồng đội của anh. Những lời lẽ yêu thương của cháu Mít Chum sẽ ở lại mãi trong lòng anh.
Tháng 5, Phnôm Pênh và cả CampPuchia đang mùa hoa. Hoa Cơ Ngau đỏ chói, hoa Sbây Sơrôn vàng tươi, hoa Thách Bay tím nhạt, hoa Na Crin trắng muốt, hương thơm nồng nàn… Hoa đã nói hộ lòng người biết bao điều. Và có biết bao nhiêu thiếu nữ, em nhỏ tung hoa lên những chiếc xe tăng chúc mừng, tiễn đưa, những bông hoa gửi nhớ thương, tin yêu, rạng rỡ như những gương mặt người trên đất nước Campuchia hôm nay.
Trong đợt công tác đó, tôi và nhà nhiếp ảnh Vũ Khánh cũng đã làm cả một số báo ảnh về sự hồi sinh trên đất nước Campuchia. Chúng tôi viết và chụp ảnh về cuộc sống gia đình đang trở lại trong mỗi phum soc, gặp gỡ với những nhân sĩ, trí thức của chế độ trước, nay cũng đang góp phần vào công cuộc hồi sinh đất nước. Hai anh em còn quay lại Xiêm Riệp để thăm lại Angko Vat, lên Biển Hồ… và thăm nhiều nơi khác.
Chúng tôi về thăm thôn Chring Ampơi, xã Coban, huyện Kiêng Vai, tỉnh Kon đan. Điều cảm nhận rõ rệt là cuộc sống bình thường của người dân đã trở lại. Chúng tôi đã đến thăm gia đình bác Lương Non, chia sẻ những niềm vui với người nông dân chất phác, thuần hậu này. Cuộc sống gia đình bác, như những gia đình khác, đã trở thành điều bình thường, điều đã từng xa lạ dưới chế độ công xã “không gia đình” của chế độ Pôn Pốt. Bác Lương Non kể rằng, bác rất thích những âm thanh quen thuộc của một buổi sáng bình thường trên quê hương: Con chim sáo hót trên ngọn cây thanh trà trong vườn nhà, khung cửi lách cách dưới sàn khi Non Man, con gái đầu chịu thương chị khó của bác quen dậy sớm nhất nhà, ngồi dệt cửi; đôi bò đánh sừng lộc cộc đòi ăn trước buổi ra đồng; Non Panhnha, con gái út của bác, vừa tưới hoa, vừa khẽ hát một bài hát học ở trường… Bác có thể ngồi hàng giờ nghe không biết chán những âm thanh ấy, tựa như nghe một bản nhạc diệu kỳ.
Như hàng chục vạn gia đình trên đất nước Campuchia, sau ngày giải phóng, bác Lương Non tìm gặp được vợ con và trở về quê cũ. Họ tìm thấy nhau ở tỉnh Pursát, nơi họ cùng sống dưới thời Pôn Pốt những chẳng được gặp nhau. Trong cuộc hành hương khổng lồ của cả dân tộc diễn ra sau ngày giải phóng, gia đình bác Lương Non cũng làm một cuộc hành hương nhỏ. Cả nhà đi bộ 18 ngày đêm liền, vượt đoạn đường ngót 300 ki-lô-mét để về quê nhà. Dòng họ nhà bác vốn sính sống ở đây đã lâu, khi bị bọn lính áo đen lùa đi, có tất cả 30 gia đình với gần 150 người. Thế mà khi trở về quê nhà, chỉ còn 5 gia đình với gần 30 người. Buổi chiều đầu tiên về quê, bác đã đứng trước căn nhà sàn bằng gỗ thốt nốt, căn nhà đã 80 tuổi, di sản của cha mẹ bác để lại, lòng vừa mừng, vừa tủi. Cỏ dại mọc um tùm. Nhiều mảnh ván gỗ đã long. Cầu thang xiêu vẹo. Không gia đình - không ở đâu cái chủ trương quái gở ấy của bọn Pôn Pốt lại gây nên những ấn tượng nặng nề cho người nông dân đã hơn 60 tuổi bằng giờ phút này!
Nhưng, như bất kỳ ở đâu, cuộc sống tự tìm trong lòng nó sức sống bất diệt. Cùng bà con trong thôn, gia đình bác bắt đầu một cuộc đời mới. Những ngôi nhà được sửa sang dọn dẹp. Vườn tược lối xóm dần ấm hơi người. Gia đình bác cùng tham gia các công việc khác của thôn xã, những công việc tự nhiên như một nhu cầu tất yếu của con người: lập chính quyền, xây dựng tổ đoàn kết sản xuất, mở trạm xá, trường học… Ngoài hai vợ chồng và ba người con, gia đình bác có thêm một thành viên mới, bà Phan Vát, một người em trong họ. Mẹ, chồng và hai con của bà đều bị bon Pôn Pốt giết chết. Bà chỉ còn một mình. Bà đến chung sống với gia đình bác để phần nào vơi đi nỗi cô đơn. Những người như bà trong thôn không thiếu. Những gia đình thân thiết đã đón họ vào với tình thương yêu, đùm bọc. Và quả thật bà Phan Vát không còn cảm thấy lẻ loi khi được sống có gia đình: lo chuyện mùa màng, gặt hái, lo ngày lễ Đôn Ta nhớ người đã khuất, ăn bữa cơm chung thân tình, vui với bày trẻ nhỏ quanh cầu thang nhà sàn…
Mấy năm qua, cuộc sống gia đình bác Lương Non khá dần. Tổ đoàn kết do bác lập nên có hơn 10 gia đình, gieo cấy 3 héc-ta lúa. Nhờ chịu khó lo đủ giống má, phân tro, nước tưới năng suất mỗi năm một tăng. Vụ mùa năm 1982, nhà bác được gần 1 tấn rưỡi thóc; tính ra cũng đủ ăn. Từ năm ngoái, bác dành tiền mua một khung cửi, dệt khăn cro-ma, khăn mặt bán cho bà con trong vùng. Vườn nhà bác quanh năm cho hoa trái. Đồ đạc trong nhà mỗi vụ sắm một ít, đến nay cũng đủ các thứ cần thiết. Người con gái lớn của bác, ngoài việc nhà, còn tích cực tham gia công tác xã. Chị là Hội phó phụ nữ, tổ trưởng tổ du kích Non Lak. Cậu con trai thứ hai học ở trường trung học, cách nhà chừng 10 ki lô mét. Em của cậu thì học ngay tại trường của xã, năm nay cô lên lớp 5. Chưa hoàn toàn no đủ nhưng những điều tốt lành thật sự có tên gọi chung là hạnh phúc đã và đang đến với gia đình bác.
Khi chia tay, nhớ mãi lời nói chân tình của Chủ tịch xã Hạ Chia: “Cảnh nhà bác Lương Non có thể gặp ở bất kỳ gia đình nào trong xã Coban chúng tôi!’.
Những cuộc gặp với các trí thức cũ của Campuchia lại có những nét khác biệt. Thời gian ấy (4/1983), bác sĩ My Xamơđi, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phnôm Pênh tròn 60 tuổi. Một điều đáng ngạc nhiên là trông ông trẻ hơn cách đó 4 năm, khi ông mới trở về Phnôm Pênh sau ngày giải phóng. Ông tiếp chúng tôi tại phòng làm việc, không xa giảng đường lớn của nhà trường, nơi các sinh viên năm cuối chuẩn bị thi tốt nghiệp.
Câu chuyện của chúng tôi đề cập tới những suy nghĩ và công việc của người trí thức Campuchia trong xã hội hiện nay. Bác sĩ nói:
- Tôi thường nói với những bạn bè của tôi và người thân trong gia đình, kể cả những người đang ở nước ngoài rằng, tôi đang sống cuộc đời thứ hai của mình. Cuộc đời thứ nhất của tôi, của những người trí thức và cả dân tộc này đã bị bọn Pôn Pốt chôn vùi. Nếu không có Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và những người anh em Việt Nam, sẽ không có cuộc đời thứ hai của tôi! Dưới thời Pôn Pốt, gia đình tôi bị đưa về một phum xa, giữa Prếch Vihia và Kôngpông Thom. Bố mẹ tôi bị giết. Vợ con tôi đói khổ, cái chết luôn đe doạ. Hàng ngày tôi đi cày ruộng, trồng cây và đau lòng chứng kiến cảnh chém, giết… Tôi luôn phải giấu tung tích của mình. Khi ấy tôi suy nghĩ về trách nhiệm của mình. Chính vì có những người như tôi, quan niệm rằng có thể đứng ngoài chính trị, ngoài số phận chung của cả dân tộc nên mới có thảm cảnh như thế này. Đó là một bài học quá đau xót!
Những người trí thức chúng tôi tìm thấy chỗ đứng tự nhiên của mình trong chế độ mới, một chế độ mà bản chất nhân đạo, công bằng và tốt đẹp của nó không ai có quyền nghi ngờ. Tôi có 4 con và 4 cháu sống ở Pháp. Tôi hoàn toàn có thể sang đó để tìm kiếm môt cuộc sống an nhàn cho bản thân. Nhưng tôi đã ở lại, và nguyện rằng, tât cả cuộc đời thứ hai, nhờ cách mạng mà có được, tôi sẽ dành cho đất nước, cho dân tộc Campuchia đã chịu nhiều đâu khổ và rất thân yêu của tôi!
Bác sĩ My Xamơđi khi ấy đang giữ nhiều trọng trách. Ngoài công việc ở trường và bệnh viện, ông là Chủ tịch Mặt trận Đoàn kết xây dựng và bảo vệ đất nước của thủ đô Phnôm Pênh, Tổng thư ký Hội chữ thập đỏ Campuchia, Đại biểu Quốc hội, Chủ tích Uỷ ban Olympic quốc gia…
- Bọn Pôn Pốt không chỉ giết hại Hoàng tộc mà còn giết cả dân tộc Campuchia! - Bà Hoàng Liđa mở đầu câu chuyện bằng một điều khẳng định. Bà nói thêm: - Trong số phận chung đó, nhiều gia đình trong Hoàng tộc đã bị giết; riêng ở Pursát, hơn 200 gia đình bị chôn chung một hố!
Bà là một bà Hoàng hiếm hoi còn lại của đất nước này. Thời Lon Non, bà đỗ cử nhân văn chương và làm việc ở Bộ Ngoại giao. Thời Pôn Pốt, bà đi làm ruộng ở Báttambang. Từ sau ngày giải phóng, bà là Uỷ viên Hội đồng toàn quốc Mặt trận Đoàn kết và xây dựng đất nước. Bà còn là đại biểu Quốc hội và là Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia - Cu Ba.
Bà tâm sự :
- Đối với tôi, được tham gia công tác cách mạng là một vinh dự lớn. Lý tưởng cao đẹp của Đảng nhân dân cách mạng Campuchia đã đem lại cho tôi ánh sáng mới. Những ngày này tôi thấy cuộc sống của tôi có ý nghĩa hơn trước nhiều.
Là một trí thức, với hiểu biết của mình, bằng những điều đã trải qua, tôi hiểu rõ giá trị của cuộc sống hôm nay. Hàng triệu người Campuchia đã chết. Biết bao máu xương của nhân dân và các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã đổ xuống vì chúng tôi. Đối với tôi, điều đó là thiêng liêng và cũng là một bài học lớn. Mọi người Campuchia chân chính đều hiểu rõ điều này.
Về tình hình đất nước chúng tôi, hơn 4 năm qua, những chuyển biến là rất rõ rệt. Tất cả những điều đó không tách rời sự giúp đỡ của Việt Nam và các nước anh em. Tất nhiên như mọi người đều biết, chúng tôi còn nhiều khó khăn không thể tránh khỏi. Nhưng tôi hoàn toàn yên tâm và hy vọng ở tương lai… Dù thế nào, không thế lực nào thể ngăn được bánh xe lịch sử, ngăn được cách mạng Campuchia tiến lên.
Xin nói thêm với bạn đọc: Bà Hoàng Liđa, với tư cách là một phụ nữ có cuộc sống riêng rất hạnh phúc. Bà tái lập gia đình sau ngày giải phóng ít lâu. Khi ấy, Sêtha, cậu con trai của bà gần tròn hai tuổi.
Bộ trưởng Bộ giáo dục Pen Navút, cử nhân khoa học, bắt đầu câu chuyện với chúng tôi:
- Là một trí thức, một nhà giáo - nghề nghiệp mà tôi rất tự hào - tôi chào đón cách mạng bằng cả tấm lòng mình. Tôi hài lòng được phục vụ chế độ mới, phấn đấu cho lý tưởng, mục đích tốt đẹp, góp phần của mình cung dân tộc, đất nước vượt qua những khó khăn hiện nay. Dưới chế độ Pôn Pốt, trí thức không dám nhận mình là trí thức… Tôi hiểu rằng sự tàn phá của Khơ Me Đỏ để lại trên đất nước chúng tôi là rất nặng nề. Và những khó khăn là lâu dài. Nhưng cũng dưới khía cạnh khoa học, tôi hiểu rằng những khó khăn đó nhất định khắc phục đựơc. Bản thân tôi được giao trọng trách trong sự nghiệp giáo dục, tôi rất vinh dự và cũng thấy hết trách nhiệm của mình. Đào tạo lớp người mới, đưa ánh sáng văn hoá đến với nhân dân luôn là nhiệm vụ hàng đầu của mọi dân tộc.
Bộ trưởng Pen Navút thông báo với chúng tôi những thành tựu mới nhất của nền giáo dục Campuchia. Năm học 1982 - 1983, cả nước có trên 1,7 triệu học sinh phổ thông. Hệ thống trường lớp đang được mở rộng, hiện có từ mẫu giáo đến đại học. Trong 4 năm qua, hơn 300.000 người lớn tuổi đã được thanh toán nạn mù chữ. Công việc này đang đựơc triển khai với quy mô lớn hơn… Đó là những con số kỷ lục trong lịch sử Campuchia, những con số mà mỗi người dân Campuchia hôm nay đều có thể tự hào.
“Hành trình lịch sử” là tên gọi của một vở kịch dài 8 màn, được công diễn ở thủ đô Phnôm Pênh trong thời gian gần đây. Vở kịch thu hút sự chú ý của đông đảo các tầng lớp nhân dân và khách nước ngoài. Đây là lần đầu tiên sau ngày giải phóng, sân khấu cách mạng Campuchia có một tác phẩm lớn, bao quát một thời gian và một không gian khá lớn. Qua vở kịch, người xem có thể thấy cuộc hành trình vì tự do, độc lập của Campuchia, qua những thăng trầm của lịch sử từ thời đại Ăngco huy hoàng đến ngày nay. Tác giả của vở kịch là giáo sư Chêng Phon, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Văn hoá, một nghệ sĩ nổi tiêng của Campu chia.
Tôi là một nghệ sĩ, vậy xin bắt đầu câu chuyện với tư cách là một nghệ sĩ... - Giáo sư Chêng Phôn mở đầu câu chuyện bằng một giọng nói ấm áp,giàu sức truyền cảm – Cách mạng về, người nghệ sĩ cũng tìm thấy tự do. Chúng tôi hồ hởi bắt tay vào công việc. Một phần mười số nghệ sĩ còn sống sót được tập hợp lại. Các tác phẩm tuy còn ít ỏi lần lượt ra đời. Các chương trình văn hoá được xúc tiến… Năm 1982, tôi cùng đồng nghiệp viết và dựng 16 vở kịch; trong đó có những vở đưa về địa phương diễn, mỗi buổi, nhân dân từ các vùng xa ngồi trên năm, sáu trăm chiếc xe bò đến xem… Nhiều hội nghị bàn về sáng tác ca múa, kịch nghệ, bảo tồn bảo tàng… được tổ chức. Chúng tôi đã sưu tầm 750 bản nhạc cổ, 30 điệu múa dân gian, thu hồi, gìn giữ 1.080 hiện vật bảo tàng. Phong trào văn hoá quần chúng phát triển mạnh ở nhiều cơ sở. Vở “Hành trình lịch sử” được viết và dựng trong vòng 4 tháng. Nhiều khi tôi tự hỏi, sức mạnh nào giúp tôi làm việc như vậy? Rồi tôi tự trả lời: Lòng tin! Chúng tôi đã có được lòng tin. Có thể nói, dân tộc chúng tôi đã trải qua một cuộc hành trình lịch sử để có được lòng tin. Trước đây, người ta không còn biết tin vào cái gì. Nhiều khi chính bản thân tôi cũng không còn tin vào tôi nữa. Một cuộc khủng hoảng lòng tin đến ghê gớm! Bây giờ lòng tin vào chế độ mới, vào sự công bằng tốt đẹp đã đem lại sức sống cho dân tộc chúng tôi. Trách nhiệm của chúng tôi, những nghệ sĩ, là phải góp phần làm cho lòng tin đó ngày càng sâu sắc hơn, bền vững hơn trong trái tim mọi người.
Chuyến đi lên Xiêm Riệp ấy chúng tôi ở với Mặt trận 479 và cũng là một chuyến đi không quên. Vũ Khánh bị ốm thành ra có những lúc tôi kiêm cả viết bài, chụp ảnh. Hai anh em đã có những buổi sáng đi trên Biển Hồ rất đẹp và nên thơ. Tôi mới có dịp trở lại Chông Khơniếc, làng chài nhỏ nằm ở phía tây Biển Hồ, cách Angkor không xa, sau hơn ba năm. Một buổi sáng trong lành, bình yên. Vẫn những nhà bè lô nhô giăng hàng trên sóng, thuyền đánh cá tấp nập đi về, bên nước đầu làng đông vui…
Tôi đến Chông Khơniếc lần đầu vào đầu năm 1980. Dân làng dưới thời Pôn Pốt bị phiêu bạt khắp nơi, từ vùng núi Culên, Sisophon, Pursat… lần lượt tìm đường trở về. Tuy rằng trong số gần 4.000 người ra đi, hơn 1.000 người vĩnh viễn không trở lại. Nhưng dân làng từ Kôngpông Chnăng trở về là đông nhất. Ở đấy họ sống trong một “xí nghiệp đánh cá” - một thứ trại tập trung trá hình, lao động khổ sai và dễ dàng bị thủ tiêu như ở mọi nơi trên đất nước này vào thời kỳ ấy. Một đơn vị bộ đội Việt Nam đến giải phóng cho họ. Hiểu rõ nguyện vọng của những người bị giam hãm lâu ngày, đơn vị ấy đã cử ba chiến sĩ đưa bà con về quê hương. Đoàn người đi theo một con đường ngắn nhất và an tòan nhất, ngang qua Biển Hồ lúc này đang mùa cạn. Ba chiến sĩ Việt Nam mặc quần áo dân thường,mang súng dẫn đầu đoàn người rách rưới,đi suốt mấy ngày đêm mới về đến Chông Khơniếc, mảnh đất nhớ thương của mấy ngàn con người suốt 4 năm ròng, mảnh đất mà trong đêm đầu tiên trở về, dânlàng không ngủ, mở hội Rum Vuông đến sáng. Nhiều người bước đi trong điệu múa, miệng cười mà nước mắt rơi…
Lần trước đến đây, điều ghi nhận chủ yếu của tôi là cuộc sống của Chông Khơniếc đã qua được những ngày khó khăn nhất. Mùa cá đầu không trọn vụ, thuyền thiếu, lưới thiếu, nạn đói, bệnh tật hoành hành… Tất cả những cái đó đã và đang qua. Tôi nhớ trong bữa cơm thân mật với món cá ke nổi tiếng của Biển Hồ, nâng chén rượu mừng, anh Phom Lai, trưởng thôn đã say sưa nói với chúng tôi những dự định cho ngày mai. Anh nói về sự giàu có của Biển Hồ với hơn 200 loài cá, về những lô cá giữa vụ, người ta phải lách những cây sào qua những tầng cá ken nhau, mới cắm được xuống đất. Anh nói vè sự hùng vĩ của thiên nhiên nơi đây khi mùa nước cạn, xe bò có thể đi ngang lòng hồ. Mùa mưa đến, nước dâng ngang ngọn cây trên con đường lớn chạy qua làng.
Chúng tôi gặp lại Phom Lai với nỗi vui mừng thân thiết. Thay lời chào, anh hỏi, đầm ấm, thiết tha: “Đi lâu, nhớ Biển Hồ nhiều không?”. Trong giọng nói của anh có cả tình yêu quê hương xứ sở cùng lòng mến khách tự nhiên của những con người ở đây. Dấu ấn của một cuộc sống mới đã đậm nét ở Chông Khơniếc. Điều ấy có thể thấy ở bến nước nhiều màu áo và râm ran tiếng nói cười; ở gương mặt của bác Hênh, người ngư dân nhiều tuổi, nhiệt tình dẫn chúng tôi ra tít khơi xa để thấy vẻ đẹp của Biển Hồ; ở lớp học đông vui của cô giáo Ong Xarươn… Những con số không nói được tất cả nhưng cũng cho thấy nhiều điều. Vụ cá năm 1983, tuy chưa kết thúc, Chông Khơniếc đã đánh bắt hơn 3.000 tấn cá, gấp nhiều lần so với vụ cá đầu tiên. Các tổ đoần kết đã bán cho nhà nưốc được hơn 1.000 tấn cá khô và tươi. Ngược lại, dân làng được cung cấp gạo ăn, muối ướp cá, xăng dầu, lưới, gỗ đóng thuyền… Tính chung mỗi gia đình trong làng, qua vụ cá năm nay,c ó thu nhập khoảng 2.000 riel, một mức sống đủ ăn và có thể dành dụm chút ít. Trạm y tế của xã họat động tốt, có trường 400 học sinh và đang chuẩn bị mở thêm lớp… Phom Lai vẫn không giấu được sự lo toan của anh: Thuyền và lưới chưa phải đã đủ cho các tổ đánh cá, hàng tiêu dùng vẫn còn thiếu, vật tư cho chế biến cá đang là một vấn đề… Và sâu xa hơn, hạnh phúc riêng cho hơn 250 phụ nữa góa chồng, hậu quả của bốn năm dưới chế đọ Pôn Pốt, cũng là một nối lo của chính quyền, tuy rằng hơn 4 năm qua, ở Chông Khơniếc đã có 170 cặp vợ chồng mới và hơn 400 đứa trẻ mới ra đời.
Lần trước đến đây, Phom Lai có chép tặng tôi mấy bài dân ca Biển Hồ. Những bài ca đó tôi vẫn giữ như một kỷ niệm đẹp về quê hương anh. Hôm nay, trên bên nước đầu làng, tôi lại được nghe những cô gái, trong những bộ trang phục đẹp nhất của mình, hát những bài ca đó, tiếng hát yêu đời thiết tha vang tỏa trên sông nước: “Mặt nước rộng lớn mênh mông ngút tầm mắt không thấy bờ. Biển Hồ ơi, tên của người vang khắp nơi. Đây là trái tim của Campuchia, là nguồn sống của trăm loài tôm cá… Không ai muốn xa Biển Hồ”...
Chúng tôi cũng cùng nhau thăm lại Angko Vat nổi tiếng, tuy những đổi thay đang đến, nhưng những nguy hiểm vẫn rình rập. Chúng tôi còn gặp ở Xiêm Riệp nhà thơ Thu Bồn và một số anh chị em văn nghệ sĩ đang đi thực tế ở đấy. Lúc đó, nhà thơ Thu Bồn đang thai nghén để viết trường ca nổi tiếng của ông về cuộc sống và con người ở đây. Ở Angko Vat, chúng tôi chiêm ngưỡng lại vẻ đẹp vĩnh cửu của những công trình kiến trúc đã làm rạng danh xứ sở này. Có một chi tiết tôi cứ nhớ mãi. Những người dân Campuchia dù cuộc sống còn bao khó khăn cũng hành hương về với Angko thiêng liêng. Người Campuchia rất thích chụp ảnh. Những người nhạy bén kinh doanh đã kịp thời mua ở Thái Lan những máy ảnh chụp lấy ngay để đáp ứng yêu cầu của mọi người. Giá không hề rẻ: một chỉ vàng cho hai bức ảnh 9x12 mà vẫn đắt khách. Tôi chưa bao giờ thấy giá dịch vụ về ảnh lại cao đến cỡ đó.
Tôi nhớ hôm đến Xiêm Riệp, chúng tôi đi trên máy bay AN24 của Liên Xô cũ. Điều đập vào mắt chúng tôi là hàng đoàn thương binh Việt Nam được đưa về Sài Gòn trên chuyến bay đó. Họ là thương binh nặng từ các mặt trận phía bắc, được ưu tiên chuyển về bằng đường hàng không. Những người hy sinh phần lớn đều phải chôn cất tại chỗ, những người ở gần biên giới Việt Nam thì đi bằng đường bộ. Đây là những trường hợp đặc biệt. Nhìn hàng trăm thương bình, người nằm trên cáng, người đang hôn mê, những người bị nặng thì được khiêng, cáng hoặc bế lên máy bay, tôi thực sự bị ám ảnh. Một anh bạn bác sĩ quân y đi cùng nói:
- Tuần nào cũng vài chuyến đón thương binh thế này các anh ạ!
Máu của người Việt Nam tiếp tục đổ trên mảnh đất này. Họ là những chàng trai trẻ từ mọi miền quê, là niềm yêu thương, hy vọng của hàng ngàn, hàng triệu gia đình, là nỗi mỏi mòn đợi trông của biết bao bà mẹ. Những điều ấy thực sự làm tôi vô cùng day dứt!