Tăng quyền tự chủ cho địa phương
Sau khi nộp đầy đủ hồ sơ để sang tên tài sản gắn liền trên đất, anh Võ Văn Hào, ngụ thành phố Thủ Đức phải chờ hơn 2 tháng vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu đất và tài sản gắn liền trên đất (sổ hồng). Anh Võ Văn Hào cho biết: “Trước thời điểm có dịch bệnh COVID-19, mỗi bộ hồ sơ nhà đất chỉ mất khoảng 15 ngày đến 1 tháng là sẽ có sổ hồng, nhưng giờ nộp hồ sơ đã 2 tháng mà vẫn chưa có thông báo đến nhận sổ. Thời gian làm quá lâu đã ảnh hưởng đến các giao dịch khác như làm hồ sơ vay ngân hàng, đăng kí nhập học cho các con, nhập hộ khẩu...”.
Lý giải về nguyên nhân hồ sơ người dân bị "ngâm", đại diện Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Thủ Đức cho biết, trước khi sát nhập chung vào TP Thủ Đức, khối lượng công việc nhiều nhưng số cán bộ thực hiện cũng nhiều nên thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai vì vậy cũng nhanh hơn. Tuy nhiên, sau khi sát nhập và thực hiện tinh giản biên chế, khối lượng công việc nhiều nhưng số cán bộ, công chức thực hiện ít hơn nên thời gian thực hiện công việc trước kia cũng kéo dài hơn gấp 2 - 3 lần. Hiện nay, với những hồ sơ cấp mới hoặc cập nhật trên sổ hồng phải mất khoảng 3 tháng mới có sổ cho người dân. Vì vậy, ngày trước các cán bộ thường viết giấy hẹn và trên giấy hẹn có ngày tháng cụ thể để người dân chủ động lên quận lấy sổ, tuy nhiên hiện nay, các giấy hẹn nhận sổ thường không để ngày tháng mà các cán bộ sẽ thông báo là khi nào người dân nhận được tin nhắn qua điện thoại mới lên nhận sổ. Thời gian nhận tin nhắn cũng phải 2 - 3 tháng sau đó.
Trong khi đó, theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, vừa qua, doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19 nên rất khó khăn, đặc biệt những ngành nghề như: nông nghiệp, phụ trợ nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, dệt may, da giày, sản xuất giấy, gỗ, thép, khoáng sản, dầu thô, du lịch, vận tải, bán lẻ, tài chính ngân hàng, kinh doanh bất động sản… Vì thế, để giảm chi phí, đặc biệt trong cải cách thủ tục hành chính cần phải đẩy nhanh tiến độ để doanh nghiệp không làm mất cơ hội kinh doanh khi nộp hồ sơ hàng tháng vẫn chưa được giải quyết. Đặc biệt, với cơ chế xin - cho hiện nay đang là rào cản lớn nhất hiện nay khiến doanh nghiệp rất ngại khi đi làm các thủ hành chính.
Ông Đỗ Hồng Tiến, chuyên gia về hành chính công cho biết, theo nguyên tắc là cấp phường, xã làm tốt thì cấp trên sẽ "nhẹ gánh" và ngược lại. Điều này tạo ra hiệu ứng domino là khi công việc ở cấp thành phố, quận, huyện nhiều thì lại càng khó giảm biên chế. "Nếu chúng ta cắt giảm chỗ này nhưng lại phình ra ở chỗ khác thì sẽ không giải quyết được cốt lõi của vấn đề. Vấn đề ở đây là phải phân số lượng cán bộ dựa trên khối lượng công việc ở cấp phường, xã để bố trí công việc phù hợp. Cụ thể, khi so sánh khối lượng công việc công chức của TP Hồ Chí Minh, chúng ta đánh giá chỉ cần nhìn vào số ngân sách nộp hàng năm và số GRDP đóng góp cho cả nước. Đằng sau sự sôi động, số ngân sách đó chính là khối lượng công việc khổng lồ đến từ tần suất giao dịch của các cá nhân, doanh nghiệp mà các cán bộ cấp phường, xã ở đây đang đảm nhận", ông Đỗ Hồng Tiến nói.
"Đã đến lúc Chính phủ cần tăng quyền tự chủ, tự quyết của mỗi địa phương trong tổ chức bộ máy vì không ai hiểu Thành phố bằng chính Thành phố. Đối với cấp Nhà nước, cấp Thành phố cần đẩy mạnh, phát huy vai trò của các cơ quan giám sát để không khiến bộ máy hành chính trở thành bộ máy gia đình trị, chỉ tuyển dụng người nhà khi giao quyền tự chủ, tự quyết cho mỗi địa phương", ông Đỗ Hồng Tiến cho biết thêm.
Tiên phong đổi mới
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, vừa qua người dân và doanh nghiệp than phiền về việc chậm giải quyết các hồ sơ thủ tục hành chính có nguyên nhân từ việc quá tải công việc của cán bộ cấp phường xã, quận huyện từ việc quyết định tinh giảm biên chế của nhà nước. Tuy nhiên, nếu căn cứ nhu cầu định mức công việc cụ thể thì TP Hồ Chí Minh đang thiếu biên chế.
"Trước mắt, để tự cứu mình, trước tiên TP Hồ Chí Minh cần phát huy vai trò tiên phong khi nghiên cứu, áp dụng thêm những biện pháp cần thiết để đáp ứng quyết định tinh giảm biên chế của Chính phủ nhưng hiệu quả công việc của cán bộ được tăng lên chứ không thể đẩy việc “quá tải” lên vai các cán bộ cơ sở. Ví dụ, TP Hồ Chí Minh có thể áp dụng khoa học - công nghệ vào cải cách hành chính bằng cách đầu tư thêm nhiều máy móc hiện đại, tập huấn cách sử dụng, để một cán bộ có thể tiếp cận công nghệ, xử lý nhiều công việc khác tại địa phương. Đồng thời, TP Hồ Chí Minh cần có cách đãi ngộ tốt hơn cho những nhân sự tham gia giải pháp thí điểm tinh giản biên chế. Từ những thí điểm thành công này sẽ nhân rộng ra toàn thành phố rồi kiến nghị Trung ương áp dụng cho cả nước", ông Nguyễn Thiện Nhân đề xuất.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Thị Cành, TP Hồ Chí Minh cũng cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giải quyết các công việc, thủ tục hành chính để từng bước cắt giảm được nhân lực. Chẳng hạn các dịch vụ như đăng ký tạm trú, tạm vắng, đăng ký doanh nghiệp, kinh doanh qua online hay họp online từ cấp TP Hồ Chí Minh xuống quận, huyện, phường, xã... sẽ giúp giảm thời gian, chi phí, con người.
Chia sẻ về công tác cải cách hành chính, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, muốn bộ máy hành chính hiệu lực, hiệu quả, giảm quá tải cho cán bộ và vẫn phục vụ người dân tốt hơn để TP Hồ Chí Minh phát triển thì phải đẩy mạnh công tác cải cách hành chính.
“Thành phố đang rà soát để giải trình với Trung ương về số biên chế chênh lệch so với chỉ tiêu được giao và đề xuất phương án giải quyết phù hợp. Thành phố cũng sẽ có đề xuất theo hướng phát huy tự chủ và cơ chế xã hội hoá để giảm gánh nặng cho ngân sách cho nhà nước từ việc cắt giảm biên chế, giảm gánh nặng công việc cho các cán bộ cơ sở”, ông Phan Văn Mãi nói.
Cung cấp thông tin về công tác ứng dụng công nghệ vào cải cách hành chính, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết, trong tháng 10, TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành Cổng dịch vụ công trực tuyến toàn thành phố. Cổng thông tin này sẽ cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn phần với các thủ tục hành chính đủ điều kiện. Cụ thể là TP Hồ Chí Minh sẽ cung cấp 403 dịch vụ công trực tuyến theo quyết định của UBND TP Hồ Chí Minh và 25 dịch vụ công thiết yếu theo đề án 06. Với hệ thống thông tin một cửa điện tử, sở sẽ thiết lập 1.454 thủ tục hành chính của các sở, ban ngành và các địa phương để người dân nộp hồ sơ trực tiếp và trực tuyến.
"Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử từ tháng 10 sẽ trở thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thống nhất của toàn TP Hồ Chí Minh. Hệ thống này sẽ kết nối với Cổng dịch công quốc gia và hệ thống xác thực định danh của Công an, từ đó sẽ rút ngắn thời gian, chi phí giải quyết thủ tục hành chính cho người dân đang bị vướng mắc trong thời gian qua. Bởi, hệ thống này có khả năng công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các đơn vị, rút ngắn thời gian đi lại giữa các sở ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức. Đây cũng là công cụ để các cấp lãnh đạo giám sát hiệu quả và thúc đẩy trách nhiệm của các đơn vị trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho công dân”, ông Lâm Đình Thắng cho biết thêm.