Khu vực này nằm giáp ranh giữa xã Thanh An và xã Long Môn. Phóng viên phải mất hàng giờ đồng hồ vượt dốc cao mới tiếp cận được vị trí các đối tượng thực hiện hành vi chặt phá, cưa hạ gỗ. Hàng loạt cây gỗ lớn có đường kính từ 40-60 cm bị triệt hạ, trong đó có nhiều vết cưa còn khá mới. Đáng chú ý, nhiều cây đã được cưa xẻ thành phách với quy cách 30 x 10 x 500 cm; một số phách khác nằm la liệt ven suối, chưa kịp tuồn ra khỏi rừng.
Ngoài ra, qua hình ảnh trích xuất từ camera do người dân quay lại được, các đối tượng tham gia phá rừng khá manh động, ngang nhiên dùng xe máy vận chuyển gỗ đi tẩu tán giữa “thanh thiên bạch nhật”.
Ông Phạm Đình Tuấn, Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng huyện Minh Long thừa nhận, việc khai thác gỗ trái phép trong rừng phòng hộ có diễn ra. Các cây gỗ bị chặt hạ chủ yếu là sến, chò, dẻ, gõ…
Ông Trần Văn Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Minh Long cho biết, hiện tại Hạt chưa tiếp nhận thông tin các đối tượng khai thác gỗ trái phép ở đầu nguồn Thác Trắng. Qua thông tin báo chí phản ánh, thời gian tới, Hạt sẽ bố trí lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuần tra, truy quét để có hướng xử lý.
Ông Cường lý giải, do diện tích rừng phòng hộ quá lớn trong khi cán bộ, nhân viên của Hạt khá mỏng nên công tác tuần tra, bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều khi, anh em phải cải trang, bám địa bàn cả ngày lẫn đêm nhưng không thể tìm ra manh mối do người dân địa phương thường xuyên canh gác, báo lại cho các đối tượng để tìm cách đối phó.
Ông Trần Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long khẳng định, tuyệt đối không có chuyện huyện bao che, dung túng, nương nhẹ cho bất kỳ cá nhân, đối tượng, tổ chức nào liên quan đến khai thác gỗ trái phép trong rừng phòng hộ; nhất quyết phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo thống kê, huyện Minh Long có 9.789 ha rừng phòng hộ nằm trên địa bàn của 5 xã Long Môn, Thanh An, Long Hiệp, Long Mai, Long Sơn.