Vay dễ, trả không dễ
Chị L.T.L, công nhân làm việc trong Khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7, TP Hồ Chí Minh) cho biết, thu nhập mỗi tháng của cả hai vợ chồng chị khoảng 12 - 13 triệu đồng. Số tiền này vừa đủ trang trải cuộc sống, trả tiền thuê nhà và nuôi hai con nhỏ. Mới đây, do cần tiền chữa bệnh cho con, vợ chồng chị phải vay "nóng" trên mạng 40 triệu đồng với lãi suất 20%/tháng. Việc mỗi tháng chị phải trả lãi hàng triệu đồng, khiến cuộc sống gia đình thêm khó khăn.
“Nghe bạn bè giới thiệu app vay tiền trên mạng rất đơn giản, chỉ cần cung cấp số điện thoại và chứng minh nhân dân là được giải ngân trong ngày, nên tôi đã vay thử. Tuy nhiên, thủ tục vay đơn giản nhưng lãi suất lại nhân lên theo từng ngày, khiến hai vợ chồng tôi không có khả năng chi trả. Lo sợ không trả nổi, tôi đành phải vay mượn tiền người thân để trả cho bên cho vay qua app. Vay 40 triệu đồng mà tính ra tôi phải trả tới gần cả trăm triệu đồng tiền gốc và lãi trong 4 tháng”, chị L.T.L than thở.
Tương tự, anh N.V.X, ngụ ở thành phố Thủ Đức cho biết, vừa qua, anh vay tiền qua app và phải chịu lãi suất tính theo tuần. “Mới đây, do gia đình dưới quê cần một khoản tiền gấp, tôi được một người làm cùng công ty giới thiệu nơi để vay nóng 25 triệu đồng, lãi suất hằng tuần phải trả là 1,8 triệu đồng. Khi tôi trả chậm ngày nào là các đối tượng cho vay gọi điện và tìm đến tận nhà trọ đe dọa tôi phải thanh toán hết số lãi còn nợ. Vay được 3 tháng, do tiền lãi quá cao, tôi buộc phải bán xe máy để trả hết nợ. Sau đó tôi chuyển chỗ ở và xin việc làm ở công ty khác để thoát khỏi nợ nần từ vay tiền qua app”, anh N.V.X cho biết.
Chia sẻ về tình trạng tín dụng đen núp bóng cho vay tiền qua app nở rộ, ông Đỗ Minh Hải, Giám đốc ATM Online cho biết: “Khá nhiều app cho vay không áp dụng công nghệ trong việc chọn lọc và thẩm định khách hàng mà họ bắt buộc khách hàng tải app và qua đó truy cập thông tin cá nhân của khách hàng. Một khi không trả được tiền, người vay sẽ bị làm phiền, đe dọa… Do đó, khi có nhu cầu vay vốn, người dân cần hết sức cẩn thận để không lọt vào "bẫy" của những "tín dụng đen" trá hình".
Gần đây, các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện một đường dây cho vay tín dụng xuyên quốc gia với lãi suất vay từ 1.500% đến trên 2.100%/năm. Nguyên nhân khiến cho nạn tín dụng đen núp bóng cho vay online “mọc lên như nấm sau mưa” là do thủ tục vay tại các app vay vô cùng đơn giản, không cần chứng minh thu nhập, thủ tục giải ngân nhanh… Ngoài ra, một số người dân bị sập bẫy tín dụng đen còn do không phân biệt được đâu là ứng dụng của các đơn vị được cấp phép và đâu là của các đối tượng cho vay nặng lãi.
Theo ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), sau mùa dịch bệnh COVID-19, đời sống của người lao động càng thêm khó khăn và đang có thực trạng đáng lo ngại là có đến 11% công nhân - lao động thường xuyên phải vay tiền để sinh hoạt hằng tháng; 36% số công nhân, lao động thỉnh thoảng phải vay tiền để chi tiêu sinh hoạt, khám chữa bệnh…
Kết nối nguồn vay an toàn
Theo các chuyên gia kinh tế, đặc trưng của các dịch vụ cho vay qua mạng là lãi suất cho vay và các mức phí kèm theo thường rất cao. Do vậy, để tránh các phát sinh nằm ngoài dự kiến, người vay cần biết rõ các mức lãi suất, các mức phí và chi phí có thể phát sinh trong những trường hợp cụ thể (trả nợ trước hạn, chậm trả, gia hạn thời gian vay, phí tư vấn dịch vụ…). Ngoài ra, người vay cũng cần bảo đảm việc lưu giữ thông tin để có cơ sở đối chiếu khi phát sinh tranh chấp. Cụ thể, nhiều trường hợp người vay nghe nhân viên tư vấn qua điện thoại nhưng không kiểm tra lại nội dung hợp đồng trước khi ký, dẫn đến khi có tranh chấp phát sinh mới phát hiện nội dung hợp đồng không đúng như nội dung tư vấn.
“Tại ATM Online, khách hàng muốn vay phải đăng ký trên web và tỉ lệ khách hàng đủ điều kiện vay tại công ty chỉ ở mức 7% và cách tính lãi suất của chúng tôi rất rõ ràng, minh bạch để khách hàng chọn lựa các khoản vay phù hợp với tài chính cùa mình”, ông Đỗ Minh Hải nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Tài chính vi mô CEP (CEP) cho biết, để giúp công nhân hiểu được những hệ lụy khi vướng vào tín dụng đen, đồng thời hỗ trợ công nhân tiếp cận được nguồn vốn tốt, trong các buổi họp cụm hoặc tiếp xúc với người lao động tại cộng đồng dân cư, CEP luôn lồng ghép tuyên truyền về tác hại của tín dụng đen, đồng thời hướng dẫn khách hàng quản lý chi tiêu và tiết kiệm hiệu quả trong gia đình. Bởi chỉ có chi tiêu hợp lý và có tiết kiệm thì họ mới không bị rơi vào hoàn cảnh phải vay mượn và mắc bẫy tín dụng đen.
Ông Kalidas Ghose, CEO Công ty tài chính VPBank SMBC (FE CREDIT) cho biết, để giảm thiểu rủi ro khi vay tín dụng online, các tổ chức tín dụng phải liên tục nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng an toàn cho người dân thông qua công nghệ, hỗ trợ người đi vay làm quen với quy trình và thủ tục vay tại các kênh tín dụng chính thống. Đối với các công ty tài chính, Ngân hàng Nhà nước phải đồng hành với người vay để đảm bảo họ có tài chính cho các khoản trả hàng tháng, từ đó tạo động lực cho người dân tham gia vay tiêu dùng một cách lành mạnh.
Chia sẻ về thông tin các gói vay tín dụng cho người dân, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi, cơ chế rõ ràng cho người dân được vay tiêu dùng, vay nhỏ lẻ với những nhu cầu vay ngắn hạn. Theo thống kê, cho vay tiêu dùng đang chiếm khoảng 2 triệu tỷ đồng, tuy nhiên, nhu cầu cho vay nhỏ lẻ của người yếu thế vẫn cần nhiều hơn nữa”.
“Để giảm các hệ lụy từ vay tín dụng đen với lãi suất cao, sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ đề xuất Chính phủ hoàn thiện khung pháp lý cho vay tiêu dùng, trước hết là ngân hàng thương mại và các công ty tài chính, sau đó là các tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân với các cơ chế thông thoáng, áp dụng các công nghệ dễ dàng hơn. Ngoài ra, chúng tôi sẽ hướng người dân sử dụng nguồn vốn thuận lợi hơn bằng các hình thức cho vay kết nối trực tiếp giữa người vay, người bán hàng và người mua, nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho người dân được tiếp cận các gói vay ưu đãi”, ông Đào Minh Tú nói.