Sở Tài chính Thanh Hóa đã bàn giao tài sản cho các địa phương quản lý, tuy nhiên đến nay, vì nhiều lý do khác nhau, các công trình trường học này vẫn chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, gây lãng phí tài sản công.
Năm học 2018-2019, Thanh Hóa đã thực hiện giải thể, sáp nhập Trường Trung học Phổ thông Đinh Chương Dương (huyện Hậu Lộc), với lý do trường có vị trí và quy mô không phù hợp với quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục phổ thông của tỉnh. Việc giải thể nhằm tập trung đầu mối, nguồn lực cho hoạt động giáo dục phổ thông.
Sau khi giải thể, năm 2019, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định 5275/QĐ-UBND về việc thu hồi 10.850m2 đất của Trường Trung học Phổ thông Đinh Chương Dương, giao cho UBND huyện Hậu Lộc quản lý theo quy định của pháp luật. UBND huyện Hậu Lộc có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc tiếp nhận và quản lý tài sản được bàn giao theo quy định; lập phương án đưa đất vào sử dụng và báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định. Tuy nhiên, đến nay, UBND huyện Hậu Lộc vẫn chưa có báo cáo gửi UBND tỉnh. Hiện công trình này đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, trở thành nơi tập kết vật liệu xây dựng, rác thải, gây mất mỹ quan đô thị, khiến người dân sống xung quanh khu vực bức xúc.
Anh Đỗ Huy Vang, khu 3 thị trấn Hậu Lộc cho biết, công trình này đã bị bỏ hoang từ 3 năm nay, khuôn viên trường cỏ mọc um tùm, cơ sở vật chất xuống cấp. Lâu nay, điểm trường này trở thành nơi tập kết vật liệu xây dựng, rác… gây mất mỹ quan đô thị. Anh rất mong thời gian tới, địa phương sớm có phương án để chuyển đổi mục đích sử dụng, trả lại cảnh quan đô thị.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Ngọc Hưng, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Hậu Lộc cho biết, huyện đang xem xét tính toán, báo cáo UNBD tỉnh xin thanh lý tài sản là 10.850m2 đất của Trường Trung học Phổ thông Đinh Chương Dương để tổ chức đấu giá đất ở. Tuy nhiên, do vướng một số quy định tại Nghị định 167 về quản lý tài sản công nên chưa thực hiện được. Theo quy định, huyện phải thực hiện đồng thời thanh lý tài sản và đấu giá đất cùng một lúc, theo đó huyện đang đề nghị xin thanh lý tài sản riêng, còn quỹ đất sẽ đấu giá bán cho dân. UBND huyện đang hoàn thiện các văn bản liên quan và phấn đấu trong năm 2021, sẽ trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt phương án.
Tại huyện Hoằng Hóa, thực hiện đề án trên, địa phương hiện có Trường Trung học Phổ thông Lê Viết Tạo và Trường Trung học Phổ thông Lưu Đình Chất thuộc diện dôi dư. Tuy nhiên, vào đầu năm 2020, UBND tỉnh mới có quyết định bàn giao Trường Trung học Phổ thông Lê Viết Tạo về cho UBND huyện Hoằng Hóa quản lý và sử dụng. Trường Trung học Phổ thông Lưu Đình Chất vẫn chưa được tỉnh bàn giao cho địa phương.
Ông Nguyễn Văn Duy, Phó trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Hoằng Hóa cho biết, địa bàn huyện có hai trường thuộc diện dôi dư sau sáp nhập. UBND huyện đã trích kinh phí thuê bảo vệ trông coi cơ sở vật chất và đề nghị UBND hai xã quản lý tài sản công trên địa bàn. Trường Trung học Phổ thông Lê Viết Tạo đã được tỉnh bàn giao quản lý sử dụng nên huyện đang lên kế hoạch sẽ chuyển đổi thành mô hình trường liên cấp chất lượng cao trong thời gian tới. Phương án đang trong quá trình hoàn thiện để trình tỉnh phê duyệt. Đối với Trường Trung học Phổ thông Lưu Đình Chất, huyện mong tỉnh sớm có quyết định bàn giao, để địa phương chủ động lên kế hoạch sử dụng hợp lý, tránh tình trạng để lâu công trình xuống cấp, gây lãng phí tài sản công.
Theo báo cáo của Sở Tài chính, tỉnh Thanh Hóa có 101 trường Trung học Phổ thông, thời điểm sau sáp nhập còn 88 trường, giảm 13 trường, hiện có 8 trường thuộc diện dôi dư. Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với ngành Giáo dục chuyển giao 6 trường cho các địa phương quản lý, sử dụng; còn lại hai trường là Trung học Phổ thông Lưu Đình Chất (Hoằng Hóa) và Trung học Phổ thông Trần Ân Chiêm (Yên Định) do vướng một vài thủ tục nên chưa được bàn giao.
Ông Lê Duy Hiếu, Phó trưởng Phòng Quản lý Công sản - Giá cả, Sở Tài chính Thanh Hóa cho biết, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và các ngành, địa phương liên quan rà soát và hoàn tất các thủ tục để chuyển giao hai trường Trung học Phổ thông trên địa bàn huyện Yên Định và Hoằng Hóa về cho địa phương quản lý, sử dụng trong năm 2021. Sau khi sắp xếp, bàn giao, các địa phương có trách nhiệm tiếp nhận tài sản nhà đất và lên kế hoạch sử dụng hợp lý, tránh tình trạng công trình để quá lâu không được sử dụng sẽ bị xuống cấp, gây lãnh phí.
Có thể nói đề án “Sắp xếp các trường trung học phổ thông công lập hiện có tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025” đã góp phần khắc phục được một số bất cập, để thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Tuy nhiên, cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, các địa phương cần sớm có phương án quản lý, sử dụng những công trình dôi dư hợp lý, hiệu quả; tránh tình trạng công trình xuống cấp, gây lãng phí...