Những ngày cuối tháng 8/2018, theo tuyến Quốc lộ 27, nhóm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thâm nhập vào những tiểu khu rừng đã bị triệt hạ, chờ phân lô, bán đất. Trong vai những người đi mua đất, chúng tôi dần dần tiếp cận những người đang trồng cà phê.
Một người dân tên X., ngụ tại thôn Thanh Bình, xã Phí Liêng, huyện Đam Rông tiết lộ: Những hộ dân có đất gần rừng đang tranh thủ những ngày mưa gió để cưa cây, ken gốc dần dần cây sẽ chết đứng. Những diện tích đất rừng sau khi bị lấn chiếm nhanh chóng được phân lô, sang nhượng, trồng cây cà phê…
Ông X. giải thích: “Muốn thông chết thì “ken” gốc (tức là dùng rìu vạt hết lớp vỏ quanh gốc cho nhựa không lên nuôi thân được), cây sẽ chết dần hoặc khoan nhiều lỗ sâu vào thân cây sau đó bơm thuốc diệt cỏ vào, cây sẽ từ từ chết đứng. Nhưng làm vậy, diện tích lấn chiếm chỉ được vài nghìn mét vuông trong vài tháng. Bởi vậy, tại Tiểu khu 216, lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng quản lý, các đối tượng còn ngang nhiên dùng cưa máy để đốn thông, đưa máy ủi vào san gạt…
Theo chân ông X. nhóm phóng viên đi vào khu rừng thông, vòng qua ngọn đồi sau Nhà văn hóa thôn Thanh Bình, xã Phi Liêng. Đây là khu rừng nằm sát rẫy của người dân nên những đối tượng phá rừng đã lén lút lấn chiếm.
Ông X. chỉ cho phóng viên xem và giải thích: “Những vết dao này còn rất mới, nhựa thông ứa chảy còn thơm nồng. Nhưng chỉ thời gian ngắn nữa thôi, cây này sẽ chết”. Nằm cách đó không xa, có hàng trăm gốc thông khác, cành lá đang héo úa, trên thân đều có một lỗ khoan rất nhỏ, sâu khoảng 10-15 cm. “Chúng tôi đã nhiều lần thông báo cho lãnh đạo xã biết về tình trạng phá rừng, nhưng chờ mãi không thấy ai đến xử lý”, ông X. cho biết.
Tiếp tục được sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm tìm đến Lô d, khoảnh 6, Tiểu khu 216, lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng quản lý. Khu vực này chỉ cách trụ sở UBND xã Phi Liêng khoảng 1 km, là khu vực có diện tích rừng bị phá lớn nhất.
Thống kê ban đầu, tổng diện tích rừng bị phá trái phép là trên 39.800 m2; trong đó, diện tích rừng đã bị phá và trồng trên đó các loại cây gỗ dổi, lát hoa là hơn 24.500 m2, cây đã cao khoảng 2m.
Đây là những diện tích rừng thông trồng từ năm 1997, đến nay đã hơn 20 năm tuổi, bị cưa hạ, "ken" gốc hàng loạt, nằm trong phạm vi quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng, huyện Đam Rông (Lâm Đồng).
Càng đi sâu vào trong rừng, nhóm phóng viên chứng kiến hàng trăm lóng gỗ từ 1-4m, được gom thành từng đống để đốt vẫn còn nham nhở. Những gốc thông đường kính từ 30 - 60cm cũng bị đốt, bị múc gốc để thay thế bằng hàng loạt hố trồng các loại cây mới như dổi, lát hoa. Ngoài ra, diện tích rừng bị phá gồm các cây thông ba lá bị "ken" gốc gồm cây chết khô; 1,3 ha bị vàng lá.
Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng, toàn bộ díện tích rừng bị phá nêu trên (gần 4 ha) thuộc rừng sản xuất. Trong tổng diện tích rừng bị phá có một phần diện tích được giao khoán quản lý bảo vệ rừng theo chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2018 giao cho một số hộ đồng bào dân tộc thôn Boóp La, xã Phí Liêng nhận khoán do ông K’La làm tổ trưởng.
Trước thực trạng trên, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc diện tích rừng bị phá lớn như vậy nhưng cơ quan chức năng chậm phát hiện, có hay không việc lấn chiếm đất rừng rồi sang nhượng, ông Trần Thanh Lễ, Chủ tịch UBND xã Phi Liêng cho rằng: "Các đối tượng phá trong thời gian kéo dài, khó phát hiện. Nếu phát hiện được thì trên diện tích nhỏ nên chỉ xử phạt hành chính. Trong tháng 7 vừa qua, chúng tôi đã đề nghị luân chuyển cán bộ quản lý bảo vệ rừng để tránh tình trạng tiêu cực. Nếu phát hiện người nhà cán bộ xã tham gia phá rừng, chúng tôi sẽ cương quyết xử lý theo pháp luật".
Trong khi đó, ông Lê Văn Tân, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng cho biết: Sau thời gian theo dõi rất lâu, với sự phối hợp của Ban Quản lý rừng, cơ quan Công an đã bắt và tạm giam đối tượng Lê Xuân Tuấn, ngụ tại thôn Thanh Bình, xã Phí Liêng. Hiện cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ để đưa ra hình thức xử lý.
Ông Tân cho rằng: "Công tác quản lý bảo vệ rừng hết sức khó khăn, các đối tượng phá rừng chờ khi trời tối hoặc sáng sớm để hành động. Về tình trạng trồng cây để phân lô bán đất, chúng tôi chưa phát hiện được vụ việc nào, thời gian tới chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá lại, nếu phát hiện chia lô trái phép để bán thì sẽ tổ chức giải tỏa, trồng lại rừng. Trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri người dân có nêu ra tình trạng cán bộ kiểm lâm tổ chức bán diện tích đất rừng đã thu hồi cho những người có nhu cầu, tuy nhiên chúng tôi đang phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ thông tin này".
Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng hiện quản lý trên 11.000 ha, với nhiều tiểu khu khác nhau. Phần lớn diện tích bị phá nằm gần trục đường của xã Phi Liêng, huyện Đam Rông. Trước tình trạng phá rừng diễn ra trong thời gian dài, diện tích tác động lớn, dư luận đang đặt câu hỏi đây là thiếu trách nhiệm hay có sự tiếp tay cho "lâm tặc" phá rừng.