Thâm nhập 'điểm nóng' khai thác vàng trái phép trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ

Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh vận động, tuyên truyền, cưỡng chế nhưng tình trạng khai thác vàng trái phép trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ vẫn diễn ra hết sức phức tạp.

Chú thích ảnh
UBND huyện Na Rì thường xuyên huy động các lực lượng chức năng tổ chức truy quét tại các điểm “nóng” khai thác vàng trái phép trên địa bàn. Ảnh: backan.gov.vn

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ có diện tích vùng lõi hơn 15.700 ha và vùng đệm là hơn 13.600 ha, trải dài trên 6 xã của huyện Na Rì và Bạch Thông (Bắc Kạn). Trong Khu Bảo tồn còn nhiều loại khoáng sản quý hiếm, đặc biệt là vàng sa khoáng. Vì thế, nhiều đối tượng đã vào Khu Bảo tồn khai thác vàng trái phép.

Theo người dân sống gần Khu Bảo tồn, tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra hơn 30 năm nay. Ban đầu chỉ có vài nhóm người địa phương lén lút khai thác kiểu thủ công đào đãi nhưng khi có tin người dân trúng vàng truyền đi đã tạo nên “cơn sốt” kéo theo hàng đoàn người từ nơi khác đổ về đào đãi suốt ngày đêm để tìm vận may.

Vào những thời điểm đông, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ có hơn 1.000 người tham gia khai thác vàng trái phép. Lúc đầu chỉ là đào đãi thủ công, sau này họ đưa cả máy móc vào xới tung lòng đất nhằm tìm những hạt vàng cám lẫn trong đất, đá.

Theo chân những người gánh hàng thuê cho các lũng bãi trong Khu Bảo tồn, chúng tôi phải đi bộ hơn 4 giờ và băng rừng, leo núi mới vào trong lũng bãi của những người khai thác vàng trái phép.

Đ.V.T là người dân bản địa, một thành viên trong đội gánh hàng thuê cho biết, cứ một tuần, đội gánh hàng thuê lại gánh hàng vào trong lũng bãi một lần. Hàng hóa tiếp viện gồm có gạo, thịt, trứng, rau xanh, dầu ăn, dầu máy, xăng. Một tốp gánh hàng gồm 4 - 5 người, một người gánh hàng vào lũng cũng được 400 - 500 nghìn đồng. Riêng việc vận chuyển máy móc, các đối tượng thuê người dân địa phương với giá cao hơn.

Tiến gần đến vùng lõi của Khu Bảo tồn, tiếng máy nổ, máy bơm hút nước, tiếng máy khoan inh ỏi cả khu rừng.

Tại khu vực Lũng Đẩy, cách trung tâm xã Kim Vân, huyện Na Rì hơn 4 giờ đi bộ, chúng tôi bắt gặp một nhóm hơn chục người cùng máy móc đang hì hục đào đãi. Khu vực này có hai lán trại của người dân đến từ xã Vi Hương, huyện Bạch Thông làm chủ bưởng. Mỗi lán có từ 7 - 8 người tham gia đào đãi vàng trái phép. Hầu hết các đối tượng đến từ các huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bắc Kạn.

Hùng, một thanh niên đến từ huyện Pác Nặm cho biết, do không có việc làm, cuộc sống khó khăn nên Hùng đành theo chủ bưởng đi đào đãi vàng. Nếu trúng vàng, chủ bưởng trả công cho Hùng kha khá, còn không cũng chỉ đủ ăn. Giờ vàng cũng hết, chỉ còn lại các “sái vàng”.

Trong khu vực khai thác vàng, đất đá được xới tung, nhiều hang sâu được đào vào lòng đất dài hàng cây số và chỉ vừa một người chui vào rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, các máy bơm liên tục hút nước và bùn, máy sàng cũng hoạt động hết công suất; bùn đất đặc quánh chảy lênh láng. Bên bìa rừng, các lán trại được dựng tạm bợ, thô sơ.

Tại khu vực Xạ Hang, Lũng Lương, cách Lũng Đẩy vài chục cây số, tình trạng khai thác vàng trái phép cũng diễn ra cả ngày lẫn đêm. Tại đây có khoảng gần 10 thanh niên đang đào xới nhằm tìm vận may.

Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Thực trạng khai thác vàng trái phép diễn ra từ nhiều năm nay. Chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt truy quét, phá hủy nhiều máy móc, lán trại nhưng rồi lại như “bắt cóc bỏ đĩa”. Sau một thời giam im ắng các đối tượng lại tiếp tục khai thác và càng tinh vi hơn”.

Theo ông Dũng, hiện trong Khu Bảo tồn còn hơn chục khu vực có hiện tượng khai thác vàng trái phép, trong đó nổi lên là Lũng Lương, Lũng Quang, Lũng Đẩy, Xạ Hang, Lũng Mòn, Cốc Tì. Các đối tượng khai thác chủ yếu là người bản địa và một số đến từ Thái Nguyên.

Theo thống kê của lực lượng chức năng Khu Bảo tồn, hiện nay ở 10 lũng có 15 địa điểm còn hoạt động khai thác vàng trái phép, khoảng 17 chủ lán với trên 50 người tham gia khai thác. Ngoài ra, có khoảng 8 địa điểm có máy móc được cất giấu dưới hang sâu mà lực lượng kiểm lâm chưa tiếp cận được. Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã tổ chức 29 đợt truy quét tại 9 địa điểm có hoạt động khai thác vàng trái phép, tiêu hủy 8 lán tạm, 33 máy móc các loại, 20 lít xăng dầu, chặt đứt 1.150 m vòi dẫn nước.

Ông Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: “Hầu hết các đối tượng khai thác vàng đều không có công ăn việc làm ổn định, một số thành phần cộm cán, nghiện hút nên rất manh động gây khó khăn cho công tác xác minh, trục xuất khỏi khu vực Khu Bảo tồn. Lực lượng Kiểm lâm mỏng (chỉ có 33 người), nhiều khi các đối tượng còn thuê người theo dõi cán bộ kiểm lâm, thậm chí còn nhắn tin đe dọa, chửi bới”.

Đặc biệt, khi lực lượng chức năng tổ chức truy quét, các đối tượng nắm được và thông báo cho nhau giấu máy móc, trốn lên rừng. Đến khi lực lượng chức năng rút, các đối tượng tiếp tục khai thác. Nhiều đối tượng khai thác vàng ở trong Khu Bảo tồn với thời gian dài và coi đây là một nghề để kiếm sống.

Địa bàn quản lý rộng, địa hình núi đá hiểm trở, nhiều điểm phải đi bộ từ 2 - 4 giờ mới đến nơi nên gây khó khăn cho công tác truy quét. Nhiều hang sâu lực lượng chức năng không thể xuống kiểm tra, đồng thời các đối tượng còn đổ hóa chất, thuốc trừ sâu vào miệng hang, dỡ thang, đốt khói để lực lượng chức năng không xuống kiểm tra được. Hành vi khai thác của các đối tượng ngày càng tinh vi nhằm trốn tránh lực lượng chức năng.

Ông Nguyễn Duy Huế, Chủ tịch UBND xã Kim Hỷ, huyện Na Rì cho biết, lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức truy quét, song do cuộc sống người dân sống trong Khu Bảo tồn còn nhiều khó khăn (tỷ lệ hộ nghèo trên 40%), không có việc làm thêm trong những thời điểm nông nhàn nên tranh thủ vào lũng đãi sái tìm vàng.

Bên cạnh các điểm nóng về khai thác vàng trái phép, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ còn xảy ra nhiều vụ phá rừng, vận chuyển, mua bán, cất giấu lâm sản trái phép. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã lập biên bản 19 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, thu giữ 5,458 m3 gỗ nhóm IIA, 2 cưa xăng, 3 xe máy và nộp ngân sách hơn 260 triệu đồng.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn Nguyễn Hữu Thắng, việc khai thác khoáng sản và lâm sản trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đã diễn ra trong nhiều năm nay, tuy mức độ có giảm dần nhưng vẫn còn điểm nóng. Do đó, cùng với việc chốt chặn tuần tra, kiểm soát, truy quét, địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, gia đình người thân trên địa bàn không chứa chấp, tiếp tay cho các đối tượng đầu nậu; không làm thuê, gánh hàng cho các chủ bưởng.

Bên cạnh đó, cho các gia đình ký cam kết, nếu còn vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định; trục xuất các đối tượng không phải người dân địa phương ra khỏi Khu Bảo tồn; duy trì các tổ chốt chặn liên ngành, đánh sập các cửa hang, tiêu hủy máy móc, lán trại, ổn định an ninh, trật tự địa bàn. Quan trọng hơn là giúp người dân sống trong Khu Bảo tồn ổn định cuộc sống, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Mạnh Hà - Đức Hiếu (TTXVN)
Đà Nẵng chỉ đạo kiểm tra, xử lý việc khai thác vàng trái phép tại huyện Hòa Vang
Đà Nẵng chỉ đạo kiểm tra, xử lý việc khai thác vàng trái phép tại huyện Hòa Vang

Ngày 4/9, Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý việc khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực Tiểu khu 29 xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN