Năm 1984, khi cuộc chiến tranh biên giới vẫn còn dai dẳng, với tư cách là phóng viên Báo Ảnh Việt Nam - TTXVN, tôi đã lên Hà Giang, lên Mèo Vạc. Ấn tượng về chuyến đi năm ấy không phai mờ. Ngồi làm việc ở thị xã Hà Giang trong tầm pháo Trung Quốc, luôn sẵn sàng tư thế xuống hầm. Con đường Quyết Thắng mới mở nhiều đoạn lởm chởm đá, len lỏi bên vực sâu hút, ngược núi xuyên mây để đi lên. Nhóm phóng viên Báo Ảnh, gồm các nhà báo Lê Sơn, Văn Chức, Hoàng Chương, Trần Mai Hưởng cùng nhà báo Văn Minh của phân xã TTXVN tại Hà Tuyên, đã đi khắp các nơi trong huyện Mèo Vạc, từ Sủng Trà đến Mã Pì Lèng, qua sông Nho Quế lên Thượng Phùng, Xín Cái...
Sau chuyến đi ấy, phóng sự "Thành Giăng Ải Bắc" của nhóm do NB Lê Sơn chủ biên đăng trên 6 trang Báo Ảnh Việt Nam. Bút ký "Hoa đá trên đỉnh trời" của tôi in trên báo Văn Nghệ được trao giải cuộc thi bút ký của báo (bài này sau in trong tuyển tập các bài báo tiêu biểu cho thời kỳ này của Hội Nhà báo Việt Nam). Tôi còn viết "Mèo Vạc - Chiến Luỹ Ngang Trời" trên Tuần Tin Tức của TTXVN. Bức ảnh "Đường Lên Điểm Tựa Xín Cái" sau đó được trao giải của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.
Ký ức ấy sống lại trong tôi sáng nay 37 năm đã trôi qua, rất nhiều điều đã thay đổi. Một cuộc sống mới, mấy lớp người mới đã sinh ra và lớn lên ở đây. Dù vậy, những dấu ấn xưa vẫn còn in đậm trên mảnh đất này. Đồn biên phòng Xín Cái ở sát đường biên, không xa những cột mốc biên giới. Đây cũng là khu vực điểm tựa của các chiến sĩ trong cuộc chiến tranh biên giới, nơi chúng tôi đã từng có mặt năm ấy.
Chúng tôi có cuộc gặp thân tình với thiếu tá đồn trưởng Tạ Tấn Hoàng và các đồn phó Nguyễn Dũng, Đặng Hải Như. Các anh đều ở độ tuổi trên dưới 40. Vào thời gian chiến tranh biên giới bùng nổ, họ mới lọt lòng hoặc chưa ra đời, nay đã là những chỉ huy vững vàng cho một vùng đất địa đầu thiêng liêng của đất nước.
Qua câu chuyện với các anh, chúng tôi được biết, với lực lượng không đông, đồn phải quản lý một địa bàn rộng và hiểm trở với 72 cột mốc, trải dài trên địa phận các xã Xín Cái và Thượng Phùng. Bên cạnh việc giữ vững chủ quyền, bảo vệ an ninh biên giới, các chiến sĩ đã làm tốt nhiệm vụ xây dựng chính quyển, giúp ổn định và nâng cao đời sống gần 10 ngàn dân thuộc các dân tộc Mông, Xuồng, Lô Lô... trên địa bàn.
Riêng thời gian vừa qua, đồn biên phòng Xín Cái đã ngăn chặn, bắt giữ hàng ngàn người xuất nhập cảnh trái phép qua đường biên, giữ gìn an ninh và thiết thực góp phần vào công cuộc phòng chống dịch COVID-19. Đồn trưởng Tạ Tấn Hoàng đã giới thiệu với chúng tôi một di vật lịch sử được gìn giữ ngay trong khuôn viên của đồn. Đấy là một cột mốc biên giới từ thời Pháp - Thanh, một cột mốc mang tính lịch sử, là cơ sở cho việc phân định biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc trên địa bàn này.
Trò chuyện với các chiến sĩ biên phòng Xín Cái hôm nay, hình ảnh những người lính trên điểm cao này 37 năm trước lại trở về. Tôi nhớ đến những căn hầm đào sâu vào vách núi. Những người lính từ mọi miền đất nước kiên cường bám trụ, chấp nhận hy sinh gian khổ giữ từng tấc đất biên cương. Chính trị viên tiểu đoàn Đào Phong, các chiến sĩ Trần Quyết Chiến, Hoàng, Hoa, Dũng, Lý, Thào Mí Tủa..., những người đã chia sẻ với chúng tôi những khoảnh khắc không quên ấy.
Tôi nhớ khi trèo lên vách núi cao để chụp “Đường lên điểm tựa Xín Cái” ngay trong tầm đạn bắn thẳng của phía bên kia, anh đã lo lắng cho chúng tôi như thế nào. Những câu chuyện về nỗi nhớ quê hương, cái rét cắt thịt da trên núi cao băng giá và cả nỗi thèm một lá thư nhà, một bóng người lên thăm... qua những ngày dài bám trụ. Bây giờ các anh ở đâu, ai còn ai mất, những người lính năm xưa ấy?
Buổi sáng trở lại Xín Cái, khi tan sương, tôi có dịp nhìn rõ đoạn dốc từ bờ sông Nho Quế lên điểm tựa trong bức ảnh tôi chụp năm ấy. Thay cho những vạt núi trơ trọi là hình ảnh cuộc sống mới, những mảng cây xanh, làng bản mới và con đường rộng rãi, nhiều người xe qua lại. Từ trên cao cũng có thể nhìn thấy con đập của nhà máy thuỷ điện trên sông Nho Quế, biểu tượng cho sự đổi thay trên mảnh đất này. Nhờ có các công trình như vậy, cơ cấu kinh tế của Mèo Vạc thay đổi. Cùng với Mã Pì Lèng, sông Nho Quế đang trở thành một điểm du lịch hấp dẫn.
Ở thị trấn Mèo Vạc, tôi có một cuộc gặp mong đợi từ rất lâu với bác Mùa Mí Chơ, Chủ tịch huyện từ những năm 80 của thế kỷ trước. Trong chuyến đi ấy, dù công việc bận rộn, bác vẫn dành thời gian thông báo tình hình sản xuất, chiến đấu của nhân dân câc dân tộc Mèo Vạc rất cặn kẽ, đưa chúng tôi đi về cơ sở, gặp gỡ với bộ đội, nhân dân để chúng tôi có dịp hiểu kỹ tình hình. Nhớ khi về thăm Sủng Trà, bác còn đưa chúng tôi lên tận các nương ngô trồng trên đá, một biểu tượng cho sức sống của Mèo Vạc và đến thăm cụ bà Lầu Thị Trợ, người cao tuổi nhất của bản, cùng chúng tôi nghe cụ hát những bài dân ca Mông hay nhất.
Trong bài bút ký “Hoa đá trên đỉnh trời”, tôi có viết về bác như sau: "Mùa Mi Chơ, Chủ tịch huyện Mèo Vạc, là một con người của núi rừng. Anh có vóc dáng của một con gấu, hai vai to bè, bước đi chắc nịch, cái đầu húi cua khỏe mạnh hơi chúi về phía trước. Ở cái huyện hẻo lánh cao lưng trời này, cần phải có những người đứng mũi chịu sào, như anh - nhìn dáng đi của Mùa Mi Chơ, tôi có ý nghĩ ấy. Hai mươi năm trước, chàng trai Mông ấy là giáo viên văn hóa ở bản, rồi đi bộ đội, liên tục bám trụ ở vùng núi này. Từ ngày có chuyện rắc rối ở biên giới, anh sang phụ trách công tác chính quyền. Hôm đầu tiên gặp anh, cảm giác thật thoải mái. Anh nói tiếng Kinh sõi, tuy trong phát âm vẫn còn âm sắc Mông".
Giây phút gặp lại bác Mùa Mí Chơ thật cảm động. Năm nay bác đã 87 tuổi, sức khoẻ giảm sút nhưng vấn rất minh mẫn. Bác ôm lấy tôi như một người thân sau bao năm xa cách. Tôi hiểu rằng những năm tháng ấy vẫn còn nguyên trong ký ức của bác. Có sự tình cờ rất đặc biệt: Con trai bác Mùa Mí Chơ, thiếu tá Mùa Mí Cay bây giờ lại là chính trị viên đồn biên phòng Xín Cái. Mùa Mí Cay đợi gặp chúng tôi ở thị trấn vì anh có cuộc họp ở huyện uỷ khi chúng tôi lên Xín Cái. Ngoài công việc của đồn, Mùa Mí Cay còn tham gia cấp uỷ của huyện và tỉnh nên khá bận rộn. Chính Mùa Mí Cay đã đưa chúng tôi đến ngôi nhà nhỏ trong thị trấn để thăm bố mẹ anh.
Câu chuyện của chúng tôi với hai cha con bác Mùa Mí Chơ, Mùa Mí Cay gợi nhớ về những năm tháng hào hùng đã xa và về cuộc sống ở Mèo Vạc hôm nay. Rất nhiều đổi thay đã diễn ra trên mảnh đất nơi đỉnh trời này: Hệ thống hạ tầng, đường giao thông ngày một hoàn chỉnh; nhiều trạm y tế, trường học được xây dựng ở các thôn bản; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đáng kể; dù còn khó khăn, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện năm 2020 đạt 20,6 triệu đồng; số hộ nghèo giảm 6% trong nhiệm kỳ vừa qua; phong trào xây dựng nông thôn mới đang lan toả; hoạt động du lịch, dịch vụ có nhiều khởi sắc...
Trong những năm tới, Mèo Vạc tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên: Phát triển hạ tầng du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch khám phá cảnh quan, danh lam thắng cảnh; nâng cấp hạ tầng giao thông nông thôn điện, nước sinh hoạt theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm; tạo sinh kế, giải quyết việc làm, thực hiện tốt các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Ở Mèo Vạc đúng ngày chủ nhật, tôi lại có dịp tham dự phiên chợ ở ngay trung tâm thị trấn. Phiên chợ vùng cao không chỉ là thước đo đời sống kinh tế xã hội mà còn mang đậm sắc màu văn hoá cộng đồng. Không khí rất náo nhiệt và hồ hởi. Đồng bào các dân tộc trong những bộ quần áo đẹp nhất đem những sản phẩm làm ra đến phiên chợ. Nhiều đám thanh niên hò hẹn nhau từ trước, tay bắt mặt mừng. Chợ gia súc họp riêng trong bãi rộng ở đầu thị trấn. Khu chợ phía trong kín mấy dãy phố, trở nên chội giữa những nhà cao tầng vây quanh và vì thế, mất đi vẻ khoáng đạt tự nhiên vốn có.
Tôi nhớ tới không khí phiên chợ Mèo Vạc ngày xưa từng miêu tả trong trong bút ký "Hoa đá trên đỉnh trời": “Từ nửa đêm, các nẻo đường đã vang tiếng ngựa hí trong màn sương mờ. Từ các bản xa xôi nhất, người ta đua nhau trẩy về huyện lị. Những cô gái Mông uyển chuyển nếp váy, tay cầm ô lúc cụp lúc xòe như những điệu múa trên sườn núi. Những bà già người Dao đại bản quấn những vành khăn to nhiều lớp trên đầu. Phụ nữ Lô Lô đội khăn nhỏ, thêu đủ màu thành những ô vuông nho nhỏ. Người Tày, Nùng giản dị trong bộ quần áo Chàm. Xen trong những màu sắc ấy là những cô gái dưới xuôi lên công tác ở các cơ quan giáo dục, y tế, ngân hàng... là bóng áo xanh của những người lính từ trên chốt cũng đổ về. Phiên chợ ở vùng biên cương này đúng là một ngọn lửa lớn, có sức vẫy gọi mọi người. Cái vui lớn nhất ở đây là được gặp, được nhìn, được đi giữa muôn vàn âm thanh, sắc màu, dáng điệu, chứ không phải chỉ được mua bán, trao đổi theo cái lẽ thường của người đi chợ. Những bãi ngựa, những quầy rượu, thắng cố, những nơi bày bán vải hoa, chỉ màu... luôn náo nhiệt”.
Mã Pì Lèng và sông Nho Quế luôn là biểu tượng cho sự hùng vĩ, uy nghiêm trên mảnh đất này. Lại nhớ chuyến đi năm ấy, cả mấy cung đường đèo cheo leo hiểm trở vắng người, chỉ có bóng áo lính trên những điểm tựa phòng thủ. Cuộc gặp rất thú vị với vợ chồng anh Giàng A Páo và chị Sùng Thị Mỷ, những người sống bên bờ sông Nho Quế, khi họ cùng bạn bè đi mở đường xây dựng trận tuyến phòng thủ Mèo Vạc... Trong bài thơ "Bên dòng Nho Quế", nhớ về những năm tháng ấy, tôi có viết:
Sông như thiên kiếm trao cho núi
Giữa lấy quê hương chốn địa đầu
Trập trùng đá xám mang hồn nước
Sông chảy vào lòng đá thẳm sâu
Quang cảnh Mã Pì Lèng nay đã khác nhiều. Đường rộng hơn nên độ cheo leo không còn như trước. Người đông, đặc biệt là dân du lịch. Một số nhà hàng mở ngay đỉnh đèo mất cảnh quan đẹp của thiên nhiên. Điểm du lịch từ đỉnh đèo xuống sông Nho Quế đông kín khách dù đường cua dốc đứng khá nguy hiểm. Lù A Tân, anh lái xe ôm người Giáy, khi chở tôi qua 49 cua tay áo, cho tôi biết, đoạn đường này dài tới 8 km, với độ cao chênh lệch trên 1.000 mét từ đỉnh đèo xuống đến mặt sông.
Trên đường đi, tôi kể cho Lù A Tân nghe rằng tôi đã có mặt ở đây từ những năm chiến tranh ác liệt, khi anh chưa ra đời. Chàng thanh niên 28 tuổi ấy thì cho biết, nghề đưa khách tham quan giờ là nguồn sống của cả bản, có lúc tới gần 300 xe hoạt động. Từ khi có đập thuỷ điện, sông Nho Quế thành điểm thu hút khách, với các chuyến ca nô qua hẻm Tu Sản dọc sông.Từ dưới vực sâu nhìn lên, Mã Pì Lèng với con đường Hạnh Phíc mang khát vọng một thời, càng trở nên hùng vĩ.
Ấn tượng mạnh mẽ hơn cả trong tôi là những cây gạo đang mùa hoa đỏ chói trên bến sông. Màu hoa như lửa cháy lên trên nền trời xanh, đá xám. Trong một lần trở lại đây, tôi đá từng viết về màu hoa khắc khoải, nhiều gợi nhớ ấy với những ai từng có mặt trên mảnh đất này trong những năm tháng đang lùi xa ấy:
Loay hoay quên nhớ một vòng đời
Bên dốc điểm nhiên cây đợi người
Giật mình lối cũ hồn sương khói
Màu hoa nhoi nhói tháng năm trôi