Những hương ước “nóng” mùa dịch
Các xã ra quyết định thành lập Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng nhằm tăng cường vai trò của nhân dân trong phối hợp với chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng để phòng, chống dịch tại các bản vùng biên. Mỗi bản có một Tổ phòng, chống COVD-19 cộng đồng với Tổ trưởng là Trưởng bản, thành viên là cá nhân thuộc tổ chức chính trị xã hội của bản như Công an viên, Bí thư Đoàn Thanh niên, Ban Công tác Mặt trận bản, Y tế thôn bản…
Chủ tịch UBND xã Ma Li Pho (huyện Phong Thổ) Tẩn Chỉn Hùng khẳng định, Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng với tinh thần trách nhiệm cao đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ được giao. Tổ còn thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ hơn những quy định chung. Những chỉ đạo từ cấp trên được các bản vận dụng linh hoạt vào điều kiện cụ thể, rồi họp thống nhất đưa ra quy ước, hương ước riêng, quy định chi tiết, cụ thể các bước cần làm phòng, chống dịch, mức xử lý nghiêm khắc đối với người vi phạm. Sự hoạt động tích cực, hiệu quả của Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng đã giúp người dân thôn bản vùng biên nâng cao ý thức, hiểu biết và thực hiện nghiêm túc quy định phòng, chống dịch. Nhờ vậy, các bản vùng biên cho đến thời điểm này vẫn giữ được “vùng xanh”.
Theo chân anh Lý Dâu Phùng, Tổ trưởng Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng bản Hùng Pèng, xã Ma Li Pho, chúng tôi đến nhà chị Hoàng Tả Mẩy ( tuổi, dân tộc Dao). Trong ngôi nhà lá đơn sơ, mọi người ngồi chăm chú nghe anh Phùng tuyên truyền về sự nguy hiểm của dịch bệnh, biện pháp phòng tránh và kế hoạch tiêm vaccine đợt 3 sắp tới. Có đoạn anh Lý Dâu Phùng nói bằng tiếng dân tộc Dao rồi phát tờ rơi có hình ảnh dễ nhìn cho gia đình chị Mẩy. Anh Phùng cho hay, trong bản có 43 hộ, anh và các thành viên trong Tổ lần lượt tới từng nhà tuyên truyền, hạn chế tập trung đông người. Tổ còn ghi âm lời tuyên truyền một cách ngắn gọn, dễ hiểu, rồi phát đi phát lại trên loa phát thanh của bản để mọi người khắc sâu nội dung phòng, chống dịch bệnh. Nếu người dân đi làm không ở nhà, các thành viên lên nương tuyên truyền cho bà con.
Theo Trưởng bản Lý Dâu Phùng, Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng bản có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân không tiếp tay, bao che, đưa dẫn người xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới; hạn chế đông người ở đám cưới, đáng tang, nhà mới; không tổ chức thăm thân bên kia biên giới… Đồng thời, Tổ nắm tình hình, phát hiện đối tượng lạ, trường hợp di chuyển đến địa phương, rà soát ca bệnh hoặc trường hợp nguy cơ, nghi nhiễm, báo cáo Ban Chỉ đạo hoặc Trung tâm Chỉ huy phòng, chống COVID-19 xã.
Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ Vương Thế Mẫn khẳng định, công việc của Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng bản liên tục và khá vất vả. Hoạt động của các Tổ đã góp phần rất lớn trong công tác phòng, chống dịch ở địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, các thành viên trong Tổ không được hưởng chính sách hỗ trợ. Vì vậy, các cấp chính quyền cần có chính sách hỗ trợ để động viên họ.
Lán nương là nơi cách ly linh hoạt
Khi dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp, Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng càng thể hiện rõ nét vai trò ứng phó linh hoạt, kịp thời của mình tại nơi dân cư. Những ngày giáp Tết Nhâm Dần, người dân từ nhiều nơi trở về địa phương, Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng cập nhật thông tin lao động, hướng dẫn khai báo y tế và tổ chức tự cách ly an toàn, nghiêm túc.
Anh Hoàng Quang Dùng, Tổ trưởng Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng bản Thèn Sin, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ hồ hởi kể về quá trình dân bản chống dịch. Tổ hướng dẫn người nhà chuẩn bị nơi cách ly đảm bảo cho người đi xa trở về. Nếu nhà không đủ điều kiện về phòng ở, Tổ báo cáo, chọn cách ly tại lán giữa nương, giữa ruộng đảm bảo tuyệt đối an toàn. Người nhà có nhiệm vụ chuẩn bị sẵn đồ ăn, thức uống, chỗ ngủ... Người đi xa trở về đi thẳng đến lán, lều, không được về nhà.
Tại đây, Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng hướng dẫn người cách ly thực hiện việc tự theo dõi tình trạng sức khỏe để báo cáo kịp thời cho đơn vị chức năng. Khi hết thời gian cách ly, người đó mới tái hòa nhập cộng đồng, ăn Tết với gia đình, dòng tộc, làng bản. Bà con ở đây đồng lòng, chấp hành nghiêm chỉnh.
Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên toàn tỉnh Lai Châu có diễn biến phức tạp, gia tăng các ca nhiễm nhưng tại địa bàn biên giới vẫn được đánh giá là an toàn hơn so với khu vực nội địa. Huổi Luông là xã đông dân (với khoảng 7.700 dân, gồm 21 bản) nhưng tính đến ngày 14/2 mới chỉ có 1 ca F0 (2F1 đều có kết quả xét nghiệm âm tính). Con số này cho thấy việc quản lý, giám sát F0 rất chặt chẽ và hiệu quả, thể hiện vai trò của các lực lượng trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, trong đó có Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng thôn bản.
Chị Lù Thị Phương (32 tuổi, dân tộc Dao), thành viên Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng bản Hùng Pèng, xã Ma Li Pho cho biết, để vận động được mọi người đi tiêm rất khó khăn. Tuy nhiên, các thành viên trong Tổ đã kiên trì ngày đêm tuyên truyền lợi ích của việc tiêm vaccine phòng COVID-19, cách xử lý những tác dụng phụ sau tiêm. Dần dần bà con hiểu và tham gia tiêm chủng. Hiện nay, tỉ lệ tiêm phòng mũi 2 cho đối tượng người lớn tại bản đạt trên 96%.
Ở vùng biên, Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng chính là biểu tượng của mục tiêu “xây đài thắng lợi trên nền nhân dân” như Chính trị viên Đồn Biên phòng Huổi Luông, Thiếu tá Phạm Tuân khẳng định. Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng trong mối liên hệ mật thiết với chính quyền và Đồn Biên phòng đã thể hiện rõ vai trò, sự đóng góp của mình, cùng với các chiến sĩ "quân hàm xanh", góp phần tạo thành “vành đai thép” phòng, chống dịch nơi biên giới.
Bài cuối: Biên cương giữ vững vùng xanh