Người dân qua suối Thia bằng phà tự chế. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN |
Mong ước của người dân nơi đây là những đứa trẻ không phải mạo hiểm chèo bè mảng vượt suối đi học, suốt mấy chục năm qua vẫn chưa thành.
Như một điệp khúc, mỗi năm, cứ đến mùa nước cạn, gần 100 hộ dân trong thôn Khe Ngõa, xã Mỏ Vàng (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) lại họp nhau bàn tính, góp công, góp của, đan những bè nứa, bè vầu, làm cầu phao để bắc qua suối Ngòi Thia. Không có cầu, giao thương, buôn bán và đời sống của các hộ dân sống dọc hai bên bờ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng cũng như việc đi lại hàng ngày.
Nhà chị Ngô Lan Phương nằm ở ngay cạnh quãng con suối thường được lựa chọn để bắc cầu phao. Nhà chị Phương có hàng sửa chữa xe máy nên chị thường xuyên chứng kiến và nắm rất rõ những vụ tai nạn liên quan đến cây cầu phao được ghép tạm bằng những chiếc bè nứa này.
Chị Phương cho biết, gọi là cầu phao nhưng chỉ là những bè nứa ghép tạm lại và chỉ đi được trong mùa nước cạn; việc đi lại qua cầu phao cũng vô cùng bất tiện và nguy hiểm. Trường hợp người dân qua cầu ngã cả người, cả xe xuống suối Ngòi Thia là chuyện xảy ra như “cơm bữa”. Chưa có ai chết ở quãng suối này, nhưng cứ độ 3 – 4 hôm lại có xe rơi xuống suối phải thuê người vớt lên và mang vào quán để sửa. Có lần, mấy đứa trẻ qua cầu ngã xuống suối, cả thôn nháo nhào xô xuống vớt lên.
Do nằm trên địa hình dốc, suối Ngòi Thia rộng cả trăm mét, nước chảy rất siết nên khoảng độ tháng 5, tháng 6 hàng năm, khi lũ về, nước lên, chiếc cầu phao tự bắc của các hộ dân Mỏ Vàng lại bị cuốn phăng theo lũ. Không còn cầu, người dân lại phải chuyển sang làm bè mảng để vượt suối. Những chiếc bè được buộc tạm bằng những thân vầu, thân nứa mong manh giữa dòng nước lũ là phương tiện duy nhất để đi lại.
Mặc dù biết nguy hiểm nhưng cũng không còn cách di chuyển nào khác. Những đứa trẻ trong thôn Khe Ngõa ngày ngày vẫn phải tự chèo mảng vượt suối sang bờ bên này để tới trường.
Thầy Hoàng Đình Văn, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở xã Mỏ Vàng cho biết, vào mùa lũ, khi cầu phao bị cuốn trôi, hàng ngày vẫn có 30-40 em học sinh phải tự chèo mảng vượt suối để đến trường. Các thầy cô giáo trong nhà trường rất mong mỏi các cấp chính quyền sớm có tính toán để xây dựng một cây cầu vững chắc giúp bảo đảm an toàn tính mạng cho các em học sinh, cũng như bảo đảm sinh hoạt của người dân sống dọc hai bên suối, nhất là trong mùa mưa lũ.
Xã Mỏ Vàng có hơn 900 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày sinh sống. Là một xã vùng sâu, vùng xa, Mỏ Vàng thuộc diện xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên. Không có kinh phí xây dựng, chính quyền xã chỉ có cách duy nhất là đề đạt lên chính quyển cấp trên nguyện vọng của người dân. Đồng thời, mỗi năm vận động người dân đóng góp công sức và vật liệu để tự làm chiếc cầu phao tạm đi lại trong mùa nước cạn.
Ông Hoàng Ngọc Nhưỡng, Chủ tịch UBND xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên cho biết, người dân nơi đây từ hàng chục năm qua rất mong mỏi sớm có một cây cầu để thuận tiện đi lại, bớt nguy hiểm và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương tốt hơn. Dù đã đề đạt rất nhiều lần, song do chưa bố trí được vốn nên nhân dân trong xã Mỏ Vàng vẫn còn phải tiếp tục… chờ.