Xác xơ tuyến dân cưNhững ngày giữa tháng 9 khi chúng tôi có mặt ở cụm tuyến dân cư vượt lũ tại huyện Tân Hưng, tỉnh Long An - một trong những vùng trũng của Đồng Tháp Mười, điều đầu tiên cảm nhận là không khí ảm đạm bao trùm. Gia đình nào cũng chỉ còn lại phụ nữ, trẻ em và người già, trong khi đó, thanh niên và đàn ông khỏe mạnh đều đã “bỏ xứ” lên các thành phố lớn để kiếm sống.
Những đứa trẻ con chơi đùa trước căn nhà bỏ hoang ở tuyến dân cư vượt lũ ấp Cả Nổ, xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. |
Tại tuyến dân cư vượt lũ ấp Cả Nổ, xã Vĩnh Lợi, một trong 28 cụm tuyến dân cư vượt lũ của huyện Tân Hưng có trên 100 mái nhà nhưng đến nay có gần 60 căn bị bỏ hoang, chỉ có lác đác vài chục hộ còn bám trụ lại. Những căn nhà bỏ hoang lâu năm, cỏ dại mọc um tùm, tường bao nứt nẻ, thậm chí có những căn chỉ còn lại trơ lại khung nhà, bên trong cỏ mọc cao quá đầu người.
Chị Nguyễn Thị Hằng là một trong những gia đình đầu tiên chuyển lên tuyến dân cư vượt lũ ấp Cả Nổ, đến nay đã ở được 8 năm. Cũng như đa phần các hộ dân ở đây, thu nhập chính của gia đình chị là từ công việc thuê mướn và đánh bắt cá khi mùa lũ về. Chị cho biết so với những năm trước đây, thu nhập của gia đình chị bị sụt giảm đáng kể do nguồn thu nhập từ mùa lũ không còn. Chính vì vậy, chồng chị đã lên thành phố làm thuê với thu nhập khoảng 5 triệu đồng/ tháng. Còn chị ở nhà đi cưa tràm mướn, ngày kiếm được từ 50.000 - 100.000 đồng, tuy nhiên công việc rất bấp bênh.
“Những mùa lũ trước đây, mỗi ngày đi giăng lưới đánh cá cũng có thu được từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày nhưng giờ đây chẳng còn đánh bắt được nhiều cá như trước. Do không có lũ về, hai năm nay, số người dân ở cụm tuyến bỏ lên thành phố đi làm mướn tăng hơn so với trước kia. Hiện chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ nhỏ ở nhà” - chị Hằng buồn nói.
Tại tuyến dân cư vượt lũ ấp Cà Dăm, xã Vĩnh Đại, chúng tôi chứng kiến ông Lê Văn Lớn (62 tuổi) đang ngồi đập những bao lúa chét từ những ruộng lúa đã thu hoạch. Ông Lớn cho biết, hiện nhà chỉ có hai vợ chồng già, riêng vợ ông đau ốm liên miên nên không làm được việc gì để kiếm tiền. Còn bản thân ông cũng ốm yếu, chủ yếu sinh sống nhờ đánh bắt cá vào mùa lũ nhưng hai năm nay nguồn lợi thủy sản tự nhiên giảm sút nghiêm trọng đến mức không đủ lo cho gia đình. Chính vì thế, ông phải ra đồng thu nhặt “lúa chét” từ ruộng đồng đã thu hoạch. Mỗi ngày ông thu được 3 - 4 bao bông, đập ra được 1 bao lúa, nhưng toàn là lúa lép nên cũng chỉ được vài kí gạo sống qua ngày.
“Hồi trước có lũ tôi đi đánh bắt cá bán, trung bình mỗi ngày cũng được 100.000 nghìn đồng. Cả tháng nay tôi cứ phấp phỏng chờ lũ về. Không có lũ, chúng tôi chẳng biết trông vào đâu để kiếm sống. Vợ ốm đau mua thuốc vài chục ngàn đồng cũng phải sang vay hàng xóm, cơ cực lắm”, ông Lớn ngậm ngùi cho biết.
Trao đổi về tình trạng này, ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lợi và cả ông Nguyễn Văn Dụng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Đại đều thừa nhận có việc người dân ở tuyến dân cư vượt lũ tiếp tục bỏ lên các thành phố lớn để kiếm việc làm vì không còn kế sinh nhai từ nghề đánh cá tự nhiên. Tuy nhiên cho đến nay hai xã này vẫn chưa thống kê số lượng người dân tiếp tục rời khỏi các cụm tuyến dân cư trong mùa lũ năm nay.
Cần sinh kế bền vữngHầu hết những người dân vào sinh sống trong cụm tuyến đều không có đất sản xuất. Chính vì thế công tác đào tạo nghề để đảm bảo ổn định sinh kế cho nhân dân trong cụm tuyến dân cư vượt lũ đã được chính quyền địa phương quan tâm triển khai trong thời gian qua. Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai lại không đạt hiệu quả như mong muốn và kéo theo hệ quả là tỷ lệ lấp đầy dân cư trong cụm tuyến chưa đạt yêu cầu.
Ông Lê Văn Lớn (62 tuổi) đang ngồi đập những bao “lúa chét” thu hoạch từ những thửa ruộng ở tuyến dân cư vượt lũ ấp Cà Dăm, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. |
Có thể dẫn chứng toàn tỉnh Long An cho đến nay có 165 cụm, tuyến dân cư vượt lũ (gồm 104 cụm, 61 tuyến) với tổng số 34.197 lô nền quy hoạch. Hiện tại, 26.496 nền đã được bàn giao với 16.916 căn nhà đã xây dựng xong. Theo đó, tổng số hộ dân vào ở là 16.873 hộ, đạt chưa tới 50% theo quy hoạch. Nếu tính riêng huyện Tân Hưng thì có số hộ dân vào ở cao nhất với 4.628 hộ (đạt 71%).
Ông Huỳnh Thanh Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng, cho rằng thời gian qua các địa phương ở huyện đã có nhiều cố gắng tạo việc làm cho người dân bằng cách phối hợp với các trung tâm đào tạo nghề may, đan lát, sửa máy, điện tử... Tuy nhiên, do là huyện ở vùng sâu vùng xa nên rất khó tìm được doanh nghiệp để giải quyết việc làm bà con nhân dân trong cụm tuyến. “Khi đào tạo nghề, UBND huyện đã nỗ lực tìm doanh nghiệp đặt hàng sản xuất từ bà con. Mặc dù có tìm được doanh nghiệp chịu đặt hàng nhưng chỉ hợp tác được thời gian đầu rồi các doanh nghiệp này cũng bỏ với đủ lý do”, ông Hiền nói.
Do vậy, để giải quyết khó khăn trên, theo ông Hiền, hiện UBND huyện Tân Hưng đang quy hoạch hai cụm tập trung sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp và có chính sách kêu gọi hợp lý để doanh nghiệp vào đầu tư nhằm tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân. Có thể nói, cách làm đó cho thấy sự nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương nhưng giải pháp này vẫn chưa thực sự tạo ra hiệu quả bền vững, đặc biệt trong bối cảnh dự báo diễn biến thiên nhiên và môi trường ngày càng biến đổi, tác động tiêu cực như hiện nay.
Qua quá trình đi thực tế tại các địa phương chịu ảnh hưởng lũ, chúng tôi nhận thấy rằng nhiều người nông dân không có đất sản xuất vẫn tự xoay sở để tìm cho mình nguồn sống trước tác động tiêu cực của điều kiện tự nhiên. Chẳng hạn như mô hình nuôi lươn, cá lóc trong bạt của bà con ở các cụm tuyến dân cư vượt lũ tại huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), huyện An Phú (An Giang). Mô hình này hoàn toàn phù hợp với người dân nghèo vì không cần nhiều đất sản xuất, vốn ít và đầu ra ổn định, nhất là khi lũ về thấp.
Chính vì vậy, ngành nông nghiệp ở các địa phương nói trên đang tập trung khuyến khích và có chính sách hỗ trợ về vốn, kĩ thuật để nhân rộng mô hình và đã tính tới việc ổn định đầu ra cho bà con. Như tại huyện An Phú, ông Mai Văn Bộ, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, cho biết chính quyền, ngành chức năng địa phương đã có bước chuẩn bị làm việc với các doanh nghiệp để ký kết bao tiêu với nông dân khi mô hình sản xuất này được nhân rộng.