Hàng trăm nhà vượt lũ thành “nhà ma”

Lũ chưa về, nguồn lợi từ thủy sản không còn, đời sống người dân Đồng bằng sông Cửu Long khó khăn hơn bao giờ hết. Nhiều người bỏ xứ đi tìm việc, khiến cho hàng trăm căn nhà vượt lũ bỏ hoang.

Tuyến dân cư vượt lũ ấp Cả Nổ, xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An đìu hiu nhìn từ trên cao.

Huyện Tân Hưng (Long An) là một trong những vùng trũng của Đồng Tháp Mười. Người dân nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nghề nông và đánh bắt thủy sản trong mùa lũ. Toàn huyện được đầu tư 28 cụm tuyến dân cư vượt lũ với hơn 4.300 hộ. Nhưng những ngày này, bao trùm các cụm tuyến nhà vượt lũ là không khí ảm đạm, hầu như chỉ có phụ nữ, trẻ em và người già ở nhà, thanh niên và đàn ông khỏe mạnh đều đã “bỏ xứ” lên các thành phố lớn kiếm việc.

Khu dân cư Cả Nổ ở xã Vĩnh Lợi, một trong 28 cụm nhà vượt lũ của huyện Tân Hưng với trên 100 nhà nhưng đến nay có gần 60 căn bị bỏ hoang, chỉ có lác đác vài chục hộ còn bám trụ lại. Những căn nhà bỏ hoang lâu năm, cỏ dại mọc um tùm, tường bao nứt nẻ, thậm chí có những căn chỉ còn lại trơ lại khung nhà, bên trong cỏ mọc cao quá đầu.


Chị Nguyễn Thị Nhân (Ấp Cả Nổ) cho biết, nhiều gia đình ở đây đã phải bỏ đi nơi khác sinh sống vì không có việc làm. Nhiều người chỉ đến đây ở vài tháng rồi lại đi thế nên nhiều căn đã bị bỏ hoang gần chục năm nay.


Chị Nhân cho biết, chị là một trong những hộ “bám trụ” tại đây lâu nhất vì hoàn cảnh khó khăn, không biết chuyển đi đâu. Chồng chị mất sớm, 1 mình chị nuôi con đang học lớp 10. Trước đây có lũ về, chị thường đi đánh bắt cá kiếm sống, mỗi ngày được 100 – 200.000 đồng, trong vài tháng lũ cố gắng tích cóp dành dụm thì cũng đủ tiền tiêu trong vài tháng sau đó. Thế nhưng 2 năm nay, lũ không về, cuộc sống gia đình chị trở nên rất khó khăn. Chị đi làm mướn, cưa tràm nhưng việc không ổn định, khi có khi không, mỗi ngày được 50.000 – 100.000 đồng. Ngoài ra, chị nhận may gấu bông tại nhà, mỗi con gấu bông chị được trả 1.000 đồng, 1 ngày chị may được 30 con, mỗi tháng thu nhập gần 1 triệu đồng.


Cách đó không xa, tuyến dân cư Cà Dăm, xã Vĩnh Đại (Tân Hưng) cũng có hơn 20 căn nhà vượt lũ đang trong tình cảnh tương tự. Nhiều căn đã trở thành nơi chưa vật liệu xây dựng, ngư cụ hoặc nơi chăn nuôi của các hộ khác.


Về vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng cho biết, trước đây, nhà dân ở đây bị ngập lụt nên mới dọn lên ở trên tuyến dân cư. Đa số người dân tại đây sống bằng nghề chài lưới, phụ thuộc rất lớn vào con lũ nhưng hơn vài năm nay, lũ về ít, tôm cá dần cạn kiệt nên đời sống khó khăn. Địa phương cũng không có nhà máy xí nghiệp nên những người dân chỉ còn cách lên các thành phố lớn để tìm việc.


Ông Hiền cho biết thêm, thời gian qua huyện đã phối hợp với các trung tâm đào tạo nghề dạy may, đan lát, sửa máy, điện tử...Tuy nhiên, do nằm ở xa trung tâm tỉnh, vận chuyển bất tiện nên sản phẩm làm ra được một thời gian lại không có nguồn tiêu thụ nên người dân vẫn không có sinh kế.


Một số hình ảnh phóng viên báo Tin Tức ghi nhận được:


Những căn nhà bỏ hoang phế ở tuyến dân cư vượt lũ Cả Nổ.

Một căn nhà bỏ hoang do chủ nhân của ngôi nhà này đã bỏ lên thành phố lớn mưu sinh.

Ổ khóa hoen rỉ theo năm tháng.

Ở tuyến dân cư vượt lũ này hầu hết là những hộ gia đình có cuộc sống rất khó khăn, đa phần không có đất sản xuất.

Trong ngôi nhà này không có vật dụng sinh hoạt nào đáng giá.

Hầu hết ở lại tuyến dân cư vượt lũ là những phụ nữ, trẻ em và những người lớn tuổi không còn đủ sức lao động.

Những đứa trẻ ở tuyến dân cư vượt lũ Cả Nổ chơi đùa bên căn nhà bỏ hoang.

Lũ không về, những người phụ nữ tại tuyến dân cư này làm thêm nghề để cải thiện thu nhập. Trong ảnh là bà Nguyễn Thị Hằng, 50 tuổi đang nuôi trăn để có thu nhập dù giá cả đầu ra rất bấp bênh.

Chị Nguyễn Thị Nhân, 40 tuổi nhận may gia công gấu bông với mức thu nhập trung bình khoảng 1 triệu đồng/tháng.

Chương trình cụm tuyến dân cư vùng lũ đồng bằng sông Cửu Long được xây dựng nhằm ổn định đời sống người dânsống trong vùng thường xuyên bị ngập lụt. Giai đoạn 1 từ năm 2001 - 2008 với tổng số vốn gần 5.800 tỷ được triển khai tại Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Long An, Cần Thơ. Có 804 cụm tuyến dân cư được xây dựng, hỗ trợ 146.000 hộ dân sống trong vùng thường xuyên bị ngập lụt. Giai đoạn 2 của chương trình gồm 179 dự án cụm tuyến với mục tiêu đảm bảo chỗ ở an toàn cho 56.000 hộ dân của tỉnhĐồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và TPCần Thơ. Năm 2015, Thủ tướng đồng ý cho kéo dài giai đoạn 2 của chương trình đến năm 2020 với 8.400 hộ dân thuộc chương trình chưa xây dựng nhà ở, tương đương với tổng số vốn cần vay 1 tỷ đồng.



Anh Đức - Thu Trang
Người dân đồng bằng sông Cửu Long lao đao chờ lũ
Người dân đồng bằng sông Cửu Long lao đao chờ lũ

Vài năm nay lũ không về, nguồn cá tôm ngày càng khan hiếm. Cuộc sống của những người dân Đồng bằng sông Cửu Long vốn phụ thuộc vào đánh bắt cá tôm mưu sinh nay càng cơ cực. Cùng với đó, người dân cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ khác như sạt lở đe dọa...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN