Để quản lý bờ sông, kênh rạch nội thành, ngày 9/6/2004 UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định 150/2004/QĐ-UB, đến ngày 18/4/2017 ban hành Quyết định 22/2017/QĐ-UB (thay thế Quyết định 150/2004) trong đó quy định hành lang bờ sông Sài Gòn là 30 - 50m tùy từng đoạn. Tuy nhiên, thực tế các dự án đã triển khai trước năm 2004 có hành lang an toàn bờ sông không đồng đều từ 20 - 50m. Thậm chí, các quy định về sau, dù đã phân định rõ trách nhiệm, chức năng quản lý Nhà nước của từng đơn vị, sở, ngành, nhưng tình trạng lấn chiếm sông, kênh rạch, xây dựng trong hành lang bảo vệ sông vẫn tiếp tục diễn ra như một sự thách thức dư luận.
Mập mờ hành lang bảo vệ sông
Về vấn đề xây dựng, theo Quyết định 22/2017/QĐ-UB nói trên, trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ được xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, công trình an ninh quốc phòng, phòng cháy chữa cháy.
Đối với nhóm công trình phục vụ hoạt động dịch vụ quy định thời hạn sử dụng tối đa là 3 năm bao gồm công trình triển lãm ngoài trời, khu vui chơi giải trí ngoài trời, biển quảng cáo, chợ hoa tết, các điểm cà phê, giải khát ngoài trời, các điểm kinh doanh phục vụ du lịch và khu thể dục - thể thao.
Về trách nhiệm quản lý, sử dụng hành lang bảo vệ trên bờ, UBND thành phố xác định trách nhiệm của các đơn vị liên quan bao gồm Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng và UBND quận, huyện.
Tuy nhiên, diễn biến tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ sông, kênh rạch trong thời gian qua cho thấy, nhiều đơn vị chưa hoàn thành trách nhiệm của mình, công tác phối hợp còn chồng chéo, chế tài xử phạt chưa thực nghiêm minh, chưa đủ sức răn đe.
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, thời gian qua do lịch sử để lại, sự phát triển của thành phố nóng và chưa đồng bộ, cộng với việc xem nhẹ, buông lỏng quản lý, các tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố đã bị lấn chiếm, hình thành các khu nhà trên các sông, kênh rạch và các khu dân cư xây dựng mới được cấp phép ở sát bờ sông, rạch thoát nước.
Trong khi đó, mép bờ cao (đường bờ) của các tuyến giao thông thủy đã công bố dựa trên cơ sở bộ bản đồ địa chính hoàn thành năm 2005 và đến nay đã bị thay đổi khá nhiều do hiện tượng sạt lở bờ sông bởi các công trình làm thay đổi dòng chảy, đặc biệt là ở các quận 4, 7, 8... Một số tuyến không thể cắm mốc hành lang theo quy định được vì đã hình thành các khu dân cư, các công trình cao tầng ổn định sát bờ sông.
Báo cáo rà soát quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch dọc tuyến sông Sài Gòn của Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho thấy, trên toàn tuyến sông Sài Gòn có khoảng 83 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu phức hợp nhà ở kết hợp với thương mại, dịch vụ, khu công viên kết hợp khu vui chơi giải trí với diện tích thống kê chưa đầy đủ hơn 454ha.
Các dự án đầu tư không được giao đất thuộc phạm vi hành lang an toàn bờ sông nên không ai quản lý, đầu tư trong khi pháp lý chưa có, thiếu nguồn lực, dẫn tới thực hiện manh mún, bị lấn chiếm trái phép. Tình trạng lấn chiếm hành lang bờ sông để sử dụng vào các mục đích cá nhân (công trình phụ trong các công trình nhà ở tư nhân), xây dựng bến neo đậu cano, kinh doanh nhà hàng, quán cafe… còn phổ biến, nhất là tại các khu vực có mật độ đô thị hóa cao nhưng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
Đơn cử ở Quận 2, một số dự án nhà ở biệt thự không xác định được chiều rộng hành lang bờ sông vì được phê duyệt theo các quyết định của Kiến trúc sư trưởng thành phố từ năm 1998 (có trước năm 2004 là thời điểm thành phố ban hành quy chế quản lý hành lang bờ sông).
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, do chưa được quy hoạch tổng thể, chưa được kè bờ nên dẫn tới tình trạng sông rạch bị lấn chiếm, bị sạt lở, ô nhiễm nghiêm trọng. Giai đoạn trước năm 2004, do chưa có các quy định về hành lang bảo vệ sông rạch nên đã có một số dự án khu nhà ở, khu du lịch được giao đất và xây dựng sát cạnh mép bờ cao sông Sài Gòn.
Xáo trộn dòng chảy tự nhiên
Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, vào thời điểm đầu năm 2019 trên địa bàn thành phố còn tồn tại 39 vị trí kênh, rạch bị lấn chiếm, phát sinh thêm 2 vị trí. Tuy nhiên đến nay đã xử lý 6 vị trí, còn lại 35 vị trí kênh rạch bị lấn chiếm.
Riêng tại Quận 7 có tới 10 trường hợp lấn chiếm tại rạch Bà Bướm, rạch Sông Tân, rạch Tam Đệ, rạch Cây Me, Rạch Bần Đồn, rạch Ông Đội làm thu hẹp lòng rạch, hạn chế khả năng thoát nước. Còn tại quận 12 việc đầu tư xây dựng Khu Dân cư An Sương đã lấp rạch để đặt cống D600.
Tại hội thảo quốc tế "Quy hoạch và phát triển bờ kè sông Sài Gòn và sông, kênh nội thành" được tổ chức vừa qua, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua thành phố quản lý chưa tốt dẫn tới xâm phạm chỉ giới hành lang bảo vệ sông do chưa có cái nhìn và giải pháp tổng thể để tổ chức thực hiện.
Đại diện UBND Quận 8 nhìn nhận, thời gian gần đây dọc sông Sài Gòn có nhiều dự án nhà cao tầng với hàng ngàn căn hộ. Nhiều đoạn công trình kè bảo vệ sông Sài Gòn đang có dấu hiệu lấn sông một cách rõ rệt. Thời gian qua, chủ đầu tư các dự án quan tâm tới lợi nhuận nhiều hơn ý thức về an toàn bờ sông.
Các dự án xây dựng ra tận mép sông, thậm chí lấn luôn lòng sông. Đây là điều hoàn toàn không phù hợp với quy định chung của thành phố, gây thiệt hại lâu dài. Không gian bờ sông phải thuộc về tài sản công cộng tuy nhiên với tình trạng các dự án án ngữ hai bên bờ sông Sài Gòn như hiện nay, không gian công cộng này đang bị thu nhỏ lại.
Dưới góc độ chuyên gia quy hoạch, Kiến trúc sư Ngô Anh Vũ, Viện Quy hoạch xây dựng cho rằng, tình trạng lấn chiếm sông rạch để phát triển dự án cho thấy công tác quản lý đô thị "có vấn đề" đồng thời cho thấy việc thiếu vắng một đồ án quy hoạch hai bờ sông nhằm đảm bảo thống nhất về tổ chức và quản lý không gian cảnh quan trên toàn bộ tuyến sông. Thành phố không thể cứ giao đất cho doanh nghiệp để họ toàn quyền xây dựng mà cần có kịch bản quy hoạch ven sông Sài Gòn.
Trong khi đó, theo Kiến trúc sư Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hồ Chí Minh, trong quá trình đô thị hóa, các công trình dần dần che khuất các dòng sông, thậm chí do quá trình chiếm dụng đất hai bên sông làm cho nhiều đoạn sông không còn có thể tiếp cận đối với mọi người.
Ngoài nguy cơ bị xói lở theo quy luật tự nhiên của dòng chảy, dải đất dọc bờ sông còn có nguy cơ bị chiếm dụng và xây dựng tùy tiện. Quỹ đất và mặt nước bị lãng phí, cảnh quan sông nước bị hủy hoại, môi trường bị ô nhiễm và cộng đồng dân cư thành phố mất cơ hội tiếp cận không gian rộng lớn tươi đẹp của sông nước.
Thực tế cho thấy, từ cầu Thủ Thiêm 2 đổ mắt về khu vực cầu Sài Gòn, phía bờ quận Bình Thạnh là những căn hộ cao tầng thuộc Khu đô thị Vinhome Central Park. Khu đô thị này được Vingroup xây dựng tại vị trí cũ Tân Cảng Sài Gòn với hệ thống cầu cảng phục vụ bốc dỡ hàng hóa trên sông Sài Gòn. Thực hiện quy hoạch di dời cảng biển, Tân Cảng Sài Gòn đã di dời, sau đó khu đất được xây dựng thành Khu đô thị Vinhome Central Park như ngày hôm nay.
Sau khi di dời, thay vì phá dỡ hệ thống cầu cảng cũ, trả lại sự thông thoáng cho mặt sông, bờ sông Sài Gòn thì với Quyết định 4535/QĐ-UBND (ngày 11/9/2014), UBND TP Hồ Chí Minh cho tăng thêm diện tích mặt nước của khu vực là 5.784 m2 và sử dụng cầu cảng hiện hữu phủ xanh làm công viên cây xanh nghỉ ngơi, giải trí.
Căn cứ vào đó, Vingroup xây dựng công viên Central Park thuộc Khu đô thị Vinhome Central Park trên vị trí cầu cảng cũ. Tuy nhiên, chính vì giữ lại cầu cảng cũ xây dựng công viên Central Park nên từ cầu Sài Gòn nhìn xuống, sông Sài Gòn uốn cong mềm mại bỗng dưng có một khúc sông bị che chắn, nhô ra như một cái yết hầu. Công viên Central Park hiện đại, làm tăng giá trị sống cho cư dân Khu đô thị Vinhome Central Park nhưng lại khiến sông Sài Gòn mất đi không ít vẻ hiền hòa vốn có từ hàng trăm năm nay.
Bài cuối: Cần sớm có quy hoạch bờ sông