Theo kế hoạch, ngày 12/8, tàu sân bay INS Vikrant đầu tiên do Ấn Độ tự chế tạo, sẽ được hạ thủy tại Kochi, bang Kerala, đưa Ấn Độ gia nhập câu lạc bộ một số ít nước gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp có khả năng thiết kế và đóng loại tàu sân bay như vậy. Tàu sân bay tự chế INS Vikrant của Ấn Độ. Ảnh: Thanhnien.com.vn |
Tàu INS Vikrant có trọng tải 40.000 tấn, dài 260 mét, rộng 60 mét, do Cochin Shipyard Limited khởi công đóng từ tháng 11/2006, sẽ được Bộ trưởng Quốc phòng A.K. Antony phát lệnh hạ thủy tại xưởng đóng tàu Kochi.
Việc hạ thủy tàu INS Vikrant đánh dấu kết thúc giai đoạn đầu tiên của công trình, tiếp đó sẽ là công việc lắp đặt thiết bị và chế tạo những phần trên bong chính. Dự kiến, con tàu sẽ được tiến hành thử nghiệm vào năm 2016 trước khi đưa vào phiên chế của hải quân vào cuối năm 2018.
Ngoài máy bay chiến đấu MIG-29K, máy bay chiến đấu hạng nhẹ (LCA) do chính Ấn Độ sản xuất và máy bay Kamov 31 có thể được triển khai trên tàu sân bay INS Vikrant.
Tàu INS Vikrant cũng sẽ được triển khai các tên lửa đất đối không tầm xa (LRSAM) do Israel sản xuất và các hệ thống vũ khí khác. Tuy nhiên, LCA hiện đang được phát triển tại Bangalore hiện chưa sẵn sàng để triển khai trên tàu sân bay, còn LRSAM chủ yếu được phát triển tại Israel đang bị trì hoãn so với kế hoạch.
Phó Đô đốc hải quân R. K. Dhowan , Phó tham mưu trưởng lực lượng hải quân Ấn Độ đánh giá việc hạ thủy tàu sân bay INS Vikrant sẽ là một thắng lợi rực rỡ của chương trình “nội địa hóa” của hải quân Ấn Độ. Bên cạnh việc thiết kế và chế tạo trong nước, INS Vikrant còn là tàu chiến bậc cao được sử dụng thép do Ấn Độ sản xuất.
Minh Lý(P/v TTXVN tại New Delhi)