Ngày 26/9, Ban quan hệ công chúng của Lực lượng Không quân Thái Bình Dương (PACAF) tiết lộ với Business Insider rằng một “pháo đài bay” B-52 thuộc Phi đội ném bom viễn chinh số 96 đã tiến hành tập luyện trên Biển Đông và Ấn Độ Dương hôm 23/9. Hai ngày sau, một máy bay B-52 khác cũng làm nhiệm vụ diễn tập trên vùng biển này.
“Chiến dịch ‘Oanh tạc cơ hiện diện thường xuyên’ (CBP) của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương Mỹ bắt đầu kể từ tháng 3/2004”, PACAF cho hay, đồng thời khẳng định những sứ mệnh mới đây đều “phù hợp với luật phát quốc tế cùng với các chính sách về tự do hàng hải nổi tiếng và lâu năm của Mỹ”.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Trung tá Dave Eastburn nói: “Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục bay và hoạt động ở bất cứ nào luật pháp quốc tế cho phép tại thời điểm và nơi chốn do chúng tôi chọn lựa”.
Trong lúc Trung Quốc vẫn chưa lên tiếng về các chuyến bay của B-52 Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis hôm 26/9 nhấn mạnh rằng nếu Trung Quốc có vấn đề đối với những chuyến bay trên thì chính là do những hoạt động trái phép của Trung Quốc như xây đảo nhân tạo và quân sự hóa tại vùng biển này.
Tháng trước, Mỹ đã cử máy bay B-52 bay qua Biển Đông và Biển Hoa Đông hai lần. “Pháo đài bay” cũng làm nhiệm vụ trên Biển Đông vào tháng 4 và tháng 6, khiến Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Washington “chạy toán loạn” trong khu vực.
Hai chuyến bay mới nhất xảy ra trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Hai bên không chỉ trừng phạt nhau bằng cuộc đua áp đặt thuế lên đến hàng tỷ USD mà còn làm ảnh hưởng đến mối quan hệ quân sự.
Cuối tuần trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trừng phạt một cơ quan quốc phòng của Trung Quốc vì mua vũ khí Nga. Đáp lại, Bắc Kinh bất ngờ hủy cuộc họp quân sự cấp cao giữa Phó Đô đốc Hải quân Shen Jinlong và người đồng cấp Mỹ John Richardson. Nước này cũng từ chối cấp phép cho tàu sân bay Mỹ USS Wasp cập cảng Hong Kong.
Giới quan sát dự đoán mối quan hệ quân sự giữa hai nước phải mất một thời gian dài mới phục hồi như cũ.