Bất chấp việc Mỹ đe dọa Ấn Độ phải từ bỏ thỏa thuận S-400, quốc gia này đã lựa chọn S-400 của Nga để bảo vệ lãnh thổ sau khi đạt được một thỏa thuận kỹ thuật và kinh tế vào đầu năm nay. Hệ thống S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu bay trên không ở khoảng cách lên tới 400 km.
“Đối với S-400, chúng tôi đã chuẩn bị mọi thứ để ký hợp đồng này… chúng tôi đang tiến gần tới điều đó. Chúng tôi hy vọng sẽ ký được hai hợp đồng với đối tác Ấn Độ vào cuối năm nay”, Giám đốc Cơ quan Liên bang Nga về Hợp tác Kỹ thuật-Quân sự (FSMTC) Dmitry Shugaev trả lời phỏng vấn kênh RIA Novosti.
Coi Ấn Độ là một đối tác chiến lược, ông Shugaev xác nhận Moskva đã chấp thuận đề nghị từ phía New Delhi giảm giá thành 5 hệ thống S-400, với giá trị ban đầu là 6,5 tỷ USD.
“Ấn Độ là đối tác chiến lược của chúng tôi, nên chúng tôi đã xem xét mọi mong muốn từ các đối tác, và có những nhượng bộ nhất định”, ông Shugaev giải thích.
Phản ứng trước thông tin mua S-400 của Ấn Độ, Mỹ đã cảnh báo quốc gia này phải từ bỏ thỏa thuận mua vũ khí Nga, không thì sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt thông qua “Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt” CAATSA của Washington.
Nirmala Sitharaman, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ khẳng định: “Trong tất cả các cam kết của chúng tôi với Mỹ, chúng tôi đã giải thích rõ ràng sự hợp tác quốc phòng của Ấn Độ và Nga đã thực hiện trong một khoảng thời gian dài và là mối quan hệ được kiểm chứng qua thời gian. Chúng tôi nhấn mạnh đạo luật CAATSA không thể tác động đến sự hợp tác quốc phòng của Ấn Độ - Nga”.
Hồi tháng 5, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Mỹ Mac Thornberry cảnh báo các quốc gia lựa chọn công nghệ Nga thay vì công nghệ Mỹ, nói rằng việc tiếp nhận công nghệ S-400 sẽ khiến Mỹ cảm thấy không thoải mái khi đưa thêm các loại công nghệ của mình tới các quốc gia đó.
Trước đó, quan hệ giữa Mỹ và một đồng minh khác – Thổ Nhĩ Kỳ cũng rơi vào tình trạng căng thẳng do liên quan đến hợp đồng mua S-400 của Nga. Lô hàng đầu tiên của hệ thống này dự kiến sẽ được chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2019. Các nhà lập pháp Mỹ và các thành viên NATO bày tỏ lo ngại nếu Ankara sở hữu cả S-400 của Nga và máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của nhà sản xuất Mỹ Lockheed Martin, những ưu và nhược điểm của máy bay thế hệ thứ năm F-35 sẽ bị các đối thủ nắm rõ.