Bất ngờ với mục đích thực sự tàu sân bay hạt nhân Mỹ thứ 2 tới Bán đảo Triều Tiên

"Chảo lửa" Triều Tiên vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì Mỹ lại tiếp tục điều thêm một tàu sân bay thứ hai tới khu vực này. Tuy nhiên, mục tiêu hàng đầu của quyết định điều động này dường như lại không phải là nhằm vào Bình Nhưỡng.

Nhóm tàu tấn công do tàu sân bay USS Ronald Reagan làm chủ lực được điều động hướng tới Bán đảo Triều Tiên.

Tàu sân bay tấn công lớp Nimitz chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan của Mỹ đã được điều động tới Bán đảo Triều Tiên ngay sau khi Bình Nhưỡng thử quả tên lửa đạn đạo mới nhất, được cho là có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Trong buổi trả lời phỏng vấn Đài phát thanh Sputnik, chuyên gia an ninh Nga Lev Korolkov đã đưa ra những nhận định về mục đích thực sự đằng sau sự hiện diện của siêu tàu sân bay này tại Bán đảo Triều Tiên.

Ông giải thích: “Đầu tiên, đây là một hành động phô diễn sức mạnh, cũng như nỗ lực gây sức ép với Nga và Trung Quốc – các cường quốc trong khu vực. Nhiệm vụ thứ hai là hỗ trợ các đồng minh của Washington, là Nhật Bản và Hàn Quốc. Và cuối cùng, nó mới nhắm tới Triều Tiên”.

Theo ông Korolkov, mọi người đều biết rất rõ mặc cho các tuyên bố từ phía nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Triều Tiên sẽ không bao giờ là nước đầu tiên triển khai tấn công. “Thậm chí như vậy, Mỹ muốn gây sức ép lên Bình Nhưỡng nhằm hạn chế việc phát triển chương trình vũ khí hạt nhân, đặc biệt trong khi Triều Tiên lại đang đạt một số bước tiến trong lĩnh vực này. Tuy nhiên sẽ không nảy sinh xung đột vì cả hai bên đều chưa sẵn sàng cho nó”, ông Korolkov kết luận.

Trước đó, kênh truyền hình CNN đưa tin tàu sân bay USS Ronald Reagan được cho là dự kiến thay thế tàu sân bay USS Carl Vinson - tàu đã tới Bán đảo Triều Tiên vào cuối tháng trước, nhằm phô diễn sức mạnh, trong bối cảnh cả thế giới lo sợ Triều Tiên sẽ tiến hành một cuộc thử hạt nhân lần thứ 6. 

Theo thông báo của các quan chức Hải quân Mỹ, hai tàu sân bay này sẽ thực hiện các buổi diễn tập chung vào cuối tháng 5. Tàu sân bay USS Ronald Reagan đã rời vùng biển Nhật Bản vào hôm 16/5 sau khi hoàn tất quá trình bảo trì tại Yokosuka.

Lần phóng thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên diễn ra trong hôm 14/5, kết quả một tên lửa đạn đạo tầm trung đất đối đất rơi xuống Biển Nhật Bản. Ngay hôm sau, chính quyền Bình Nhưỡng khẳng định vụ thử tên lửa phóng thành công và tên lửa này có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Trong khi đó, truyền thông đưa tin các hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Triều Tiên đang nâng cấp Bãi phóng Vệ tinh Sohae nằm ở tỉnh North Pyongan – nơi đã triển khai phóng thử 4 quả tên lửa đạn đạo trong tháng 3/2017. 

Theo trang mạng chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên North, các hình ảnh ghi nhận cho thấy Triều Tiên đang xây những con đường và trạm quan sát mới quanh bãi phóng, cũng như đào một hố bên cạnh sàn phóng mà hiện chưa biết chức năng là gì.

Kể từ đầu năm 2016, Triều Tiên đã thực hiện một loạt các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân, kéo theo sự chỉ trích lên án của dư luận thế giới, khiến cho căng thẳng leo thang trên Bán đảo Triều Tiên. 

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã siết chặt các lệnh trừng phạt đối với quốc gia Đông Bắc Á này trong nỗ lực buộc Bình Nhưỡng phải chấm dứt các vụ phóng thử tên lửa và thử hạt nhân.

Hồng Hạnh/Báo Tin Tức
Chuyên gia dự đoán biện pháp cuối cùng Trung Quốc sẽ sử dụng với Triều Tiên
Chuyên gia dự đoán biện pháp cuối cùng Trung Quốc sẽ sử dụng với Triều Tiên

Chuyên gia Hàn Quốc cho rằng cho ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên đã giảm, nhưng sau khi Bình Nhưỡng thử tên lửa đạn đạo chỉ vài giờ trước lễ khai mạc Diễn đàn Vành đai và Con đường, Bắc Kinh có thể sẽ sử dụng biện pháp cuối cùng với Bình Nhưỡng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN