Theo mạng tin EURACTIV.sk (Slovakia), Chính phủ Slovakia, vừa thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào tháng 12 năm ngoái, đã đồng ý gửi 13 máy bay chiến đấu MiG-29 thời Liên Xô tới Ukraine vào tuần trước, trong khi nhiều người vẫn đặt câu hỏi liệu động thái này có hợp hiến hay không.
Hiến pháp Slovakia quy định rằng một chính phủ thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm sẽ không được phép đưa ra các quyết định chính sách đối ngoại quan trọng. Để bỏ qua điều này, Chính phủ Slovakia đã quyết định chuyển giao máy bay chiến đấu như một hiệp ước quốc tế mà họ có thể áp dụng.
“Tôi đã nói rằng chúng tôi chỉ làm điều đó nếu chúng tôi chắc chắn và chỉ theo cách phù hợp với hiến pháp”, quyền Thủ tướng Slovakia Eduard Heger cho biết, đồng thời giải thích rằng việc chuyển giao sẽ dựa trên hiệp ước quốc tế mà Slovakia đã ký với Ukraine. Ông Heger nói thêm: “Slovakia đang ở phía lẽ phải của lịch sử".
Tuy nhiên, ông Marek Káčer tại Đại học Trnava nêu quan điểm: “Việc chính phủ không có ý định đệ trình hiệp ước quốc tế liên quan lên quốc hội để xin sự đồng ý là điều đáng nghi ngờ về mặt hiến pháp".
Vị chuyên gia trên nói thêm: “Hiến pháp Slovakia quy định rõ ràng rằng cần có sự đồng ý của quốc hội để các hiệp ước quốc tế có tính chất quân sự có hiệu lực".
Cựu thủ tướng và lãnh đạo phe đối lập hiện tại của Slovakia, Peter Pellegrini, cũng chỉ trích động thái của chính phủ lâm thời. “Họ đã làm theo cách của riêng mình và giờ họ phải chịu trách nhiệm về điều đó”, ông Pellegrini nói, lưu ý thêm rằng chính phủ nên đưa vấn đề ra Tòa án Hiến pháp.
Ông Heger đáp lại rằng Slovakia sẽ nhận được 200 triệu euro từ Quỹ gìn giữ hòa bình của EU và 700 triệu euro khác từ các đồng minh như Mỹ để bồi hoàn và cho việc đảm bảo các thiết bị quân sự mới khi bàn giao máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine.
Ông Heger không nói rõ Slovakia sẽ nhận thiết bị gì nhưng cho biết nó sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của nước này.