Theo hãng tin AFP, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết vào tuần trước rằng: “Tất cả chúng ta đều biết đang xảy ra tình trạng khan hiếm một số thành phần, đặc biệt là thuốc nổ. Mặt hàng này thực sự là thứ ngày nay đang thiếu".
Johann Hoecherl, chuyên gia về đạn dược tại trường Đại học Quốc phòng Đức ở Munich, nói: Một quả đạn pháo đơn giản có ba phần: vỏ đạn, chất nổ mạnh và một ngòi nổ, thường được thiết kế để kích nổ khi va chạm. Theo chuyên gia Hoecherl, mặc dù chất đẩy vẫn được gọi là thuốc nổ nhưng ngày nay nó không phải là bột mà ở dạng thanh hoặc viên.
Jean-Paul Maulny, Phó Giám đốc Viện Quan hệ Chiến lược và Quốc tế (IRIS) của Pháp lưu ý châu Âu có số lượng rất nhỏ các nhà sản xuất thuốc nổ, nổi bật là các công ty như Eurenco hoạt động tại Pháp, Bỉ và Thụy Điển; Nitrochemie do tập đoàn Rheinmetall sở hữu phần lớn và có các cơ sở ở Đức và Thụy Sĩ.
Ông Maulny chỉ ra rằng, khi nhiều quốc gia đang nỗ lực đưa sản xuất về trong nước, Pháp đang trong quá trình chuyển một phần sản xuất của Eurenco về Bourges, cách Paris khoảng 200 km về phía Nam. Ông nói thêm: “Đây là một trong những điểm nghẽn đối với đạn dược. Câu hỏi hàng đầu là số lượng được sản xuất”.
Ủy viên thị trường nội bộ EU Thierry Breton nói với các phóng viên rằng khối này cũng phải đối mặt với những thách thức trong việc tìm kiếm nguyên liệu thô cho thuốc nổ. Ông nói: “Để làm thuốc nổ, cần một loại chất đặc biệt, hầu hết có nguồn gốc từ Trung Quốc".
Hợp chấp Nitrocellulose là nguyên liệu chính trong sản xuất thuốc súng. Ông Breton chia sẻ thêm: “Việc giao loại hợp chất này từ Trung Quốc đã dừng lại cách đây vài tháng”.
Trung Quốc và Nga trong những năm gần đây đã tăng cường hợp tác kinh tế và ngoại giao, khi quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên đã phát triển chặt chẽ hơn kể từ khi nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine. Tại Nga mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Sun Weidong tuyên bố quan hệ đang ở thời kỳ tốt nhất trong lịch sử.
Theo ông Breton, các nước Bắc Âu đã tìm ra chất thay thế cho hợp chất từ Trung Quốc và đang đổi mới để đáp ứng nhu cầu về thuốc nổ.
Ông Breton thông báo các công ty sản xuất nguyên liệu thay thế cho thuốc nổ sẽ nằm trong số những công ty được chọn nhận trợ cấp theo Đạo luật Hỗ trợ Sản xuất Đạn dược (ASAP) của EU sẽ được công bố sắp tới.
Ông dự đoán rằng những nỗ lực của khối nhằm tăng sản lượng đạn pháo sẽ nâng công suất sản xuất hàng năm của khối lên khoảng 1,5 triệu đến 1,7 triệu viên vào cuối năm nay. Ông Breton ước tính con số tương đương của Nga là dưới 2 triệu một chút.
Chuyên gia Maulny của IRIS nêu quan điểm: “Mọi người đang tìm cách sản xuất ở quy mô lớn hơn nhiều. Hiện tại, Ukraine đang thiếu đạn pháo. Nga chưa gặp tình trạng thiếu hụt nhưng điều đó có thể xảy ra trong những tháng tới. Không ai sẵn sàng cho một cuộc xung đột cường độ cao, nơi tiêu thụ rất nhiều trang thiết bị quân sự. Chúng tôi chưa từng chứng kiến một cuộc chiến nào như thế này kể từ Thế chiến thứ hai”.